LTS. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực chiếm hơn 50% sản lượng lúa cả nước, cũng như chiếm trên 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu, đem lại nguồn ngoại tệ không nhỏ cho đất nước. Tuy vậy, có một nghịch lý là, cuộc sống của hơn 1 triệu hộ làm nghề trồng lúa vẫn còn nhiều khó khăn.
Nghị quyết 18 được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa XIII) thông qua cũng nêu quan điểm về việc: Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Tăng cường quản lý chất lượng đất, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất lượng đất.
Vậy làm thế nào để vừa đảm bảo bài toán an ninh lương thực, duy trì xuất khẩu lúa gạo nhưng vẫn có lối thoát cho người dân ĐBSCL cởi trói khỏi "vòng kim cô" để có cuộc sống sung túc hơn. Dân Việt đăng tải loạt bài "Giữ hay giảm diện tích lúa ĐBSCL" để phần nào đi tìm câu trả lời cho vấn đề này.
Có nên kiên quyết giữ diện tích lúa ở vùng ĐBSCL?
Trong báo cáo kinh tế thường niên năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright công bố mới đây có nội dung vô cùng quan trọng và đặc biệt nhấn mạnh đó là cần giảm diện tích lúa ĐBSCL trong thời gian tới. Báo cáo này được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia kinh tế, chính sách hàng đầu Việt Nam.
Nội dung báo cáo nêu rõ: Trong nhiều thập kỷ qua, lúa gạo vẫn là mặt hàng nông sản chủ lực và một trong những bệ đỡ chính cho nền kinh tế ở ĐBSCL. Với tỷ trọng đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, ngành lúa gạo ở ĐBSCL có vai trò then chốt trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và duy trì thu nhập ở mức độ cơ bản cho phần lớn cư dân nông thôn sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp.
Để thực hiện chủ trương an ninh lương thực của Nhà nước, các địa phương vùng ĐBSCL buộc phải giữ một diện tích canh tác tối thiểu nhằm đảm bảo sản lượng lúa nhất định hàng năm. Mặc dù chính sách kiên quyết giữ đất lúa đã giúp Việt Nam xóa đói và trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu, nhưng lại không giúp ĐBSCL trở nên thịnh vượng và người nông dân trở nên khá giả.
Cũng tại Lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL tổ chức ở TP Cần Thơ ngày 1/8/2022, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cũng đồng tình bỏ tư duy sản lượng lúa nhất nhì thế giới mà phải tiếp cận cách khác, với giá trị khác. "Chứ chạy theo sản lượng, đánh đổi thế này sẽ tạo ra liên lụy mà chưa lường trước được hết".
Tình trạng thâm canh lúa kéo dài đã khiến vai trò kinh tế của ĐBSCL ngày một suy giảm so với các vùng khác. Trong ba thập kỷ qua, mức đóng góp của ĐBSCL vào tổng sản phẩm quốc nội giảm mạnh, giá trị gia tăng trung bình của nông sản bắt đầu chững lại, thậm chí suy giảm. Thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích không cao, chất lượng nông sản thấp và thị trường xuất khẩu hạn chế, năng suất lao động nông nghiệp trung bình vẫn thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Có thể nói, đó là hệ quả của chính sách dồn phần lớn nguồn lực và năng lực sản xuất vào sứ mệnh bảo vệ và duy trì an ninh lương thực cho cả nước.
Do tập quán sản xuất, người dân trồng lúa lạm dụng phân bón, thuốc hóa học sẽ là những tác nhân chính làm ô nhiễm đất và nước, làm tăng phát thải khí nhà kính.
Trước thực trạng trên cùng những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phát triển công nghiệp và sự vận hành các dự án thủy điện và chuyển nước ở thượng nguồn sẽ làm khả năng sản xuất lúa và các nguồn sinh kế khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.
Theo ước tính trong nghiên cứu chuyển đổi nông nghiệp đến năm 2050, các nguyên nhân này cộng với giá trị lúa hàng hóa thấp sẽ khiến quy mô sản xuất lúa giảm dần.
Vì vậy, cần phải có sự thay đổi cơ bản về quan điểm sản xuất nông nghiệp cho nhu cầu an ninh lương thực và cần thiết phải chuyển đổi sang một nền kinh tế - kinh doanh nông nghiệp có giá trị sản phẩm cao hơn.
Phải giảm diện tích lúa để người dân thoát nghèo, làm giàu
Theo báo cáo kinh tế thường niên năm 2022, hiện nay diện tích sản xuất lúa trong 1 năm ở ĐBSCL là 3,8 triệu ha, đến giai đoạn 2021 - 2030 diện tích sẽ giảm xuống 2,8 triệu ha, đến giai đoạn 2030 - 2040 còn 2,4 triệu ha và chỉ còn 2 triệu ha vào giai đoạn 2040 - 2050.
Với diện tích trên, việc giảm diện tích lúa ở ĐBSCL sẽ kéo theo sản lượng lúa cả nước giảm từ 38,6 triệu tấn/năm (21,2 triệu tấn gạo) xuống còn 30 triệu tấn (16,5 triệu tấn gạo) vào giai đoạn 2021 - 2030, đến giai đoạn 2030 - 2040 còn 26,7 triệu tấn (14,7 triệu tấn gạo) và chỉ còn 24 triệu tấn (13,2 triệu tấn gạo) vào giai đoạn 2040 - 2050.
Ông Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Trưởng nhóm nghiên cứu trong báo cáo kinh tế thường niên năm 2022 cho hay, xuất phát điểm của vùng ĐBSCL là có một thời gian rất dài ưu tiên cho an ninh lương thực.
"Điều này hoàn toàn đúng trong bối cảnh chúng ta vừa ra khỏi chiến tranh, còn nghèo đói. Tuy nhiên, từ những năm 1990 trở đi, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lương thực" - ông Tự Anh nói.
Theo ông Tự Anh, rất nhiều năm qua, an ninh lương thực vẫn là định hướng ưu tiên với ĐBSCL, điều này chỉ có thể giúp người dân thoát nghèo, không thể giúp nông dân làm giàu. Chính vì vậy, ông Tự Anh khuyến cáo, phải thay đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi quan điểm về an ninh lương thực, tức phải giảm diện tích lúa để chuyển sang các ngành kinh tế khác, từ đó mới phá vỡ được các "vòng xoáy đi xuống" của ĐBSCL.
Mặc dù thời gian qua, diện tích lúa giảm nhưng vẫn còn chiếm đa số trong diện tích đất nông nghiệp ở ĐBSCL. Theo cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp ở ĐBSCL, có thể thấy 50% hộ dân có diện tích đất trồng lúa trung bình dưới 0,5ha.
Diện tích nhỏ này, theo ông Tự Anh, không thể hiện đại hóa, không thể tích hợp với các chuỗi cung ứng, khó hợp tác 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) khi nhà nông quá nhỏ, không tương thích với các nhà còn lại, luôn luôn lép vế, do đó mặc dù phát triển nông nghiệp nhưng nông dân vẫn nghèo.
Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright còn cho rằng, việc giảm diện tích lúa, hạn chế sản lượng lúa gạo còn giúp ĐBSCL sử dụng tốt hơn nguồn lực về đất, nước, lao động cho các lĩnh vực, ngành nghề khác. Ngoài ra, còn giúp cho giá lúa gạo tăng lên.
"Việc chúng ta cố gắng sản xuất thật nhiều lúa gạo sẽ làm giá lúa gạo sẽ giảm xuống. Đây là sai lầm cơ bản, không nên lặp lại sai lầm này nữa, tức cần phải thay đổi, nhất là trong tư duy" - ông Tự Anh nhấn mạnh.
Ngoài những lý do trên, một số ý kiến các chuyên gia kinh tế, chính sách hàng đầu Việt Nam còn thể hiện trong báo cáo kinh tế thường niên năm 2022 rằng, từ sau năm 1975, với sứ mệnh an ninh lương thực, ĐBSCL ưu tiên giữ đất trồng lúa đã dẫn đến việc, các hạng mục đầu tư chính của vùng như hệ thống thủy lợi và đê bao giữ ngọt, ngăn mặn cũng xoay quanh mục tiêu thâm canh, tăng vụ lúa.
Việc làm này giữ ĐBSCL trong các hoạt động nông nghiệp có năng suất và giá trị gia tăng thấp, khiến cấu trúc kinh tế của vùng chậm chuyển đổi và vẫn thiên về nông nghiệp. Hệ quả hiển nhiên là ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng thấp, chậm phát triển, thậm chí tụt hậu.
Do đó, quan điểm của các chuyên gia kinh tế, chính sách hàng đầu Việt Nam thể hiện trong báo cáo kinh tế thường niên năm 2022 là cần phải thay đổi là quan điểm về an ninh lương thực, cụ thể là cho phép các địa phương chỉ giữ một diện tích đất lúa đủ cho tiêu dùng nội địa và dự trữ (hoặc xuất khẩu) ở một tỉ lệ nhất định.
Còn nữa!