dd/mm/yyyy

Giám đốc HTX dân tộc Giáy đưa bài thuốc gia truyền ở Lào Cai phục vụ sức khỏe cộng đồng

Kế thừa, phát huy bài thuốc gia truyền của gia đình, ông Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc HTX Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương, thôn Bản Bay, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm từ các loại dược liệu quý ở địa phương phục vụ sức khỏe cộng đồng.

Clip: Đưa bài thuốc gia truyền ở Lào Cai phục vụ sức khỏe cộng đồng.

Kế thừa bài thuốc dược liệu gia truyền của tổ tiên

Chia sẻ với chúng tôi về hành trình xây dựng bài thuốc gia truyền, ông Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc HTX Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương, thôn Bản Bay, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng kể: “Tôi là người con dân tộc Giáy quê gốc ở huyện Bát Xát. 

Từ khi còn nhỏ tôi đã theo chân mẹ vào rừng tìm kiếm, hái lá thuốc và được mẹ truyền dạy về những tác dụng của từng loại lá, loại cây rừng có thể hỗ trợ chữa bệnh, mang lại sức khỏe tốt cho mọi người. Bởi vậy, với sự đam mê của bản thân và những kiến thức ấy đã ngấm vào con người tôi từ lúc nào không hay.

Lớn lên rồi lập gia đình, tôi tiếp tục kế thừa, phát huy và nhân rộng những giá trị được đúc kết từ bài thuốc gia truyền của ông cha để lại. Bản thân tôi tiếp tục mài mò, tìm kiếm những loại thuốc đó để chế biến những dược liệu thành sản phẩm thuốc để hỗ trợ những người mắc bệnh gan...

Những sản phẩm này được chế biến, cô đặc từ các vị thảo dược tự nhiên và trồng bảo tồn ở vùng núi Tây Bắc thành dạng cao đặc thảo dược, đóng vào lọ thủy tinh gắn nhãn hiệu xuất xứ để người tiêu dùng dễ nhận biết”. 

Giám đốc HTX dân tộc Giáy đưa bài thuốc gia truyền ở Lào Cai phục vụ sức khỏe cộng đồng - Ảnh 2.

Những loại thảo dược quý được HTX Nông nghiệp - Dược liệu Mạnh Hương chiết xuất thành sản phẩm cao lá gan gia truyền. Ảnh: Trần Hương.

Theo ông Mạnh, tiền thân là cơ sở sản xuất dược liệu gia truyền của gia đình sau đó vợ, chồng ông Mạnh đã bàn với các hộ dân ở địa phương để thành lập HTX, với mục tiêu xác định phát triển sản xuất chế biến nông sản, dược liệu theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

Năm 2019, HTX Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương được thành lập, với 7 thành viên tham gia. HTX có 0,8 ha đất nông nghiệp để trồng các loại dược liệu quý, với ngành nghề sản xuất kinh doanh chủ yếu tập trung vào sản xuất chế biến các loại dược liệu như: Tinh bột nghệ, tinh bột sắn dây, cà gai leo (dạng trà túi lọc, cà gai leo viên hoàn và cao đặc cà gai leo); chế biến củ hà thủ ô; cao thảo dược các loại; trà bí đao, trà mướp đắng, trà hoa đu đủ đực … Tất cả các sản phẩm trên đều được HTX sản xuất theo quy trình ứng dụng công nghệ cao.

Để làm được điều đó, HTX đã bỏ ra gần 5 tỷ đồng để đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh dược liệu. Đây là một trong số ít đơn vị đi đầu trong việc bảo tồn, chế biến dược liệu quý của đồng bào Tây Bắc. 

Giám đốc HTX dân tộc Giáy đưa bài thuốc gia truyền ở Lào Cai phục vụ sức khỏe cộng đồng - Ảnh 3.

Vợ, chồng ông Mạnh đã liên kết với các hộ dân ở địa phương để thành lập HTX Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương. Ảnh: Trần Hương.

Hiện nay, HTX đang tích cực sản xuất, duy trì nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào cho khâu sản xuất bằng cách và tuyên truyền, hướng dẫn các thành viên HTX, nông dân trên địa bàn xã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Đồng thời, HTX ký hợp đồng liên kết tiêu thụ củ nghệ đỏ, nghệ đen, củ sắn dây ta, bí xanh của các thành viên HTX và bà con nông dân trên địa bàn, với diện tích hơn 20ha.

Đối với quy trình sản xuất để tạo ra các loại sản phẩm ra thị trường, HTX sẽ thu mua sản phẩm thô từ các thành viên và nông dân chở về bãi tập kết. Tiếp theo đó sẽ tập trung phân loại, rửa nguyên liệu củ tươi rồi mới cho vào máy nghiền và lọc bã cho vào bể lắng tinh bột. Các bước kế tiếp sẽ quạt khô sơ bộ tinh bột, sấy tinh bột, cuối cùng là đóng hộp, dán nhãn để nhập kho, xuất xưởng.

Nâng cao giá trị sản phẩm dược liệu địa phương

Để nâng cao giá trị sản phẩm, những năm qua, HTX đã tích cực nỗ lực xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu của sản phẩm để những sản phẩm bán chạy trên thị trường, mang lại thu nhập ổn định cho HTX.

Nhờ vậy, đến nay,  HTX đã có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Bên cạnh đó, HTX có 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (3 sản phẩm cấp tỉnh và 1 sản phẩm được công nhận cấp khu vực). Năm 2022, HTX còn được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lào Cai trao chứng nhận nhãn hiệu tập thể “hà thủ ô đỏ Lào Cai” cho HTX Mạnh Hương quản lý và sử dụng.

Giám đốc HTX dân tộc Giáy đưa bài thuốc gia truyền ở Lào Cai phục vụ sức khỏe cộng đồng - Ảnh 4.

Những dược liệu quý được ông Mạnh và các thành viên HTX chế biến thành dạng viên nén bán ra thị trường. Ảnh: Trần Hương.

Ngoài ra, để các sản phẩm của HTX Mạnh Hương được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và biết đến nhiều hơn, HTX đã tích cực phân phối sản phẩm qua 2 kênh online và cửa hàng hiện hữu.

Đối với kênh phân phối sản phẩm trực tiếp, HTX  hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với Hội nông sản an toàn tỉnh Lào Cai tại chợ Kim Tân, TP. Lào Cai và thị xã Sa Pa. Các cửa hàng giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm và cung ứng sản phẩm cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng OCOP các tỉnh, cửa hàng tiện ích theo yêu cầu của khách hàng…

Giám đốc HTX dân tộc Giáy đưa bài thuốc gia truyền ở Lào Cai phục vụ sức khỏe cộng đồng - Ảnh 5.

Sản phẩm cà gai leo tốt cho gan của HTX Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương. Ảnh: Trần Hương.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc HTX Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng cho biết thêm: Muốn sản phẩm đến người tiêu dùng thì chúng tôi phải tích cực tham gia các gian hàng trưng bày tại các hội nghị, hội chợ do Sở NN&PTNT, Sở Công thương tỉnh và Hội Nông dân tỉnh Lào Cai tổ chức để quảng bá, tiếp cận thị trường.

Đối với kênh phân phối sản phẩm online, từ năm 2019 đến nay, HTX đã có 10 dòng NSAT được cấp mã QR Code như sản phẩm tinh bột nghệ, tinh bột sắn dây, trà bí đao, trà mướp đắng, hoa đu đủ đực và các loại cao thảo dược ….

Giám đốc HTX dân tộc Giáy đưa bài thuốc gia truyền ở Lào Cai phục vụ sức khỏe cộng đồng - Ảnh 6.

HTX Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương tham gia quảng bá sản phẩm tại "Hội chợ giới thiệu sản phẩm xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai" tổ chức ở huyện Bảo Yên. Ảnh: Trần Hương.

Ngoài việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, HTX kết hợp với các cơ quan, tổ chức giới thiệu rộng rãi sản phẩm, nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng, bảo vệ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, hỗ trợ chăm sóc khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Cùng với đó, HTX xây dựng các trang website, tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử, đăng sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử đa kênh như: Postmart.vn, Voso, sen đỏ, lazada.....

Qua trang tin điện tử “Phiên chợ Khuyến nông”;  trang Fanpage “ Sản phẩm của nông dân Lào Cai” của Hội Nông dân tỉnh Lào Cai, các trang mạng xã hội zalo, Facebook, tiktok..... nhằm giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm được nhanh hơn. Từ đó, giúp doanh thu của HTX đạt 3,5 tỷ đồng/năm.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Mạnh để thực hiện chuyển đổi số thời kỳ công nghệ 4.0, HTX đã xây dựng nền tảng số để bán hàng đa kênh mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, xây dựng phần mềm hỗ trợ công cụ quản trị để quản lý được từ khâu sản xuất, chế biến đến bán hàng.

HTX đi vào hoạt động người dân trên địa bàn tỉnh không chỉ được sử dụng những sản phẩm có chất lượng. Mà HTX còn tạo công ăn việc làm cho người dân trồng nguyên liệu, tạo việc làm thời vụ cho 30 lao động địa phương. 

Giám đốc HTX dân tộc Giáy đưa bài thuốc gia truyền ở Lào Cai phục vụ sức khỏe cộng đồng - Ảnh 7.

Vợ, chồng ông Mạnh thăm con gái đang theo học chuyên nghiệp tại Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam ở Hà Nội. Ảnh: Trần Hương.

Kế thừa những tinh hoa của tổ tiên để lại và dựa trên việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, HTX Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương luôn tự hào về triết lý sản xuất, kinh doanh của mình. HTX mong muốn đóng góp cho sự phát triển và bảo tồn vùng dược liệu sạch của tỉnh Lào Cai. Từ đó, mở rộng vùng nguyên liệu sạch cho HTX, cung cấp cho thị trường nguồn dược liệu đảm bảo chất lượng. 

Không chỉ là Giám đốc năng động, nhiệt huyết, ông Nguyễn Tiến Mạnh còn định hướng cho con gái cả của gia đình đăng ký theo học chuyên nghiệp tại Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam ở Hà Nội. Đây cũng chính là điều gia đình ông Mạnh mong muốn để con gái viết tiếp ước mơ phát huy năng lực cốt lõi của ông, bà tổ tiên cùng tâm huyết của bố, mẹ xây dựng sản phẩm dược liệu gia truyền đông y của HTX Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương vươn xa hơn.
Mùa Xuân