dd/mm/yyyy

Giải pháp nào “tăng vị ngọt” cho mía đường Sơn La?

Năm nào cũng vậy, cứ vào vụ sản xuất đường ở Công ty cổ phần Mía Đường Sơn La (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, Sơn La) là vấn đề ô nhiễm nguồn nước lại được khuấy lên cao độ. Người kêu ca về mùi hôi, kẻ than thở về nguồn nước trên suối Nậm Pàn chảy qua khu vực sản xuất của Công ty xuống các khu dân cư không còn con cá nào sống được… và tất nhiên là ai cũng nghĩ lỗi do Công ty CP.Mía đường Sơn La gây ra. Nhưng khi đến với thực trạng nguồn nước nơi đây, mới thấy nguyên nhân không phải đến từ một phía…

Trao đổi với ông Trần Ngọc Hiếu – Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn La, ông Hiếu thành thật: Chúng tôi cũng không dám khẳng định là hoạt động sản xuất của Công ty không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nhưng việc ảnh hưởng từ phía Công ty đến môi trường ở mức độ nào thì phải nhờ các cơ quan chức năng với những thiết bị kiểm tra, đo đếm hiện đại kết luận giúp.

Sau nhiều lần kiểm tra, Sở Tài nguyên – Môi trường Sơn La chưa phát hiện tượng Nhà máy Mía đường Sơn La xả thải hoặc rò rỉ nước thải gây ô nhiễm môi trường suối Nậm Pàn.
Sau nhiều lần kiểm tra, Sở Tài nguyên – Môi trường Sơn La chưa phát hiện tượng Nhà máy Mía đường Sơn La xả thải hoặc rò rỉ nước thải gây ô nhiễm môi trường suối Nậm Pàn.

Mới đây nhất là ngày 5/4, Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên – Môi trường Sơn La đã phối hợp với các ngành chức năng, địa phương kiểm tra việc xử lý nước thải tại Công ty vào những ngày sản xuất cao độ nhưng chưa hề kết luận suối Nậm Pàn ô nhiễm do nguồn thải của Công ty gây ra. Còn phía Công ty chúng tôi thì luôn ý thức được trách nhiệm của mình với môi trường nên hàng năm chúng tôi vẫn đầu tư hàng tỷ đồng cho việc xử lý chất thải; cố gắng để tạo ra môi trường sản xuất thân thiện nhất, an toàn nhất…

Có mặt tại khu xử lý nước thải của Công ty Mía đường Sơn La, nhận thấy 4 hồ chứa nước thải với số lượng hàng trăm ngàn m3 đang được Công ty áp dụng những giải pháp tận thu và lắng lọc, xử lý men vi sinh khá triệt để. Phía Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên – Môi trường Sơn La cũng đã trực tiếp giám sát mực nước tại các hồ chứa nhiều giờ đồng hồ để đánh giá khả năng “rò rỉ, lọt nước thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường” nhưng không hề phát hiện sự nghi vấn nào.

Vậy nguyên nhân nào dẫn tới những ô nhiễm môi trường, nguồn nước như phản ảnh của người dân trên địa bàn trong thời gian qua?

Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi được biết: Con suối Nậm Pàn chảy trên địa phận huyện Mai Sơn, nối dài từ xã Cò Nòi sang xã Hát Lót, thị trấn Hát Lót rồi xuyên qua xã Mường Bằng và kéo qua huyện Mường La trước khi đổ ra sông Đà.

Hành trình đi qua địa phận huyện Mai Sơn (địa bàn đang có nhiều nghi vấn ô nhiễm nguồn nước do Công ty CP Mía Đường Sơn La hoạt động), kéo dài hàng chục km, 2 bên bờ suối san sát nhà dân và khu vực sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm, nhà nghỉ…

Hiện Công ty Cổ phần mía đường Sơn La đang thu hút hơn 10.000 hộ nông dân trong tỉnh tham gia vào vùng nguyên liệu.
Hiện Công ty Cổ phần mía đường Sơn La đang thu hút hơn 10.000 hộ nông dân trong tỉnh tham gia vào vùng nguyên liệu.

“Chỉ riêng hoạt động xả thải từ hàng ngàn hộ dân và các cơ sở chế biến khác ở 2 bên bờ suối Nậm Pàn đã đủ để làm con suối này thành con suối chết chứ chưa nói tới lượng thuốc bảo vệ thực vật từ các sườn đồi 2 bên suối trút xuống mỗi mùa mưa. Mùa này nước cạn, mỗi hộ dân 1 ngày chỉ bỏ xuống đây 1 thìa xà phòng hoặc nước tẩy rửa nhà vệ sinh thì cũng khó có sinh vật nào trên con suối này sống nổi. Mùa nồm thế này, nước cạn thì lại càng dễ có mùi.

Bởi thế, muốn bảo vệ môi trường và nguồn nước ở đây thì phải có sự chung tay của hàng chục ngàn con người đang sinh sống và sản xuất quanh 2 bên bờ suối. Có vậy thì doanh nghiệp mới yên tâm làm ăn và những vụ mía đường mới thêm vị ngọt” – Lời tâm sự của ông Trần Ngọc Hiếu – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La – đơn vị đang có vùng nguyên liệu mía tới hơn 9.400 ha với sự tham gia của hơn 10.000 hộ dân trên đất Sơn La quả là đáng để chúng ta phải suy nghĩ.

Được biết, các lực lượng chức năng vừa qua đã đình chỉ hoạt động sản xuất của 1 số cơ sở chế biến không đảm bảo vệ sinh môi trường dọc 2 bên suối Nậm Pàn; đồng thời tăng cường chỉ đạo cơ sở tuyên truyền, giáo dục và xử phạt những hành vi vi phạm môi trường ở đây. Hi vọng thời gian tới, môi trường trên suối Nậm Pàn sẽ tốt hơn và “vị ngọt” ở Công ty Cổ phần Mía Đường Sơn La sẽ được cải thiện.

Văn Chiến