dd/mm/yyyy

Giá phân bón giảm, nông dân vẫn lo chi phí sản xuất cao

Sau khi lập mức giá cao kỷ lục trong những tháng cuối năm 2021, gần đây giá nhiều loại phân bón có xu hướng giảm trở lại. Song do mức giảm còn ít, nhìn chung các loại phân bón vẫn đang có giá khá cao, trong khi giá lúa và nhiều loại nông sản lại giảm thấp so với trước đây.

Sau khi lập mức giá cao kỷ lục trong những tháng cuối năm 2021, gần đây giá nhiều loại phân bón có xu hướng giảm trở lại. Song do mức giảm còn ít, nhìn chung các loại phân bón vẫn đang có giá khá cao, trong khi giá lúa và nhiều loại nông sản lại giảm thấp so với trước đây. Nông dân gặp nhiều khó khăn, rất mong giá phân bón sớm kéo giảm mạnh trở lại để thuận lợi cho người dân sản xuất trồng trọt.

Giá phân bón giảm, nông dân vẫn lo chi phí sản xuất cao - Ảnh 1.

Nông dân mua phân bón tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở quận Thốt Nốt.

Giá giảm nhưng còn ở mức rất cao

Nhiều loại phân bón như Urê, DAP, Kali, NPK… hiện giảm  trở lại khoảng 20.000-100.000 đồng/bao 50kg so với cách nay hơn 2 tháng. Tuy nhiên, mức giá giảm này chưa thấm gì so với mức tăng giá "phi mã" của nhiều loại phân bón trong năm 2021. Hiện giá nhiều loại phân bón như Urê và Kali vẫn đang ở mức cao hơn gấp đôi so với các năm từ 2020 trở về trước.

Ngày 21-2, các loại phân đạm (Urê) như Ðạm Phú Mỹ, Ðạm Cà Mau, Urê Ninh Bình và một số loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc được bán lẻ tại cửa hàng vật tư nông nghiệp tại các quận, huyện ở TP Cần Thơ ở mức 830.000-900.000 đồng/bao 50kg. Mức giá này đã giảm từ 50.000-100.000 đồng/bao so với thời điểm giá tăng cao kỷ lục trong năm 2021 nhưng vẫn đang cao hơn 500.000 đồng/bao so với thời điểm năm 2020, khi ấy các loại Urê chỉ ở mức từ 340.000-390.000 đồng/bao trở lại. 

Những tháng trước đây, phân bón Kali (Canada, Israel, Belarus…) bán lẻ tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp có giá lên đến 870.000-920.000 đồng/bao, nay đã giảm xuống còn 830.000- 890.000 đồng/bao. Tuy nhiên, nhiều loại Kali vẫn đang ở mức cao hơn gấp đôi so với mức giá 380.000-400.000 đồng/bao của thời điểm năm 2020 và năm 2019.

Giá phân bón giảm, nông dân vẫn lo chi phí sản xuất cao - Ảnh 2.

Hiện ĐBSCL đang vào vụ sản xuất lúa hè thu nên sử dụng lượng phân bón khá lớn. Ảnh chụp tại một cánh đồng ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: LÊ VŨ

Hiện giá NPK 20-20-15 Con Cò và NPK 20-20-15 Ðầu Trâu ở mức 920.000-980.000 đồng/bao, giảm ít nhất khoảng 20.000 đồng/bao so với các tháng trước. Dù vậy, giá các loại phân bón này vẫn cao hơn rất nhiều so với mức giá 590.000-600.000 đồng/bao của thời điểm năm 2020. Tương tự, giá DAP Hồng Hà (Trung Quốc) và DAP Philippines vào những tháng trước có giá 1.250.000-1.300.000 đồng/bao, thì nay giảm xuống còn ở mức 1.160.000-1.280.000  đồng/bao, trong khi vào thời điểm năm 2020 có giá chỉ khoảng 630.000-700.000 đồng/bao.

Nhiều loại phân bón đang có xu hướng giảm và chững giá trở lại do nguồn cung dồi dào và sức tiêu thụ giảm, gần đây giá phân bón trên thị trường thế giới có xu hướng giảm nhẹ trở lại. Do sức tiêu thụ chậm, thị trường có nhiều thương hiệu phân bón và người bán hàng cạnh tranh với nhau, dự báo giá một số loại phân bón có khả năng còn giảm trong thời gian tới. Anh Ðinh Trí Hữu, chủ một cửa hàng vật tư nông nghiệp tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: "Sức tiêu thụ phân bón đang giảm mạnh do thời điểm này nông dân không có nhu cầu mua phân bón vì lúa vụ đông xuân 2021-2022 đã bước vào thu hoạch. Dự báo, tới đây khi nông dân gieo sạ lúa vụ hè thu 2022, sức tiêu thụ phân bón mới được cải thiện. Tuy nhiên, nhiều khả năng sức tiêu thụ phân bón sẽ giảm mạnh so với các năm trước do nông dân giảm diện tích lúa hè thu, hạn chế bón phân cho lúa và các loại cây trồng đang có giá cả đầu ra thấp". Theo ông Lưu Thanh Hải, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Thanh Hải ở huyện Thới Lai, giá phân bón ở mức cao không chỉ khiến cửa hàng bán lẻ phân bón gặp khó về nguồn vốn mà sức tiêu thụ hàng bị ảnh hưởng do nông dân giảm bón phân cho cây trồng. Nhiều nông dân đã tính đến khả năng tạm ngưng sản xuất lúa vụ hè thu 2022 tại những khu vực đất gò cao, làm lúa kém hiệu quả do phải tốn nhiều chi phí phân bón và bơm tưới nước...

Mong giá phân bón giảm mạnh hơn

Thời điểm này, nông dân tại TP Cần Thơ đã bước vào thu hoạch lúa đông xuân 2021-2022 và chuẩn bị cho vụ hè thu 2022. Năm nay, lúa vụ đông xuân tiếp tục đạt được năng suất khá cao nhưng nông dân không có lời nhiều do chi phí sản xuất tăng và giá lúa giảm thấp so với cùng kỳ năm trước. Nông dân rất mong giá phân bón sớm giảm mạnh trở lại tạo điều kiện cho nông dân giảm chi phí sản xuất và đảm bảo thu nhập trong vụ hè thu 2022 và các vụ sản xuất tiếp theo.

Giá phân bón giảm, nông dân vẫn lo chi phí sản xuất cao - Ảnh 3.

Tuy giá phân bón đã hạ nhiệt nhưng nông dân vẫn còn nhiều lo lắng. Ảnh: Zingnew

Ông Nguyễn Văn Tòng ngụ khu vực Qui Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, cho biết: "Chúng tôi rất lo khi chuẩn bị bước vào vụ hè thu 2022 trong điều kiện giá phân bón và nhiều loại vật tư đầu vào đang tiếp tục ở mức rất cao, còn giá bán lúa chưa biết thế nào. Nông dân rất mong ngành chức năng  có giải pháp cải thiện giá lúa đầu ra và kéo giảm giá phân bón và các loại vật tư đầu vào như thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu… để người dân an tâm sản xuất". 

Ông Ðào Tâm, ngụ ấp Ðịnh Hòa A, xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai, cho rằng: "Giá nhiều loại phân bón đang cao hơn gấp đôi so với các năm trước, nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng giá ít nhất 10-30% và gần đây xăng dầu cũng tăng giá mạnh. Trong khi giá bán lúa giảm mạnh nên nông dân gánh chịu rủi ro thua lỗ. Hiện nay, giá nhiều loại rau màu và cây ăn trái cũng giảm thấp do đầu ra bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Rất mong các ngành chức năng cần kịp thời có giải pháp kéo giảm giá các loại vật tư nông nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cần giảm giá bán để chia sẻ bớt khó khăn với người nông dân". 

Theo ông Tâm, vụ đông xuân 2021-2022, do giá phân bón và các loại vật tư đầu vào tăng, chi phí sản xuất lúa đã tăng so với năm trước hơn 1 triệu đồng/công, lên ở mức trên dưới 3 triệu đồng/công. Giá lúa lại thấp hơn từ 500-1.000 đồng/kg so với cùng kỳ, nông dân trồng lúa đạt được mức lời rất khiêm tốn, thậm chí bị lỗ vốn nếu phải thuê mướn đất sản xuất lúa. Tôi đã thu hoạch 20 công lúa đông xuân sạ giống OM 380 với năng suất đạt khoảng 1 tấn lúa tươi/công tầm lớn (1.300m2) và bán lúa chỉ với giá 5.300 đồng/kg, tính ra tôi chỉ có lời khoảng 2 triệu đồng/công trở lại.

Hiện nay, giá phân bón có giảm so với tháng trước nhưng mức giảm không đáng kể. Nông dân rất mong ngành chức năng kịp thời có giải pháp kéo giảm giá phân bón và các loại vật tư nông nghiệp, cũng như tạo ổn định cho đầu ra của lúa gạo và các loại nông sản để bà con an tâm sản xuất. 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG