Giá lợn hơi bình quân chỉ còn 63.200 đồng/kg
Giá lợn hơi hôm nay 19/08/2024, miền Tây theo chiều giảm. Ghi nhận giữ giá nhiều ngày liên tiếp tại thị trường miền Bắc, thu mua trong khoảng 64.000 - 66.000 đồng/kg.
Miền Trung - Tây Nguyên đi ngang, các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình,... giữ giá 64.000 đồng/kg; Quảng Trị, Bình Định, Dắk Lắk thấp nhất vùng - giao dịch giá 61.000 đồng/kg.
Miền Nam điều chỉnh giảm tại Cần Thơ, Cà Mau và Trà Vinh về mức 62.000 - 63.000 đồng/kg; mức trung bình vùng đạt 62.300 đồng/kg.
Đà giảm giá lợn hơi diễn ra từ cuối tuần trước, hiện duy trì mức giá bình quân chỉ còn 63.200 đồng/kg trên cả nước.
Trong báo cáo mới nhất của USDA về Thị trường thịt Thế giới, dự báo sản lượng thịt lợn thế giới năm 2024 tương đương năm 2023. Dự báo nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc sẽ giảm mạnh, trở lại bằng mức trước khi dịch ASF bùng phát vào năm 2018 và khiến các nước xuất khẩu lớn phải tìm kiếm thị trường thay thế.
Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc năm 2024 dự kiến sẽ giảm 21% so với năm trước xuống còn 1,5 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2019. Nếu điều này trở thành hiện thực, nhập khẩu trong năm 2024 của Trung Quốc sẽ trở lại mức tương đương so với mức trước khi dịch tả lợn châu Phi (ASF) bùng phát ở Trung Quốc - ASF bắt đầu tác động đến chăn nuôi của Trung Quốc vào cuối năm 2018.
Bất chấp dự báo nhập khẩu giảm, Trung Quốc dự kiến vẫn là nước nhập khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới. Trong thời kỳ đỉnh điểm của dịch ASF vào năm 2020, nhập khẩu chiếm 13% lượng thịt lợn tiêu thụ của Trung Quốc. Kể từ năm 2022, tiêu thụ thịt nhập khẩu đã giảm dần khi sản xuất trong nước phục hồi sau dịch ASF và trở lại mức trước khi dịch ASF xảy ra. Trong năm 2024, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc được dự báo tăng 56% so với năm 2020 và nhập khẩu năm trong 2024 dự kiến chỉ chiếm 3% lượng thịt lợn tiêu thụ.
Nguyên nhân do nguồn cung tại thị trường Trung Quốc dồi dào, kể từ đầu năm 2023 giá thịt lợn tại Trung Quốc liên tục ở mức thấp đã khiến nhập khẩu giảm. Giá thịt lợn trung bình trong quý I/2024 giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 56% so với quý I/2020. Do đó, thịt lợn nhập khẩu khó cạnh tranh với giá thịt nội địa tại Trung Quốc.
Các nước cung cấp thịt lợn lớn cho Trung Quốc – bao gồm Liên minh châu Âu, Brazil và Mỹ – dự kiến sẽ tìm kiếm các thị trường thay thế. Tuy nhiên, những thị trường này sẽ chỉ có thể bù đắp một phần nhu cầu giảm từ Trung Quốc. Do đó, cạnh tranh dự kiến sẽ gia tăng ở các thị trường nhập khẩu lớn khác bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.
Sản lượng thịt lợn thế giới năm 2024 dự kiến đạt 116,3 triệu tấn, tương đương với năm 2023. Xuất khẩu thịt lợn thế giới năm 2024 dự kiến sẽ tăng 3,2% so với năm trước, lên 10,4 triệu tấn. Nhập khẩu thịt lợn thế giới dự kiến đạt 9,11 triệu tấn vào năm 2024, giảm 1% so với năm 2023 (9,2 triệu tấn). Mức tiêu thụ dự kiến sẽ giảm 0,3% so với năm 2023, từ 115,5 triệu tấn xuống 115,1 triệu tấn.
Xuất nhập khẩu của các nước lớn
Trung Quốc, chiếm 48,8% sản lượng thịt lợn thế giới, dự kiến sẽ sản xuất 56,8 triệu tấn thịt lợn, giảm 2,1% so với năm 2023. Khối lượng nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm 20,9%, xuống mức 1,5 triệu tấn.
Sản lượng thịt lợn của Liên minh Châu Âu được dự báo sẽ tăng 1,7% lên 21,2 triệu tấn, trong khi xuất khẩu của EU sẽ tăng 0,8% (3,15 triệu tấn) so với năm 2023 (3,13 triệu tấn). Mặt khác, nhập khẩu ước tính đạt 100.000 tấn, giảm 7,4% so với năm 2023.
Mỹ dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 3,1% lên 12,8 triệu tấn và xuất khẩu dự kiến sẽ tăng 6,2% lên 3,3 triệu tấn.
Nhật Bản sẽ là nước nhập khẩu thịt lợn đứng thứ hai thế giới với 1,45 triệu tấn, tăng 1%.
Brazil dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 2,5%, đạt 4,6 triệu tấn. Xuất khẩu dự kiến đạt 1,42 triệu tấn, tăng 0,4% so với năm 2023.
Sản lượng của Mexico dự kiến tăng 2,1% lên 1,6 triệu tấn; nhập khẩu 1,41 triệu tấn và tăng 4,1% so với năm 2023.
Sản lượng của Canada được dự báo sẽ giảm 2,7%, đạt 2,05 triệu tấn vào năm 2024, trong khi xuất khẩu của nước này sẽ tăng 5,6% lên 1,4 triệu tấn.
Sản lượng của Việt Nam sẽ tăng 3,8%, từ 3,6 triệu tấn vào năm 2023 lên 3,7 triệu tấn vào năm 2024, trong khi nhập khẩu sẽ tăng 5,3% lên 120.000 tấn. Nga dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 2,5%, đạt 4,1 triệu tấn.
Được biết, trong quý II/2024, thị trường thịt trong nước không có biến động lớn, nguồn cung luôn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Đàn lợn của Việt Nam có xu hướng tăng trở lại do chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương khiến tình hình chăn nuôi không ổn định, đặc biệt với khu vực hộ gia đình. Giá lợn có xu hướng giảm trở lại từ cuối quý II/2024 do nhu cầu tiêu thụ thấp.
Tháng 7/2024, giá lợn hơi trên cả nước có xu hướng giảm so với tháng trước, dao động trong khoảng 62.000 - 66.000 đồng/kg.
Với mức giá này, người chăn nuôi vẫn có lãi, yên tâm đầu tư chăm sóc đàn lợn, đảm bảo nguồn cung thịt lợn đến cuối năm và dịp Tết.
Nhìn chung, 6 tháng đầu năm 2024, chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh trên đàn vật nuôi tuy có xu hướng lan rộng nhưng vẫn được kiểm soát, sản lượng thịt lợn và gia cầm xuất chuồng tăng khá so với cùng kỳ năm 2023.
Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2.535,8 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023 (riêng quý II/2024 ước đạt 1.241,9 nghìn tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023).