dd/mm/yyyy

Giá lợn hơi biến động giảm ở miền Tây, lo dịch bệnh dân thận trọng tái đàn

Giá lợn hơi hôm nay 17/06/2024, giảm nhẹ vài nơi. Với tình trạng khan hiếm lợn giống, việc tái đàn của người dân cũng thận trọng hơn khi tình hình dịch bệnh vẫn có nguy cơ xảy ra và bùng phát trở lại.

Giá lợn hơi biến động giảm ở miền Tây 

Giá lợn hơi hôm nay 17/06/2024, giảm nhẹ vài nơi. Miền Bắc - Trung - Đông đồng loạt giữ giá đi ngang ở khắp các tỉnh, dao động trong khoảng 66.000 - 71.000 đồng/kg. Nhìn chung giao dịch ở miền Trung thấp hơn 2 - 3 giá so với các khu vực khác.

Tại miền Tây hôm nay ghi nhận giảm ở các tỉnh: Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bạc Liêu giảm về mức 66.000 - 67.000 đồng/kg; hạ mức trung bình vùng xuống còn 67.500 đồng/kg.

Giá lợn hơi của Công ty C.P Việt Nam duy trì 69.000 đồng/kg. Giá lợn Trung Quốc hôm nay đứng ở mức 61.500 đồng/kg, giảm so với ngày hôm qua.

Với tình trạng khan hiếm lợn giống, việc tái đàn của người dân cũng thận trọng hơn khi tình hình dịch bệnh vẫn có nguy cơ xảy ra và bùng phát trở lại. 

Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn về thú y và các địa phương, từ đầu năm 2024 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 410 xã thuộc 40 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 17.400 con (tăng 53,74% so với cùng kỳ năm 2023); 44 xã của 13 tỉnh, thành phố đã có dịch lở mồm long móng...

Giá lợn hơi biến động giảm ở miền Tây, lo dịch bệnh dân thận trọng tái đàn- Ảnh 1.

Giá lợn hơi hôm nay 17/06/2024, giảm nhẹ vài nơi.

Giá lợn hơi biến động giảm ở miền Tây, lo dịch bệnh dân thận trọng tái đàn- Ảnh 2.

Giá lợn hơi hôm nay 17/06/2024, giảm nhẹ vài nơi.

Ngay từ đầu năm, giá lợn hơi đã liên tục tăng qua các các tháng. Tính đến cuối tháng 5/2024, giá lợn hơi trung bình trên cả nước đạt khoảng 68.000 đồng/kg, tăng 36% so với hồi đầu năm nay. Đây cũng là vùng giá cao nhất trong 2 năm trở lại đây.

Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi bùng phát hồi cuối năm 2023. Đáng chú ý, dịch bệnh đang có dấu hiệu tái bùng phát, lan rộng, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương như Hải Phòng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Nam… với số lượng lợn buộc phải tiêu huỷ ở mức lớn. 

Do đó, xu thế mất cân đối cung - cầu sẽ còn diễn ra trong những tháng tới bởi để đàn lợn nái phục hồi phải mất ít nhất 1,5 năm.

Trong giai đoạn trước Tết Nguyên đán 2024 xảy ra dịch bệnh, nhiều hộ đã bán “chạy dịch”, thậm chí bán non. Điều này khiến nguồn cung trước Tết tăng mạnh, giá lợn hơi theo đó giảm chỉ còn khoảng 53.000 đồng/kg. Do đó, đến giai đoạn sau Tết, nguồn cung lợn (loại đủ khối lượng xuất chuồng) suy giảm.

Bên cạnh đó, chênh lệch giá lợn tại miền Bắc Việt Nam và các địa phương của Trung Quốc giáp biên giới ở mức thấp, khiến dòng lưu chuyển lợn hơi giữa 2 nước vẫn “đóng băng”.

Đồng thời, tại miền Trung và miền Nam, trái với diễn biến thông thường mọi năm, nguồn cung lợn từ Campuchia và Thái Lan đang ở mức thấp kỷ lục. Nguyên nhân chủ yếu do cơ quan chức năng siết chặt kiểm soát đối với hoạt động nhập lậu lợn từ Campuchia và Thái Lan do Thái Lan ghi nhận dịch nhiệt thán bùng phát trên gia súc.

Giá lợn hơi có thể duy trì ở mức cao như hiện nay cho đến cuối năm 2024 do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vừa mới bắt đầu tái đàn trở lại sau đợt dịch tả lợn châu Phi năm ngoái và cần khoảng thời gian ít nhất đến tháng 12/2024 mới có nguồn cung mới ra thị trường.

Dữ liệu lịch sử cho thấy, thông thường chu kỳ tăng giá của ngành chăn nuôi lợn diễn ra trong khoảng 2 năm. Như vậy chu kỳ tăng giá hiện nay có thể kéo dài trong giai đoạn 2024 - 2025.

Để hạn chế mức thấp nhất của dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và cuộc sống của người chăn nuôi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có liên quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo đúng quy định của pháp luật về thú y, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.


 

P.V