dd/mm/yyyy

Giá heo tăng, vì sao nông dân không vui?

Hơn 1 tháng nay, giá heo hơi liên tục tăng, chạm mức kỷ lục trong vòng nhiều năm trở lại đây (hiện từ 50.000 - 52.000 đồng/kg). Nguyên nhân giá tăng có phải do thiếu nguồn cung hay do các doanh nghiệp lớn bắt tay nhau làm giá?

Người chăn nuôi nhỏ lẻ không vui

Theo ghi nhận của phóng viên, tại Đồng Nai - nơi có đàn heo lớn nhất cả nước, giá heo xuất chuồng đang ở mức cao nhất trong vòng nhiều năm nay. Cụ thể, giá heo hơi tăng 25.000 đồng/kg so với thời điểm Tết Nguyên đán, thế nhưng nông dân vẫn không mấy vui vì không có heo để bán. Cũng không ít người đứng ngồi không yên, đắn đo có nên tái đàn vào thời điểm này hay không.

Giá thịt heo hơi tăng mạnh trong vòng 2 năm qua.
Giá thịt heo hơi tăng mạnh trong vòng 2 năm qua.

Ông Nguyễn Văn Trung, một chủ trang trại heo ở xã Gia Tân, huyện Thống Nhất, cho biết giá heo hơi tăng đột biến đẩy giá heo giống thương phẩm tăng gấp đôi so với thời điểm heo rớt giá. Cụ thể, giá con giống hậu bị và con giống thương phẩm hiện khoảng 7 triệu đồng/con (giá cuối năm 2017 chưa đầy 4 triệu đồng/con) nên chi phí đầu tư nuôi heo tại thời điểm này rất cao, cũng là một trở ngại khiến người nông dân chưa tăng đàn hoặc tái đàn.

Dù đang có 1.000 con heo nái và hơi nhưng ông Nguyễn Quang Thụy (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) vẫn mạnh dạn đầu tư mua thêm hơn 200 heo con vào giữa tháng 5 vừa qua. Ông Thụy cho hay, sau khi thịt heo tăng giá, nhiều trang trại đã có quyết định đầu tư vào nuôi heo con, chỉ cần 4 tháng là có thể xuất chuồng. Hiện giá heo con cũng tăng từ 500.000 đồng/con lên 1 triệu đồng/con. Tuy nhiên, nếu giá heo hơi xuất chuồng ổn định ở mức 46.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, lãi vẫn còn 700.000 đồng/con.

Cũng theo ông Thụy: “Giá heo hiện nay tăng, không phải có chuyện găm giữ hàng như đồn thổi. Chủ yếu do đàn heo đã giảm rất nhiều nên không còn heo để thương lái mua. Ngay như gia đình tôi, thời gian qua đã giảm nuôi 600 con với cả heo nái, giống, con”.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, giá heo tăng trong thời gian gần đây chủ yếu do trước đó giá xuống quá thấp, nhiều trang trại nhỏ lẻ ngừng nuôi hàng loạt khiến tổng đàn heo giảm mạnh dẫn đến nguồn cung cho thị trường bị thiếu, đặc biệt là ở khu vực ĐBSCL. Không có chuyện các doanh nghiệp làm giá, lũng đoạn thị trường.

Cùng nhận định, đại diện HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong cho biết, cuộc khủng hoảng thừa heo thời gian qua khiến nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ nặng, buộc phải giảm đàn. Sự sụt giảm mạnh này đã không được cảnh báo và điều tiết kịp thời nên đã xảy ra tình trạng thiếu thịt heo.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng có đánh giá tương tự, giá heo tăng là do nguồn cung thiếu sau khi nhiều người chăn nuôi đã giảm đàn. Ông Nguyễn Xuân Dương cảnh báo, hiện tại giá heo đã cao hơn so với giá heo ở một số nước lân cận. Nếu tăng cao quá sẽ dẫn đến tình trạng heo từ các nước khác nhập tiểu ngạch vào Việt Nam, lúc đó, người chăn nuôi sẽ lại phải đối mặt với nhiều rủi ro. Người chăn nuôi nên giữ giá ở mức 45.000 đồng/kg heo hơi là ổn nhất.

Doanh nghiệp FDI hưởng lợi?

Theo ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, hiện người chăn nuôi nhỏ lẻ đang đứng ngoài cuộc chơi vì dù giá heo hơi “sốt” họ cũng không còn heo để bán, bên cạnh đó, muốn tái đàn cũng không còn vốn để đầu tư. Không chỉ thị trường heo thịt, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng đang làm chủ về nguồn cung heo giống hậu bị và heo giống thương phẩm, vì ngay các trại giống lớn của tư nhân cũng không còn con giống để xuất bán.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, chủ trang trại heo ở huyện Vĩnh Cửu, cho biết, việc doanh nghiệp chăn nuôi lớn dẫn dắt thị trường là điều có thể hiểu được. Nếu biết điều tiết cung cầu thì cả trang trại và người nuôi đều có lợi. Tuy nhiên, nếu tính toán theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”, dùng chiến thuật, dùng thời cơ để áp đặt, xóa sổ những trang trại nhỏ, đó là điều tai hại. Tất nhiên, chưa đủ cơ sở để khẳng định rằng có sự lũng đoạn hay “làm giá” của các doanh nghiệp FDI. Nhưng nếu phân tích các diễn biến thực tế, có thể thấy doanh nghiệp FDI đang tận dụng lợi thế của mình để chiếm lĩnh thị phần chăn nuôi trong nước.

Tại cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phải sớm làm rõ nghi vấn có xảy ra tình trạng các doanh nghiệp bắt tay nhau làm giá để đẩy giá heo hơi? Bên cạnh đó, phải rà soát lại các dự án nước ngoài đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực chăn nuôi, theo đăng ký là sản phẩm làm ra tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu để có dự báo thị trường cho chính xác và định hướng phát triển chăn nuôi cho phù hợp.

Công ty Chăn nuôi và Chế biến Thực phẩm Sài Gòn cho biết, theo quy luật thị trường, thường sau khi giảm đàn heo, nguồn cung ít đi sẽ xảy ra hiện tượng giá tăng lại. Về phía công ty cũng không dám tăng đàn heo nái vì với giá heo tăng như hiện nay rất có khả năng nhiều hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ sẽ quay lại nuôi heo. Lúc đó, sản lượng heo sẽ tăng trở lại, nguy cơ giảm giá lại có thể xảy ra. Đơn vị này cũng cho biết, khoảng 1-2 tháng nữa sẽ có đợt heo hơi xuất chuồng, lúc đó giá heo sẽ ổn định trở lại.

Tiến Minh - Thanh Hải