Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 10/2024 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) mở cửa hôm nay tăng 0,2 JPY, tương đương 0,06% chốt ở 331,5 JPY (2,11 USD)/kg. Tính chung cả tuần, hợp đồng này đã tăng 2,89%.
Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 9/2024 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 35 CNY, tương đương 0,23% chốt ở 15.065 CNY (2.079,74 USD)/tấn.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 7/2024 trên sàn SICOM Singapore chốt ở 175,2 US cent/kg, tăng 0,6%.
Giá dầu Brent tăng 11 cent lên mức 82,23 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Mỹ (WTI) tăng 13 cent chốt ở 77,85 USD/thùng. Cao su tự nhiên thường chịu sự điều chỉnh của giá dầu khi cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp được sản xuất từ dầu thô.
Trong cuộc họp cuối tuần qua của các nhà lãnh đạo tài chính Nhóm G7 ở Ý, Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực ngăn chặn sự sụt giảm quá mức của đồng Yên.
Thống đốc Nhật Bản cho biết, quan điểm cơ bản của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) là lãi suất dài hạn sẽ do thị trường ấn định, đồng thời không đưa ra mối lo ngại mạnh mẽ nào về sự gia tăng gần đây của lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm chuẩn đã lên mức cao nhất trong 12 năm.
Từ đầu năm 2024, với sự biến động thời tiết và hiện tượng El Nino đến sớm, khiến cho các quốc gia cung ứng cao su nguyên liệu lớn nhất thế giới như Thái Lan, Indonesia suy giảm dẫn tới nguồn cung cao su nguyên liệu giảm mạnh.
Trong khi đó, nhu cầu cao su nguyên liệu của thế giới lại tăng vọt, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc. Đây được xem là cơ hội cho doanh nghiệp cao su Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 5 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cao su ước đạt 842 triệu USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2023, sản lượng cao su xuất khẩu ước đạt 560.000 tấn, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su ước đạt 480 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023.
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu trong tháng 3/2024 đạt 751.000 tấn, giảm 4,5% so với tháng 2/2024, nhưng tăng 3,4% so với tháng 3/2023. Trong khi tiêu thụ cao su tự nhiên dự kiến đạt 1,29 triệu tấn, giảm 8% so với tháng 2/2024, nhưng tăng 2,9% so với tháng 3/2023.
Đại diện Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên dự báo, năm 2024 sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu sẽ đạt 14,54 triệu tấn, tăng 1,6% so với năm 2023. Trong số đó, sản lượng của Thái Lan dự kiến giảm 0,5%; Indonesia giảm 5,1%; sản lượng của Trung Quốc dự kiến tăng 6,9%; Ấn Độ tăng 6%; Việt Nam tăng 2,9%; Malaysia tăng 2,9% và các nước khác tăng 7,3% so với năm 2023.
Hiệp hội cao su Việt Nam cho biết, sản phẩm cao su Việt Nam được xuất khẩu đến 80 thị trường trên thế giới, trong đó thị trường Trung Quốc dẫn đầu nhập khẩu cao su Việt Nam, chiếm 79,6%, thị trường Ấn Độ xếp thứ 2, chiếm 5,3%, thứ 3 là thị trường châu Âu, chiếm 3,1% giá trị nhập khẩu cao su Việt Nam.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng cho rằng, giá cao su tăng do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu của thị trường thế giới tăng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Sản lượng cao su từ hai quốc gia sản xuất chính là Thái Lan và Indonesia (chiếm khoảng 51% tổng lượng cao su toàn cầu) giảm do ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino, cũng như sự dịch chuyển sản xuất của nông dân.
Hoạt động sản xuất lốp xe bùng nổ tại Trung Quốc đã thúc đẩy nhu cầu cao su trong năm 2023 tăng mạnh. Hơn nữa, tình trạng thiếu hụt cao su trên phạm vi toàn cầu trầm trọng hơn do tăng trưởng về sản xuất và tiêu thụ không đồng đều.
Hiện với những diễn biến này, giá cao su thiên nhiên đang tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua do nhu cầu ngày càng tăng từ ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc, cùng với sản lượng kém ở Thái Lan và Indonesia. Giá cao su xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng cao, mở ra triển vọng khả quan cho ngành cao su Việt Nam.
Nắm bắt lợi thế giá cao su tăng cao, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cao su Việt Nam cũng đã nhanh chóng vạch ra chiến lược mới để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cao su. Đồng thời, đi kèm với nhiều chiến lược đa dạng hoá sản phẩm cũng như áp dụng công nghệ để nâng cao lợi thế cạnh tranh của cao su Việt.