Giá cao su sụt giảm theo giá dầu
Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 11/2024 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) mở cửa giảm 1,8 JPY, tương đương 0,52% chốt ở 341,2 JPY (2,17 USD)/kg. Tính đến thời điểm hiện tại, hợp đồng này đã giảm hơn 4% trong tuần, nhưng lại hướng tới tuần tăng thứ năm liên tiếp.
Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 9/2024 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 195 CNY, tương đương 1,25% chốt ở 15.355 CNY (2.116,65 USD)/tấn.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 7/2024 trên sàn SICOM Singapore chốt ở 176,2 US cent/kg, giảm 0,6%.
Đồng Yên giảm 0,15% so với đồng USD, giao dịch ở mức 157,25 JPY đổi 1 USD và đang trên đà giảm nhẹ hàng tuần. Đồng Yên suy yếu khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này trở nên phải chăng hơn với các khách hàng nước ngoài.
Liên minh châu Âu (EU) đã tăng thuế đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc, mà châu Âu là điểm đến chính cho xuất khẩu xe điện của nước này.
Đóng cửa phiên trước, giá dầu tăng do được hỗ trợ bởi dự báo tăng trưởng nhu cầu của OPEC, thị trường lao động được nới lỏng và lạm phát chậm lại, dấy lên kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, bất chấp những bình luận gần đây của các quan chức Fed. Cao su tự nhiên thường chịu sự điều chỉnh của giá dầu khi cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp được sản xuất từ dầu thô.
Trong tháng 5 vừa qua, giá cao su loại mủ nước lẫn mủ chén trên thị trường nội địa Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, xác lập tháng tăng thứ 3 liên tiếp. Khảo sát cho thấy trong bối cảnh giá mủ tăng cao và nhu cầu các nhà máy ở mức tốt, người dân đã gia tăng cao mủ.
Cụ thể, giá thu mua mủ chén trung bình trong tháng 5/2024 tăng gần 19% so với tháng 4/2024, và đã cao hơn tới 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, giá thu mua mủ nước trung bình trong tháng 5/2024 tăng hơn 12% so với tháng 4/2024, và cao hơn gần 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu từ Trading Economics cho thấy, giá cao su tự nhiên đã tăng 28% từ đầu năm tới nay lên khoảng 175 USD/kg, đang ở quanh vùng đỉnh cao nhất 2 năm. Còn so với vùng đáy gần đây hồi tháng 10/2022 thì giá cao su đã tăng gấp rưỡi.
Ngành cao su thiên nhiên toàn cầu đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung do thay đổi thời tiết. Trong năm 2023, sản lượng tiêu thụ cao su thiên nhiên trên thế giới tăng khoảng 9,1% trong khi sản lượng khai thác chỉ tăng 3,4%.
Giá cao su thiên nhiên thế giới bình quân quý I/2024 cao hơn khoảng 10-15% so với cùng kỳ và cao hơn 20% so với mức đáy trong quý III/2023. Agriseco Research dự báo xu hướng tăng của giá có thể còn tiếp diễn trong năm 2024 bởi sự thiếu hụt nguồn cung.
Chứng khoán Vietcap dẫn dự báo Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) rằng thị trường toàn cầu sẽ thiếu 1,3 triệu tấn nguồn cung vào năm 2024 và có thể kéo dài đến 2028. Nguyên nhân do sản lượng thấp từ Thái Lan và Indonesia, cũng như nhu cầu cải thiện từ Trung Quốc khi ngành công nghiệp ô tô hồi phục.
Các thị trường xuất khẩu đang có tín hiệu phục hồi. Mức tiêu thụ dự kiến tăng 5% mỗi năm trong giai đoạn 3-5 năm tới nhờ vào sự phục hồi của ngành sản xuất ô tô và lốp xe toàn cầu. Trong cơ cấu đầu ra của cao su thiên nhiên, lĩnh vực ô tô (lốp xe, phụ tùng ô tô,..) chiếm tới 70% lượng tiêu thụ.