Giá cà phê 3/8: Giá cà phê trong nước tiến sát giá 68.000 đồng/kg

Nguyễn Phương Thứ năm, ngày 03/08/2023 13:04 PM (GMT+7)
Giá cà phê 3/8: Tin đồn nông dân Brazil không muốn chốt bán cà phê ở vùng giá thấp đã khiến thị trường tiêu thụ cà phê toàn cầu gia tăng mối lo thiếu hụt nguồn cung. Giá cà phê hôm nay tiếp tục "leo thang". Trong nước, giá cà phê tiến sát ngưỡng 68.000 đồng/kg...
Bình luận 0

Giá cà phê hôm nay 3/8: Tăng cao nhất 600 đồng/kg, cà phê nội tiến sát ngưỡng 68.000 đồng/kg

Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tăng liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng thêm 39 USD, lên 2.674 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng thêm 38 USD, lên 2.532 USD/ tấn, các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều trở lại xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 2,40 cent, lên 166,95 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng 1,95 cent, lên 166,35 cent/lb, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.

Giá cà phê 3/8: Giá cà phê tiếp tục 'leo thang' - Ảnh 1.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 03/08/2023 lúc 11:18:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê 3/8: Giá cà phê tiếp tục 'leo thang' - Ảnh 2.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 03/08/2023 lúc 11:18:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê 3/8: Giá cà phê tiếp tục 'leo thang' - Ảnh 3.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 500 – 600 đồng, lên dao động trong khung 66.900 - 67.900 đồng/kg.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay tăng 500 – 600 đồng, lên dao động trong khung 66.900 - 67.900 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 66.900 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg. Tiếp đến là tỉnh Gia Lai với 67.400 đồng/kg cà phê, tăng 500 đồng/kg. 

Cùng lúc, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua cà phê là 67.700 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch cà phê là 67.900 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát, tăng 600 đồng/kg.

Giá cà phê hai sàn cùng trở lại xu hướng tăng. Thị trường có tin đồn nông dân Brazil không bán cà phê do đồng Reais mạnh lên khiến họ bị thất thu khi bán các loại hàng nông sản xuất khẩu nói chung. 

Trong khi đó, báo cáo tồn kho ICE trên cả hai sàn tiếp tục giảm thấp nhưng không ghi nhận có sự bổ sung nào đáng kể, nhất là ICE – New York gần cả tháng nay không có bao cà phê nào được đưa về đăng ký để bán đấu giá và ICE – London ngày nào cũng vơi dần xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016.

Tính đến hôm qua, thứ tư ngày 2/8, lượng cà phê Arabica lưu trữ tại ICE – New York không thay đổi, vẫn ở mức 31.725 tấn (tương đương 528.752) bao và lượng cà phê Robusta lưu trữ ở ICE – London giảm bớt 520 tấn, xuống còn 51.310 tấn (tương đương 855.167 bao). Điều này đã khiến thị trường tiêu thụ cà phê tiếp tục duy trì mối lo thiếu hụt nguồn cung.

Theo các nhà quan sát, nông dân trồng cà phê ở Brazil hiện không muốn bán hàng ra ở vùng giá thấp, vì điều này sẽ làm họ bị thua lỗ do chi phí đầu tư ngày càng tăng cao, trong khi sản lượng thu hoạch qua 2 vụ mùa liên tiếp không đạt như kỳ vọng khiến nông dân trồng cà phê hầu như không có lợi nhuận, cho dù nguồn quỹ tín dụng (Funcafe) đã hỗ trợ họ rất tích cực.

Brazil, nhà sản xuất cà phê Arabica hàng đầu thế giới, đã xuất khẩu 2,34 triệu bao cà phê nhân xô trong tháng 7/2023, giảm 4,5% so với cùng tháng một năm trước.

Theo một khảo sát được công bố vào đầu tháng 5/2023, vụ thu hoạch cà phê của Việt Nam năm nay dự kiến sẽ giảm hơn 7%, xuống 1,67 triệu tấn, mức thấp nhất trong vòng 4 năm do chi phí sản xuất (nhân công, phân bón) cao hơn và người nông dân có xu hướng chuyển sang trồng các loại cây có lợi nhuận cao hơn như bơ, sầu riêng và chanh dây.

Lũy kế 9 tháng đầu tiên của niên vụ hiện tại 2022-2023, xuất khẩu cà phê của nước ta đạt tổng cộng 1,44 triệu tấn (khoảng hơn 24 triệu bao), với kim ngạch 3,38 tỷ USD, tăng 2% về lượng và tăng 6,6% về kim ngạch so với cùng kỳ niên vụ trước.

Lãi suất tiền gửi liên ngân hàng (DI) dành cho các hợp đồng tương lai tiếp tục được điều chỉnh giảm nhằm thu hút nhà đầu tư quay lại các thị trường kỳ hạn nói chung. Đồng Reais đã giảm 0,32%, tỷ giá xuống ở mức 1USD = 4,8049 R$. Dự kiến lãi suất đồng Reais sẽ giảm bớt 0,5%/năm và sẽ được Copom – Brazil công bố vào ngày hôm nay.

Trong một góc nhìn khác về tiêu dùng cà phê, Stabucks, chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới đã không đạt được kỳ vọng của thị trường về doanh số bán hàng quý, với nhu cầu cà phê và đồ uống lạnh giảm dần ở Bắc Mỹ và các thị trường quốc tế ngay cả khi doanh số bán hàng tại Trung Quốc tăng mạnh.

Bệnh gỉ sắt trên cây cà phê, phòng trừ bằng cách nào?

Theo Cục Bảo vệ thực vật, cà phê là một cây công nghiệp chủ lực của nước ta, vào thời điểm thời tiết nóng ẩm dễ phát sinh nhiều loại bệnh gây hại cho cây. Theo Cục Bảo vệ thực vật, nếu phòng trị bệnh theo đúng các phương pháp bà con sẽ hạn chế được những rủi ro khi trồng cây cà phê. Ở đây, Cục Bảo vệ thực vật phổ biến bệnh gỉ sắt trên cây cà phê và cách phòng trừ.

Bệnh gỉ sắt thường xuất hiện gây hại phổ biến trên các vườn cà phê trong mùa mưa, và thường thấy rõ vào các tháng từ đầu mùa mưa. Bệnh gây rụng lá hàng loạt, làm ảnh hưởng nặng tới năng suất, nếu không chú ý phòng trừ.

Bệnh gỉ sắt cà phê do nấm Hemileia sp. gây ra. Bệnh thường phát sinh trong mùa mưa, đặc biệt ở các tháng mưa nhiều, ẩm thấp. Trong điều kiện mát mẻ và ẩm độ cao thì rất thích hợp để nấm bệnh phát triển mạnh.

Vì vậy, vùng Tây Nguyên, bệnh thường phát sinh phát triển mạnh trong mùa mưa, các tỉnh phía Bắc thì bệnh phát triển vào các tháng mát mẻ của mùa thu và các tháng từ giữa đến cuối xuân. Bệnh cũng phát triển mạnh trong điều kiện các vườn cà phê bón thừa phân đạm, rậm rạp, cỏ dại nhiều.

Giá cà phê 3/8: Giá cà phê tiếp tục 'leo thang' - Ảnh 4.

Triệu chứng của bệnh rỉ sắt hại cà phê. Ảnh: Minh Tuyên

Bệnh gỉ sắt có dấu hiệu: Bệnh gây hại trên lá cà phê, làm lá rụng, cây cà phê kiệt sức, sản lượng kém và có thể chết. Vết bệnh xuất hiện ở mặt dưới lá, bắt đầu là những chấm nhỏ màu vàng nhạt sau đó lớn dần có màu vàng cam và cháy, các vết bệnh có thể liên kết với nhau dẫn đến việc cháy toàn bộ lá và làm lá rụng. Bệnh gỉ sắt gây hại mạnh trên cà phê chè, đối với cà phê vối tỷ lệ số cây bị bệnh chỉ khoảng 50% và trên từng cây mức độ bị bệnh cũng khác nhau. Như đã nói, bệnh gỉ sắt cà phê thường xuất hiện vào đầu mùa mưa.

Cách phòng trừ: Bà con có thể dùng các loại thuốc sau: Abenix 10FL (Albendazole 10%) sử dụng với nồng độ 0,25 - 0,3% ( pha 25 - 30ml thuốc vào bình 10 lít phun ướt đều toàn cây, phun làm 2 lần cách nhau 7 ngày).

Chevin 5SC (Hexaconazole 5%): Lượng dùng 1 – 2lít thuốc/ha, pha 40 – 60ml thuốc/bình 16lít nước, phun ướt đẫm tán lá cà phê. Nếu bệnh nặng phun lần 2 cách lần đầu 7 ngày.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem