dd/mm/yyyy

Dự báo 'nóng' về cung cầu gạo 2024/25: Sản lượng và nhu cầu đều tăng, cơ hội nào cho gạo Việt?

Theo dự báo mới nhất của FAO (tháng 9/2024), sản lượng gạo năm 2024/25 tăng so với dự báo hồi tháng 7/2024.

FAO dự báo sản lượng gạo tăng chủ yếu là do điều chỉnh ước tính tăng sản lượng gạo đối với Bangladesh và Việt Nam và nhiều nước khác cũng có sản lượng tăng nhẹ, bù đắp cho những dự báo giảm nhẹ chủ yếu ở Trung Quốc và Indonesia.

Mức tiêu thụ gạo năm 2024/25 theo dự báo của FAO cũng tăng so với dự báo hồi tháng 7/2024 trong bối cảnh kỳ vọng nguồn cung ở châu Á tăng cao và sau những điều chỉnh về số liệu dân số toàn cầu tăng.

Thương mại gạo năm 2024 được cải thiện phần nào nhưng vẫn thấp hơn mức giảm của năm 2023 phần lớn là do các nước châu Phi giảm nhập khẩu.

Dự trữ gạo năm 2024/25 giảm nhẹ so với dự báo hồi tháng 7/2024 do việc giảm chủ yếu ở Trung Quốc và Nhật Bản được bù đắp bằng các điều chỉnh tăng ở Bangladesh, Indonesia và Philippines.

Dự báo 'nóng' về cung cầu gạo 2024/2025: Sản lượng và nhu cầu gạo đều tăng lên - Ảnh 1.

Nguồn: FAO

Giá lúa gạo hôm nay ngày 12/9 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá gạo giảm 50 - 200 đồng/kg; giá lúa tăng, giảm trái chiều 100 - 200 đồng/kg.

Cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, giá lúa hôm nay ghi nhận có điều chỉnh so với ngày hôm qua, IR 50404 giá lên mức 7.400 - 7.600 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; Lúa Đài thơm 8 ở mức giá 7.900 - 8.200 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; Lúa OM 5451 ở mức 7.600 - 7.900 đồng/kg, giảm 100 - 200 đồng/kg; Lúa OM 18 có giá 7.900 - 8.200 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; OM 380 dao động 7.600 - 7.800 đồng/kg; Lúa Nhật ở mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg và lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 20.000 đồng/kg.

Trên thị trường gạo, giá gạo ghi nhận có điều chỉnh so với ngày hôm qua. Hiện gạo nguyên liệu IR 504 Hè Thu xuống mức 10.650 - 10.750 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 xuống mức 12.800 - 13.000 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận không có điều chỉnh so với ngày hôm qua. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo 100% tấm ở mức 452 USD/tấn; gạo tiêu chuẩn 5% ở mức 567 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 533 USD/tấn.

Mức giá này của gạo 5% tấm thấp hơn gạo cùng phân khúc của Thái Lan 3 USD/tấn, nhưng cao hơn gạo của Pakistan 32 USD/tấn. 

Tương tự, gạo 25% tấm của nước ta có giá cao hơn hàng Thái Lan và Pakistan lần lượt 12 USD/tấn và 30 USD/tấn. Gạo 100% tấm có giá 452 USD/tấn, cao hơn hàng Pakistan 21 USD/tấn nhưng thấp hơn hàng cùng loại Thái Lan 1 USD/tấn.

Dự báo 'nóng' về cung cầu gạo 2024/2025: Sản lượng và nhu cầu gạo đều tăng lên - Ảnh 2.

Giá lúa gạo hôm nay ngày 12/9 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá gạo giảm 50 - 200 đồng/kg; giá lúa tăng, giảm trái chiều 100 - 200 đồng/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tính đến cuối tháng 8/2024, cả nước đã gieo cấy được gần 6,6 triệu ha lúa; thu hoạch ước đạt 4,45 triệu ha; sản lượng thu hoạch ước đạt gần 29 triệu tấn (tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023).

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng vừa qua, nước ta đã xuất khẩu khoảng 6,15 triệu tấn gạo, thu về gần 3,85 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo chỉ tăng 5,8% về lượng, song giá trị lại tăng mạnh 21,7%. Nguyên nhân, giá gạo xuất khẩu bình quân tăng mạnh 14,8 % so với cùng kỳ năm 2023, lên mức 625 USD/tấn.

Với các yếu tố hỗ trợ từ thị trường quốc tế, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong các tháng cuối năm 2024 được dự báo sẽ tiếp tục bứt phá.

Hai khách hàng chính của gạo Việt tiếp tục có nhu cầu lớn. Indonesia khách mua gạo lớn thứ 2 của Việt Nam muốn nhập thêm 900.000 tấn gạo trong 4 tháng cuối năm. Trong khi đó, Philippines kiên trì với chính sách giảm thuế để tăng lượng nhập khẩu nhằm giảm giá gạo nội địa.

Philippines nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam mới nhập khẩu được 2,7 triệu tấn gạo trong 8 tháng của năm 2024. Trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo của nước này trong năm nay lên tới khoảng 4,5 triệu tấn.

Trong 3 tháng qua (từ tháng 6 - 8), mỗi tháng nước này chỉ nhập khẩu khoảng 150.000 tấn gạo trong khi trước kia lượng nhập khẩu trung bình đến 400.000 tấn. Vì vậy hiện tại chưa đủ lượng gạo dự trữ.

Trong khi đó, nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam là Indonesia vẫn cần nhập khẩu gần 1 triệu tấn gạo trong các tháng còn lại của năm 2024.

Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) cho biết: Tính đến ngày 30/8, Bulog đã ký hợp đồng nhập khẩu 2,7 triệu tấn gạo trong hạn ngạch được phân bổ là 3,6 triệu tấn cho năm nay. Nước này muốn nhập thêm 900.000 tấn gạo trong những tháng cuối năm 2024 để đảm bảo nhu cầu an ninh lương thực.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, mỗi tháng Indonesia mời thầu 300.000 tấn gạo. Việc mở thầu bị hoãn vào tháng 6 vì tình trạng ùn ứ ở cảng biển của nước này. Bulog liên tục tăng lượng gạo mời thầu trong 2 tháng gần đây. Tháng 7, hoạt động mở thầu được nối lại và tăng 20.000 tấn lên mức 320.000 tấn và tháng 8 tăng lên tới 350.000 tấn gạo.

Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tận dụng cơ hội thị trường từ nay tới cuối năm để không chỉ gia tăng sản lượng xuất khẩu mà còn nâng cao chất lượng, hướng đến việc khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.





Nguyễn Phương