dd/mm/yyyy

Đồng Nai: Bội thu “vàng trắng”, người lao động phấn khởi cạo mủ vượt sản lượng

Ngành cao su Đồng Nai đang đi qua tháng cuối cùng của mùa thi đua nước rút. Người lao động tại các nông trường cao su đều đang phấn khởi do hoàn thành mục tiêu kép.

Tận dụng mọi cơ hội để vượt khó ở vùng xanh, hiện các đơn vị của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai (Donaruco) cũng đang khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 với quyết tâm cao nhất.

Giữ vững vùng sản xuất

Một lô cao su tiêu chuẩn thường có diện tích trên dưới 25ha đất, liền mạch liền thửa. Theo định biên tiêu chuẩn, một bảo vệ sẽ được bố trí coi sóc 50ha. Thế nhưng, có 1 lô cao su chỉ vỏn vẹn 3ha, nằm biệt lập, đang thuộc quản lý của Nông trường An Lộc. Lô đất này được khai hoang và trồng cao su từ trước năm 1980. Dù chỉ có 3ha nhưng Nông trường An Lộc vẫn bố trí một bảo vệ trực 24/24 giờ.

Anh Hồ Thanh Hòa - bảo vệ lô cao su kể, do địa bàn ở xa, có những ngày anh ở lại trực đêm trong túp lều dã chiến, để bảo vệ mủ cao su không bị trộm cắp. Có nhiều đêm, trời mưa to gió lớn làm cây cao su gãy đổ, rất nguy hiểm. Dịch Covid-19 vừa qua ảnh hưởng đến tất cả mọi người và các lĩnh vực, ngành nghề. Anh Hòa vẫn cho rằng mình may mắn vì còn có công việc và có thu nhập ổn định. 

"Đó là động lực để tôi cùng anh chị em công nhân vượt khó, và gắn bó với nông trường" - anh Hòa nói.

Bội thu “vàng trắng”, công ty và lao động cùng vui - Ảnh 1.

Lãnh đạo Công đoàn Donaruco thăm hỏi động viên công nhân cạo mủ ở nông trường An Viễn. Ảnh: Mạnh Phúc

"Giá mủ tăng cao năm vừa qua cũng là điều kiện thuận lợi để đơn vị nâng cao hiệu quả khai thác, cải thiện thu nhập cho người lao động và tiếp tục phát triển bền vững".

Ông Đỗ Minh Tuấn - Tổng Giám đốc Donaruco

Theo thống kê, các nông trường của Donaruco có tổng số hơn 800 trường hợp lớn nhỏ bị lấn chiếm đất cao su với nhiều hình thức, và mức độ khác nhau. Riêng Nông trường An Lộc có đến 400 trường hợp bị lấn chiếm, với diện tích đất cần xử lý hơn 30ha. 

Nông trường An Lộc hiện đang quản lý tổng diện tích 3.600ha. Trong đó, chỉ có 1.200ha vườn cây khai thác mủ; còn lại là diện tích trồng mới và đang kiến thiết cơ bản.

Ông Nguyễn Thành Khương - Giám đốc Nông trường An Lộc cho biết, dù khó khăn nhưng toàn đơn vị vẫn đang tăng tốc hoàn thành sản lượng khai thác mủ và tập trung chăm sóc vườn cây trồng mới. Năm nay, Nông trường An Lộc được giao khai thác 2.650 tấn mủ cao su. "Từ nay đến cuối năm, nông trường sẽ hoàn thành mục tiêu, và dự kiến vượt sản lượng gần 10%" - ông Khương cho biết.

Vượt kế hoạch

Cũng như nhiều nông trường khác, một ngày mới ở Nông trường An Viễn bắt đầu từ rất sớm. Anh Phan Anh Tuấn - tổ trưởng tổ 5 vừa hoàn thành xong việc trút mủ.

Anh Tuấn kể, tổng số lao động của tổ 5 là 35 người. Trước đây, việc tập kết mũ và trút mủ được thực hiện tập trung. Hiện nay, công tác này được bố trí thành nhiều điểm giãn cách để phòng chống dịch bệnh. 

Anh Tuấn cho biết, kế hoạch sản lượng mà tổ 5 phải thực hiện trong năm nay là 420 tấn mủ. "Dự kiến đến hết tháng 12/2021, cả tổ sẽ đạt khoảng 491 tấn, vượt khoảng 117%" - anh Tuấn hào hứng nói.

Bà Lê Thị Hoài Hương - Giám đốc Nông trường An Viễn kể, sau khi sắp xếp lại nhân sự quản lý, trách nhiệm từ người đứng đầu đến từng công nhân cạo mủ được nêu cao. 5 năm liền, nông trường nằm trong tốp đầu về nhất sản lượng khai thác. Năm 2021 này, Nông trường An Viễn về đích ở mức kỷ lục khi hoàn thành sản lượng sớm hơn kế hoạch 35 ngày.

Năm 2021, Nông trường An viễn dự kiến sẽ khai thác đạt 2.735 tấn mủ, vượt gần 17%. "Kéo theo đó là thu nhập của người lao động ở An Viễn cũng cao nhất trong các đơn vị thuộc Donaruco"- bà Hương nói.

Ông Đỗ Minh Tuấn - Tổng Giám đốc Donaruco cho biết, năm 2021, công ty phát động nhiều phong trào thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng, với tổng tiền khen thưởng gần 3 tỷ đồng. Những lời động viên, những phần thưởng được gửi trao kịp thời sẽ tiếp thêm sức mạnh để người lao động phấn đấu.

Năm 2021, Cao su Đồng Nai đặt kế hoạch khai thác 25.500 tấn mủ cao su; dự kiến vượt sản lượng 4%, tương đương 1.100 tấn. 

Nguyên Vỹ