Thứ Hai, ngày 20/01/2025 02:48 PM (GMT+7)

Đổi thay ở vùng đất Thuận Châu anh hùng

2024-12-28 10:50:00

Xác định xây dựng NTM là quá trình liên tục, có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc. Tiếp bước những kết quả của giai đoạn 10 năm trước, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Thuận Châu (Sơn La) tiếp tục đồng lòng, ra sức thi đua xây dựng NTM nhằm nâng cao đời sống vật chất – tinh thần cho người dân.

Vùng đất Thuận Châu anh hùng có 5 xã đạt chuẩn NTM

Những ngày cuối năm 2024, chúng tôi có dịp quay trở lại mảnh đất Thuận Châu anh hùng. Điều khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên là sự "thay da, đổi thịt" về diện mạo nông thôn nơi đây. Hệ thống đường giao thông từ trung tâm huyện đến các xã được rải nhựa, bê tông hóa phẳng phiu; hàng nghìn diện tích nương ngô, nương sắn được thay thế bằng sắc xanh của những đồi cây ăn quả, cây chè, cà phê cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chia sẻ về những kết quả trong câu chuyện xây dựng NTM ở một huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Thuận Châu với chúng tôi, ông Huỳnh Minh Tuấn – Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, thông tin, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 huyện Thuận Châu có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM. Qua đó, nâng số xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn huyện lên 5 xã, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thuận Châu lần thứ XXI đề ra.

Đổi thay ở vùng đất Thuận Châu anh hùng - Ảnh 1.
Diện mạo Thuận Châu ngày càng đổi thay. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, để đạt được kết quả trên, UBND huyện đã tham mưu cho Huyện ủy thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đồng thời, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện xây dựng NTM và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, rà soát hướng dẫn các xã hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí.

"Việc kiện toàn bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM đã giúp việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được thuận lợi, nhanh chóng, thống nhất và góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai trên địa bàn huyện", Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu nói.

Bên cạnh đó, huyện Thuận Châu sử dụng hiệu quả nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung đầu tư về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống về điện, đường, trường, trạm… tại các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM.

Đổi thay ở vùng đất Thuận Châu anh hùng - Ảnh 2.
Thuận Châu dành nguồn lực đầu tư hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã Long Hẹ. Ảnh: Tuệ Linh.

Ngoài ra, trên cơ sở các xã đăng ký đạt chuẩn NTM, huyện Thuận Châu cũng đã thực hiện tốt Chương trình "Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới". Cụ thể, vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, Tổ công tác gồm cán bộ, công chức các cơ quan đơn vị trên địa bàn huyện trực tiếp xuống cơ sở với cấp ủy, chính quyền và người dân các bản, các xã để nắm bắt tiến độ, tình hình thực hiện xây dựng NTM.

Tổ công tác trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ các xã bằng cách huy động các nguồn lực từ xã hội hóa và sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện nhằm giúp các xã có thêm nguồn lực để hoàn thiện hệ thống đèn chiếu sáng, cảnh quan môi trường, thiết chế văn hóa…

Đến nay, huyện Thuận Châu có 5 xã đạt chuẩn NTM; bình quân đạt 9,36 tiêu chí/xã; 5/28 xã đạt tiêu chí giao thông; 27 xã đạt tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai; tỷ lệ dân số được sử dụng điện an toàn đạt trên 97%; 29/29 xã có điểm phục vụ bưu chính và phủ sóng di động 4G, mạng lưới cáp quang Internet đến tận các bản trong xã; 23/28 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn… Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng lên.

Nâng cao thu nhập – mục tiêu cốt lõi trong xây dựng NTM

Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Hà Trung Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết, mục tiêu cốt lõi trong xây dựng NTM là nâng cao thu nhập. Bởi thu nhập ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.

Để nâng cao tiêu chí thu nhập, huyện Thuận Châu đang tập trung hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho người dân bằng nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia theo phương án sản xuất cộng đồng, như: Hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư sản xuất… phù hợp với điều kiện của từng vùng.

Đổi thay ở vùng đất Thuận Châu anh hùng - Ảnh 3.
Diện tích đồi núi trọc trước đây được bà con trồng ngô, sắn đã được thay thế bằng các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như cà phê, chè. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo đó, huyện Thuận Châu tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng phát triển các vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi tập trung, áp dụng vào sản xuất các quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP,...) và các tiêu chuẩn tương đương như 4C, hữu cơ, Hala,...

Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt 4.226 ha, sản lượng quả các loại ước đạt 15.000 tấn; chăm sóc tốt 1.377 ha cây chè; 6.658 ha cây cà phê. Duy trì 8 chuỗi liên kết phát triển sản phẩm, 26 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, 10 mã số vùng trồng, với 182 ha, nâng tổng diện tích được cấp chứng nhận VietGAP lên hơn 600 ha; 11 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

Năm 2024, huyện Thuận Châu tiếp tục xuất khẩu được hàng tấn thanh long sang thị trường các nước châu Âu và Trung Quốc, góp phần tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân trồng thanh long.

Đẩy mạnh và tổ chức triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Đến nay, huyện Thuận Châu đã có 6 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao (trong đó 1 sản phẩm đạt 3 sao và 5 sản phẩm đạt 4 sao).

Nhiều sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận và tham gia xuất khẩu, bước đầu khẳng định thương hiệu, như: Trà ô long Thu Đan, điểm du lịch Pha Đin Top, cá hun khói Chiềng La, cá rô phi lê sông Đà, chè Trọng Nguyên, mật ong Phổng Lái, thịt trâu gác bếp Hương Đồi, Coffee Arabica Minh Trí.

Đổi thay ở vùng đất Thuận Châu anh hùng - Ảnh 4.
Sản phẩm "Chè Trọng Nguyên - Phổng Lái Thuận Châu", sản phẩm được công nhận đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh. Ảnh: Tuệ Linh.

HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu hoạt động lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp trồng, chăm sóc và chế biến chè. Để đảm bảo nguyên liệu phục vụ xưởng chế biến, ngoài 5 ha chè hiện có, HTX còn liên kết sản xuất với 500 hộ nông dân ở các xã trên địa bàn.

Sản phẩm chè Trọng Nguyên được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hướng tới sản xuất theo quy trình hữu cơ. Năm 2019, HTX xây dựng thương hiệu "Chè Trọng Nguyên - Phổng Lái Thuận Châu", sản phẩm được công nhận đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh. Năm 2021, sản phẩm được tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Phó Giám đốc HTX - Nguyễn Thị Bình cho biết, năm 2024, HTX sản xuất gần 300 tấn chè khô cung cấp thị trường trong nước và nước ngoài; doanh thu hơn 10 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, mức thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng và 30 lao động thời vụ.

Đích đến cuối cùng của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Do vậy, xây dựng NTM là quá trình liên tục, có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc. Với việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với những cách làm bài bản và sự đồng lòng của Nhân dân, diện mạo nông thôn Thuận Châu sẽ ngày càng đổi thay.

Tuệ Linh
Bàn giao đủ 100% mặt bằng sạch để xây sân bay Long Thành

Bàn giao đủ 100% mặt bằng sạch để xây sân bay Long Thành

Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết đã nhận bàn giao đủ 2.532ha đất từ tỉnh Đồng Nai để xây dựng sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1.