dd/mm/yyyy

Sơn La: Xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn tỉnh Sơn La được triển khai hiệu quả, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Clip: Xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số 

Nâng cao đời sống văn hóa ở thôn bản vùng cao

Xây dựng nếp sống văn trong đồng bào các dân tộc là giải pháp mang tính bền vững, lâu dài, nhằm củng cố và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc, tiếp thu, nâng cao những thành tựu văn hóa hiện có, trên cơ sở đó từng bước xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, văn minh, phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước.

Chiềng Cọ một trong những xã điển hình trong thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" của Thành phố Sơn La (Sơn La). Để thục hiện có hiệu quả phong trào, hàng năm, địa phương này đã chỉ đạo các bản xây dựng, sửa đổi hương ước, quy ước phù hợp với tình hình; tuyên truyền, vận động bà con quan tâm xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình, khu dân cư.

Đồng thời, thành lập Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái; khôi phục lại các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát...; xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Sơn La: Xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tại xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La được đây mạnh. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Tòng Văn Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết: Để đẩy mạnh phong trào  "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" xã Chiềng Cọ đã coi trọng việc thành lập các đội văn nghệ. Xã có 9 bản, thì cả 9 bản đều có đội văn nghệ. Tham gia đội văn nghệ chủ yếu là các chị, các em, các bà. Vào các buổi tối cuối tuần, các đội văn nghệ tập trung ở nhà văn hóa bản, luyện tập các bài múa, bài hát, các nhạc cụ của dân tộc mình. Đặc biệt, các đội văn nghệ thường xuyên giao lưu nên tay nghề ngày một nâng cao.

Những bài hát, điệu múa của người Thái nơi đây đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi thành viên. Việc luyện tập các tiết mục mới, hay những bài xòe cổ từ thời trước truyền lại, luôn được các thành viên trong đội luyện tập tự nguyện, tự giác. Kể cả những khi vào vụ sản xuất thì các buổi tối cuối tuần, họ lại tụ về nhà văn hóa bản để cùng ngân lên nhịp tính tẩu, nhịp trống xòe, những bài dân ca Thái và hướng dẫn cho nhau từ dáng múa, từng bước đi sao cho đúng nhịp.

Sơn La: Xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Đội văn nghệ người cao tuổi xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La (Sơn La) đang luyện tập các làn điệu của dân tộc minh. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, bà Lù Thị Đoàn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin Thành phố Sơn La (Sơn La) cho biết: Với phương châm coi văn hóa vừa là mục tiêu và vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương, ban, ngành, đoàn thể của Thành phố chú trọng công tác tuyên truyền, phát động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Việc xây dựng gia đình văn hóa, tổ, bản, cơ quan, đơn vị văn hóa được Ban Chỉ đạo phong trào hướng dẫn cơ sở bình chọn và công nhận danh hiệu văn hóa theo đúng trình tự, thủ tục và bảo đảm công khai, dân chủ, đúng chuẩn nên số lượng và chất lượng gia đình, tổ, bản, đơn vị văn hóa ngày càng được nâng lên. Hàng năm  toàn Thành phố có khoảng trên 24 nghìn hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa". Thành phố có 1 Trung tâm thể thao; 100% xã, phường có nhà văn hóa, tổ, bản có nhà văn hóa với diện tích, quy mô đạt chuẩn. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đã phát huy hiệu quả, là nơi sinh hoạt thường xuyên của trên 200 câu lạc bộ, đội văn nghệ, thể dục thể thao, của các tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư.

Cùng với xây dựng gia đình, tổ, bản văn hóa, để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, rèn luyện sức khỏe của nhân dân trên địa bàn, Thành phố tiếp tục huy động từ nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa. Các xã, phường đã quy hoạch đất, huy động các nguồn lực xây dựng các thiết chế văn hóa. Quá trình sửa chữa, xây mới nhà văn hóa tổ, bản đều có sự tham gia đóng góp kinh phí, công sức và sự tham gia giám sát của nhân dân.

Sơn La: Xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 4.

Thành phố Sơn La (Sơn La) duy trì và phát triển các đội văn nghệ thôn, bản. Ảnh: Văn Ngọc

Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa ở Sơn La

Hiện nay, tỉnh Sơn La có 10 nhà văn hóa cấp huyện, thành phố, 185 nhà văn hóa cấp xã, phường,thị trấn, 2.898 nhà văn hóa cấp tổ, bản được xây dựng kiên cố, khang trang. Năm 2022, toàn tỉnh có 64,9% bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hoá, tăng 7,4% so với năm 2021; 74% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tăng 1,8% so với năm 2021; 98,5% xã, phường, thị trấn và 92,1% bản, thôn, xóm, tiểu khu, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn "An toàn về an ninh trật tự". Phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao có bước phát triển về chất lượng và số lượng, với 3.300 đội văn nghệ quần chúng; 500 câu lạc bộ thể thao; 28,2% nhân dân thường xuyên tham gia tập luyện thể dục, thể thao; 23,2% hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình thể thao".

Tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" có nhiều hoạt động thi đua sôi nổi; phát động hiệu quả các phong trào thi đua xây dựng cơ sở đạt chuẩn văn hóa, không có ma túy, an toàn về an ninh trật tự. Đến nay, có 98,5% cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn "An toàn về an ninh trật tự"; 98,2% đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp được bình xét đạt danh hiệu văn hóa.

Sơn La: Xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 5.

Bà con dân tộc vùng cao Sơn La biển diễn nhạc cụ dân tộc tại ngày hội mừng xuân. Ảnh: Văn Ngọc

Việc xây dựng nếp sống văn minh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hướng tới xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao, qua đó, sẽ cùng chung tay xây dựng cuộc sống mới, ấm no và hạnh phúc.

Sơn La: Xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 6.

Tỉnh Sơn La hàng năm đều tổ chức các ngày hội, ngày lễ nhằm lưu giữ và phát huy nét đẹp văn hóa các dân tộc. Ảnh: Văn Ngọc

Để xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào dân tộc thiểu số thật sự hiệu quả và thiết thực, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nhất là cần sự vào cuộc của các chi bộ thôn, tổ dân phố trên địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Lấy công tác nêu gương là nhiệm vụ hàng đầu, bí thư chi bộ, trưởng thôn, các đoàn thể chính trị ở cơ sở phải làm gương trong thực hiện bài trừ, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và là người tiên phong trong xây dựng nếp sống mới, qua đó tuyên truyền vận động đảng viên trong chi bộ quyết tâm thực hiện để nhân dân noi theo.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh