dd/mm/yyyy

Doanh nghiệp Việt đối mặt nguy cơ mất thị trường Nga

Các Bộ, ngành nhận định, thương mại Việt Nam với Nga và Ukraine sẽ bị suy giảm đáng kể, nguy cơ mất thị trường.

Xung đột Nga - Ukraine đã tạo nên nhiều rủi ro về thanh toán quốc tế, đứt gãy chuỗi cung ứng khi các hãng tàu lớn tuyên bố không vận chuyển đi/ đến Nga.

Doanh nghiệp Việt đối mặt nguy cơ mất thị trường Nga - Ảnh 1.

Nga là một thị trường xuất khẩu cá tra tiềm năng của Việt Nam, tuy nhiên hiên việc xuất khẩu đang bị gián đoạn

Tiến thoái lưỡng nan

Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu chè đi Nga nhiều năm, bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP chè Hà Thái (Thái Nguyên) chia sẻ, thông thường đơn hàng được ký vào đầu năm, đến tháng 4- 5 vào mùa thu hoạch chè, hàng sẽ được chuyển đi. Mỗi năm doanh thu xuất khẩu vào thị trường này khoảng 200-300 tỷ đồng.

“Nhưng năm nay vẫn chưa thấy gì. Có khả năng mất đơn hàng xuất khẩu sang Nga trong năm nay”, bà Hiền lo lắng.

Bà Hiền lý giải, hiện cước vận tải quá đắt, tăng gấp 3- 5 lần trước đây. Việc tăng cước này khó được đối tác chấp nhận và họ sẽ chọn đối tác khác thay vì Việt Nam.

Chưa kể, hàng chưa chắc đã đến Nga, khi các hãng tàu biển lớn tạm ngừng vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Nga.

“Trong khi, Việt Nam hiện ế rất nhiều chè, các nhà máy lớn tồn khoảng 5-10 nghìn tấn”, bà Hiền than thở.

Tương tự, ông Bùi Thế Tuấn, Tổng giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu hàng may mặc và thực phẩm đóng hộp cho biết, Nga có hai cảng để đưa hàng vào là Vladivostok và Sankt-Peterburg, nên việc vận chuyển phải qua châu Âu.

Hiện, doanh nghiệp có 7 container hàng đang kẹt tại các cảng của châu Âu. Dù đã chuyển đi từ trước khi xung đột xảy ra nhưng lúc đó lại vướng lệnh ngừng vận chuyển của nhiều hãng tàu biển lớn đến Nga. Hiện mỗi ngày công ty phải chi hàng nghìn USD phí lưu kho.

Vị này cũng cho biết, mặc dù các chủ hàng tại Nga đã ký hợp đồng dài hạn cho 2-3 năm tới, nhưng hiện toàn bộ đang bị tạm dừng.

“Bản thân họ không nhập nữa chứ không phải ký gửi tại kho của chúng tôi và đợi khi thuận lợi thì nhận hàng. Họ mong chúng tôi thông cảm vì lý do bất khả kháng, khi họ rất khó khăn về thị trường thời điểm này”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, 7 container hàng trị giá khoảng 200 nghìn USD (4,6 tỷ đồng) có thể mất trắng trong trường hợp xấu nhất. Dẫu vậy, điều khiến ông lo hơn là liệu có thể tiếp tục làm ăn với thị trường Nga được nữa hay không.

Là một trong những doanh nghiệp lớn xuất khẩu sang Nga với kim ngạch khoảng 30 triệu USD mỗi năm, gồm các nông sản cà phê, hạt điều, tiêu... ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Phúc Sinh Group cho biết, dù từ đầu năm đến nay đơn hàng sang Nga tăng gấp đôi cùng kỳ 2020, nhưng hiện đều đang phải dừng lại.

Theo ông Thông, đồng Ruble mất giá khiến đơn hàng sang Nga bị giảm nửa giá trị. Việc thanh toán bị đình trệ do Nga bị loại khỏi hệ thống Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT). Những ngày qua, công ty liên tục liên lạc với đối tác ở châu Âu và Nga để giải quyết việc thanh toán và ùn ứ đơn hàng.

Ảnh hưởng nghiêm trọng nếu xung đột kéo dài

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng cho biết, hiện 2 mặt hàng xuất khẩu đang tăng trưởng mạnh tại Nga và Ukraine là cá ngừ và cá tra cũng đã “ngấm đòn” do cuộc xung đột.

Theo Vasep, đầu năm nay có 5 doanh nghiệp cá tra Việt Nam tham gia xuất khẩu sang Nga. Tuy nhiên, trong tháng 1/2022, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 2,18 triệu USD, giảm 29,8% so với cùng kỳ năm 2021. Sau khi xung đột xảy ra, việc xuất khẩu gián đoạn và gặp rất nhiều khó khăn, bất ổn.

Vasep cũng cho biết, do đồng Ruble mất giá mạnh nên nhiều nhà nhập khẩu không muốn trả tiền đơn hàng. Tình hình thanh toán qua các ngân hàng của các doanh nghiệp gần như tê liệt. Một số nhà nhập khẩu có tài khoản ở các nước khác nhưng việc thanh toán không hề dễ dàng.

Do đó, các doanh nghiệp Việt tạm ngưng ký các đơn hàng đi Nga cho dù đối tác vẫn mong muốn tiếp tục hợp tác. Việc dừng xuất khẩu cũng còn do các hãng tàu biển đã thông báo không nhận vận chuyển container đi Nga vì rủi ro rất cao.

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương cho biết, cả Nga và Ukraine đều là những đối tác thương mại truyền thống và quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á - Âu.

Vì thế, nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài, chắc chắn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại song phương giữa Việt Nam và hai nước trên.

Doanh nghiệp “sẵn sàng đối mặt”

Trước thực tế đơn hàng bị dừng, nguy cơ mất thị trường, bà Nguyễn Thị Hiền cho rằng, trước đây đó là “điều khủng khiếp”. Nhưng nay, khi đã trải qua 2 năm Covid-19 thì việc xoay chuyển không phải là câu chuyện “sốc” với DN.

Dẫn chứng những thành quả đạt được nhờ việc xoay chuyển thị trường suốt 2 năm qua, bà Hiền cho biết, thời điểm Covid-19 bùng nổ, những đơn hàng đi châu Âu gặp khó khăn, bà đã tính phương án “để nông dân tự hái, tự bán hàng”, thay vì trước đây chỉ được cung cấp theo đơn hàng của Hà Thái.

Việc làm này giúp công ty không bị tồn kho, không bị chịu thiệt hại về hàng hóa và nhân công, mặt khác còn tạo điều kiện cho người dân được bán lẻ sản phẩm ở nội địa. “Kết quả rất khả quan, họ bán được rất nhiều”, bà Hiền nói.

Còn ông Bùi Thế Tuấn cho biết, những ngày qua công ty đang tìm đối tác ở châu Âu và Trung Quốc để xoay chuyển thị trường. Dù chưa tìm được đối tác, nhưng việc xoay chuyển không quá đáng lo đối với những doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài; cân nhắc thấu đáo trong lựa chọn các ngân hàng thanh toán trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, cần tận dụng tối đa các ưu đãi trong 15 Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý tránh vô tình vướng vào lệnh trừng phạt, các biện pháp hạn chế thương mại.

“Bộ Công thương cũng đã có chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ tại các nước châu Âu có trách nhiệm cao nhất trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đang có gặp khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu với Nga và Ukraine, tìm cách chuyển hướng sang các thị trường phù hợp tại châu Âu.

Nếu gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu, cần chủ động liên hệ với bộ phận Thương vụ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Nga và Ukraine để được hỗ trợ, tìm phương hướng tháo gỡ”, vị này nói.

Theo thống kê, năm 2021, Việt Nam xuất sang Nga 3,2 tỷ USD; nhập khẩu từ nước này 2,3 tỷ USD, tăng 15%. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm điện thoại và linh kiện; máy vi tính và sản phẩm điện tử, dệt may.

Còn với Ukraine, kim ngạch xuất khẩu không lớn, dưới 1 tỷ USD, nhưng lại là đối tác thương mại truyền thống, quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á - Âu. Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 720,5 triệu USD, tăng gần 51% so với năm 2020.

Hồng Hạnh