Mỹ đối mặt với mùa vụ thất bát
Trong vài tháng qua, mùa vụ ngô của Mỹ là tâm điểm của thị trường và cũng là nguyên nhân khiến giá thế giới biến động mạnh mẽ. Báo cáo Tiến độ mùa vụ (Crop Progress) của Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, tính đến tuần này, chất lượng ngô tiếp tục sụt giảm. Tỷ lệ diện tích ngô được xếp hạng tốt hoặc tuyệt vời đạt mức 55%, mức thấp thứ 3 trong cùng giai đoạn kể từ năm hạn hán lịch sử 2012.
Tuần trước, cuộc khảo sát mùa vụ hàng năm (Crop Tour 2023) đã diễn ra ở Miwest, khu vực sản xuất chính của Mỹ. Sau 4 ngày khảo sát trên hơn 2000 cánh đồng tại 7 bang gieo trồng ngô lớn nhất, kết quả cho thấy hầu như toàn bộ các bang đều đang chịu ảnh hưởng đáng kể. Vụ ngô năm nay ở bang sản xuất ngô lớn nhất của Mỹ là mùa vụ kém nhất trong lịch sử 17 năm. Ước tính chung cả nước, năng suất ngô niên vụ 23/24 chỉ đạt 172 giạ/mẫu, thấp hơn nhiều so với con số mà USDA dự báo là 175,1 giạ/mẫu.
Tình trạng hạn hán năm nay ở Midwest được đánh giá là tồi tệ nhất trong vòng 12 năm qua kéo dài tới cuối tháng 6 và đã giảm bớt cường độ từ tháng 7. Đây được coi là giai đoạn thụ phấn quan trọng của ngô. Nguy cơ giảm năng suất khiến cho giá ngô đã trải qua nhiều đợt rung lắc, hồi phục mạnh trong hai tháng qua và vẫn đang duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước dịch Covid-19.
Mùa vụ Nam Mỹ có thể bù đắp cho thiệt hại của Mỹ?
Vài tháng tới hoạt động gieo trồng Nam Mỹ sẽ diễn ra, trọng tâm của thị trường dần chuyển sang mùa vụ của Brazil và Argentina. Mùa vụ Argentina khôi phục sau đợt hạn hán nghiêm trọng năm ngoái. USDA dự báo sản lượng ngô của nước này sẽ đạt 54 triệu tấn, so với mức 34 triệu tấn trong niên vụ 22/23.
Trong khi đó, xuất khẩu của Brazil niên vụ 23/24 khá tốt nhờ dự báo sản lượng gia tăng và hoạt động thu hoạch ngô vụ 2 đang diễn ra thuận lợi. Ngô vụ 2 chiếm khoảng 75% tổng sản lượng ngô hàng năm của Brazil, và thường được xuất đi các thị trường mục tiêu trong nửa cuối năm.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết: “Nếu mùa vụ thuận lợi như kế hoạch, những thiệt hại tại Mỹ hoàn toàn có thể được bù đắp bởi sự hồi phục từ Nam Mỹ. Tuy nhiên, thực tế có thể không đạt được kỳ vọng thị trường do các cảnh báo về thời tiết cực đoan đang liên tục được đưa ra ở Argentina và miền Nam Brazil”.
Trên hầu hết diện tích đất nông nghiệp, trữ lượng nước xuống rất thấp có thể ảnh hưởng đến việc trồng ngô sớm, Sở Giao dịch ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) cho biết. Cơ quan này cũng cảnh báo người nông dân có thể sẽ lùi thời gian hoặc giảm diện tích gieo trồng ngô nếu không đủ mưa.
Doanh nghiệp cần làm gì cho quý IV?
Hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi phụ thuộc vào hơn 60% nguồn cung nhập khẩu nên biến động giá ngô thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên chi phí của toàn ngành chăn nuôi nước ta. Tuy nhiên, tốc độ giảm giá thức ăn thành phẩm vẫn chậm hơn giá nguyên liệu, và tình hình càng khó khăn hơn trong bối cảnh VND mất giá so với USD.
Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô của nước ta trong 7 tháng năm 2023 đạt gần 4,28 triệu tấn, giảm 16,8% so với cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên, tính riêng trong tháng 7, khối lượng nhập khẩu đạt gần 597.440 tấn, tăng 18,2% và cao hơn so với tháng 7/2022. Hoạt động mua hàng đẩy mạnh có thể từ tâm lí lo ngại của các doanh nghiệp do 3 năm khó khăn qua giá nông sản đều có xu hướng hồi phục hoặc tăng mạnh vào cuối năm.
Với lượng tiêu thụ thịt dự báo sẽ tăng đều qua các năm, việc giá nguyên liệu dần hạ nhiệt đã tạo lại một bức tranh mới cho triển vọng ngành chăn nuôi, trong đó có ngành chăn nuôi lợn nước ta. Tuy nhiên, với những biến cố về chi phí đầu vào sau 3 năm qua, mục tiêu lớn nhất của các doanh nghiệp hiện tại vẫn là quản lý rủi ro chi phí trước rồi mới đến lợi nhuận. Chính vì vậy, bài toán mua hàng và nhập khẩu càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với ngành chăn nuôi.
Mặc dù các số liệu về nguồn cung trong trung hạn vẫn không đáng lo ngại nhưng yếu tố tâm lí cùng với tính chu kỳ của nhóm nông sản vẫn là nút thắt chưa thể tháo gỡ của thị trường. Đây là thực trạng chung không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, đặc biệt khi an ninh lương thực là mối quan tâm chung của nhiều quốc gia.
Đối với các chuyến hàng giao trong vòng 1-2 tháng tới, việc đảm bảo nguồn cung nguyên liệu trước rủi ro xuất hiện đợt hồi phục ngắn hạn là điều cần ưu tiên ở thời điểm này, ông Phạm Quang Anh nhận định.