dd/mm/yyyy

Điện Biên: Tập trung xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đề nghị các cấp, các ngành trong tỉnh coi trọng nhiệm vụ xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số

Điện Biên nỗ lực chuyển đổi số

Ngày 25/5, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2022 do Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Điện Biên tổ chức chiều ngày 25/5, ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Điện Biên, đề nghị trong năm 2022 các cấp, các ngành trong tỉnh phải coi trọng nhiệm vụ tập trung xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp sở, huyện, xã, phường. Trên cơ sở đó có đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn tỉnh; đồng thời, nghiên cứu việc thành lập các Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại 100% các xã, phường, thị trấn để làm lực lượng nòng cốt trong thực hiện chuyển đổi số toàn dân. 

Điện Biên: Tập trung xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp sở, huyện, xã, phường   - Ảnh 1.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Điện Biên, đề nghị trong năm 2022 các cấp, các ngành trong tỉnh phải coi trọng nhiệm vụ tập trung xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp sở, huyện, xã, phường. Ảnh: Vinh Duy

Ghi nhận kết quả bước đầu tỉnh Điện Biên đạt được trong thực hiện chuyển đổi số là sự thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng chuyển đổi số, song ông Lê Thành Đô, thẳng thắn chỉ ra hạn chế trong thực hiện chuyển đổi số tại các cấp, các ngành.

Cụ thể trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, môi trường… việc ứng dụng công nghệ thông tin còn rời rạc, chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung, chưa khai thác được cơ sở dữ liệu liên ngành. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước còn hạn chế; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến còn thấp; cơ sở dữ liệu của tỉnh phân tán, khai thác chưa hiệu quả; điều kiện hạ tầng, thiết bị còn rất khó khăn, đặc biệt ở vùng cao, vùng sâu, biên giới; năng lực đảm bảo an toàn, an ninh mạng còn yếu. Thực trạng thiếu đội ngũ chuyên gia, kỹ sư chuyển đổi số ở các sở, ngành, địa phương cũng ảnh hưởng rất nhiều đến triển khai, ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn công việc.

Để khắc phục các tồn tại đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu  chuyển đổi số tại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Điện Biên - ông Lê Thành Đô, yêu cầu:  Cấp ủy, chính quyền các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân  phải xác định chuyển đổi số là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Trong đó lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, là chủ thể quan trọng nhất trong mục tiêu chuyển đổi số.

Điện Biên: Tập trung xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp sở, huyện, xã, phường   - Ảnh 3.

Lễ ký kết Chương trình hợp tác về Chuyển đổi số giữa: Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục - Đào tạo và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên. Ảnh: Vinh Duy

Đặt mục tiêu trong năm 2022 có 50% hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến và đến 2025 số hồ sơ giải quyết trực tuyến chiếm 80%, Chủ tịch Lê Thành Đô yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Điện Biên phải tăng cường công tác tuyên truyền, huy động các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng tham gia phổ biến, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó, phải khẩn trương thực hiện số hóa hồ sơ và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp tỉnh từ ngày 1/6/2022, cấp huyện từ ngày 1/12/2022, cấp xã từ ngày 1/6/2023.

Quá trình thực hiện chuyển đổi số, các cấp, các ngành phải tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số, bao gồm: tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; tiếp cận thông tin về quy hoạch, đầu tư, đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh; tham gia sàn thương mại điện tử…

Chuyển đổi số góp phần tạo động lực phát triển Điện Biên

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Điện Biên, đến nay, 100% cơ quan, đơn vị các cấp trên địa bàn triển khai ứng dụng chữ ký số; tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt trên 95% (tăng 25% so với năm 2020). Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên mức độ 4 và tiếp nhận 133.370 hồ sơ; xử lý hồ sơ đúng hạn, sớm hạn đạt trên 96,63%. Số hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt gần 25%, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến tích hợp lên cổng dịch vụ công Quốc gia đạt 100% (vượt mục tiêu Kế hoạch của UBND tỉnh về cải cách thủ tục hành chính năm 2021).

Điện Biên: Tập trung xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp sở, huyện, xã, phường   - Ảnh 4.

Lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành tỉnh Điện Biên ấn nút Khai trương Chuyên trang chuyển đổi số tỉnh Điện Biên. Ảnh: Vinh Duy

Trong lĩnh vực y tế, 100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện, kết nối và chia sẻ thông tin về bảo hiểm y tế, cổng dữ liệu y tế; 100% bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm y tế huyện, thị xã triển khai hệ thống khám, chữa bệnh từ xa, phần mềm quản lý xét nghiệm. Hệ thống thông tin quản lý tiêm chủng đã cập nhật 100% mũi tiên trên địa bàn tỉnh.

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Hệ thống quản lý trường học được triển khai đến tất cả các trường phổ thông; nền tảng học trực tuyến triển khai đáp ứng yêu cầu và phát huy hiệu quả trong thời gian phòng chống dịch bệnh Covid 19. Lĩnh vực nông nghiệp đã triển khai phần mềm theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, trong đó trang bị đưa vào sử dụng các thiết bị công nghệ (máy tính bảng/điện thoại thông minh chạy được ứng dụng di động FRMS Mobile; flycam; máy GPS); hệ thống bản đồ dạng số, hệ thống theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp (FRMS).

Vinh Duy