Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh "Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đến 100% chi hội trên địa bàn với nhiều nội dung phong phú, thiết thực.
Thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, các lớp tập huấn, Hội lồng ghép hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phát huy vai trò chủ thể, chung tay xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nhiều cán bộ, hội viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phát triển kinh tế, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.
Xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu biện pháp thực hiện gắn với các chỉ tiêu thi đua ở mỗi cấp Hội, vận động nông dân tích cực thi đua phấn đấu đạt tiêu chí hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Ban Thường vụ Hội các cấp tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi phát triển sâu, rộng và hiệu quả, tổ chức gắn với chương trình, dự án hỗ trợ của tỉnh và xây dựng mô hình hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật của Hội.
Tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành tạo nguồn lực hỗ trợ nông dân mở rộng các ngành nghề sản xuất và kinh doanh. Đẩy mạnh tuyên truyền vận động nông dân tích cực tham gia Đề án "Tái cơ cấu nghành nông nghiệp" (Dự án Cánh đồng lớn; vận động nông dân tham gia 19 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp), đưa tiến độ khoa học vào sản xuất, tăng nhanh sản lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Để thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp; vận động hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư có trọng điểm, phù hợp với thực tế của hộ gia đình.
Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các cấp xây dựng các mô hình "Hướng dẫn người nghèo làm ăn", "Mô hình xoá đói giảm nghèo vùng đặc thù" ở 7 huyện và 14 xã trong tỉnh. Góp phần vào việc thực hiện mục tiêu nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh.
Hội Nông dân tỉnh đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với hội viên, tạo điều kiện để bà con tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư phát triển, nhân rộng có hiệu quả các mô hình sản xuất, chăn nuôi...
Hội Nông dân phối hợp với Ngân hàng Chính sách thực hiện chương trình uỷ thác vốn vay cho nông dân với tổng số tiền dư nợ trên 933 tỷ đồng cho 20.852 hộ vay (tính đến ngày 30/5/2021). Phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT thực hiện Nghị định số 55/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo vốn vay cho nông dân phát triển sản xuất. Nhiều hộ tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Hội vận động nông dân xây dựng NTM bằng nhiều việc làm thiết thực như: Vận động hội viên và nông dân tham gia đóng góp trên 230 triệu đồng, hiến hơn 2000 m2 đất, trên 1800 ngày công xây dựng và tu sửa các công trình phúc lợi, làm mới, sửa chữa 150 km đường giao thông nông thôn, xây dựng mới và sửa chữa, dọn vệ sinh 210 km kênh mương nội đồng; sửa chữa làm mới, nạo vét 350 cầu, cống rãnh thoát nước; đóng góp sửa chữa nâng cấp nhà văn hoá, xây mới 4 nhà giúp hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, neo đơn…
Ông Lê Trọng Khôi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên cho biết: Trong thời gian tới, Hội tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi hội; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi; vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Qua đó, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.