dd/mm/yyyy

Điện Biên: Lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Điện Biên đã lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn, chương trình, dự án trong xây dựng NTM. Sau 10 năm (từ 2011 - 2020), tỉnh Điện Biên đã huy động được 17.000 tỷ đồng từ các nguồn lực để thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Điện Biên cho biết: Nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án có chung mục tiêu đóng vai trò rất quan trọng, quyết định thành công của chương trình xây dựng NTM. 

Ðiều này được thể hiện rõ qua tỷ lệ nguồn vốn xây dựng NTM: Tổng nguồn vốn thuộc Chương trình xây dựng NTM chỉ chiếm 10,53% trong khi các nguồn vốn lồng ghép chiếm 89,47% tổng nguồn vốn. Do đó, việc huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình luôn được các cấp, ngành sử dụng hiệu quả.

Điện Biên: Lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, xã Chà Nưa là xã đầu tiên của huyện nghèo biên giới Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) về đích nông thôn mới.

 

Chương trình xây dựng NTM xoay quanh chủ thể là người nông dân. Chính vì vậy, để chương trình thành công, hiệu quả thì phải tạo sự đồng thuận, huy động được sức dân trong xây dựng NTM.

Huyện Ðiện Biên là huyện điển hình của tỉnh Điện Biên trong việc huy động nguồn lực của nhân dân xây dựng NTM. Sau 10 năm xây dựng NTM, toàn huyện Điện Biên đã huy động nhân dân đóng góp tổng trị giá 112,765 tỷ đồng (tiền mặt, ngày công lao động, vật liệu). Nhân dân đã hiến trên 59.870m2 để xây dựng hạ tầng nông thôn.

Nhờ sự đồng thuận của người dân, huyện Điện Biên đã nâng cấp, sửa chữa, xây mới, cứng hóa trên 60km đường trục xã, liên xã, ngõ xóm, nội đồng. Kiên cố hóa 70,8km kênh mương nội đồng. Sửa chữa 89 công trình thủy lợi. Kiên cố hóa 97 trường học. 145 nhà văn hóa thôn, bản được đầu tư xây dựng... Diện mạo nông thôn huyện Điện Biên có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại. Sau 10 xây dựng NTM, huyện Ðiện Biên có 13/21 xã đạt chuẩn NTM.

Điện Biên: Lồng ghép các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Cùng sự đầu tư của nhà nước và đóng góp công sức của người dân, nhiều tuyến đường liên thôn, bản được làm mới.

Ông Lò Văn Xương, bản Xôm, xã Thanh An (huyện Ðiện Biên, tỉnh Điện Biên) là một trong những người đã thực hiện tốt phong trào "Cả nước chung tay xây dựng NTM", cho biết: Chương trình xây dựng NTM đã làm đường nội bản, liên bản được mở rộng, bê tông hóa. Nhà văn hóa được xây dựng khang trang. Hệ thống kênh mương dẫn nước được kiên cố tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế. Ðể góp phần xây dựng NTM, gia đình tôi đã tự nguyện hiến 518m2 đất vườn để UBND xã Thanh An đầu tư xây dựng nhà văn hóa bản Mới. Ðến nay, công trình đã đưa vào sử dụng.

Điện Biên: Lồng ghép các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Ông Lò Văn Xương, bản Xôm, xã Thanh An (huyện Ðiện Biên, tỉnh Điện Biên) tự nguyện hiến 518m2 đất vườn để UBND xã Thanh An đầu tư xây dựng nhà văn hóa bản Xôm.

Thực hiện chương trình xây dựng NTM, từ nguồn vốn lồng ghép, hỗ trợ các chương trình 30a, 135, chính sách hỗ trợ phát triển nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh Điện Biên..., huyện Tủa Chùa đã triển khai hỗ trợ 7.798 con gia súc, 80.476 con gia cầm, 383.000 con cá, 1.559 chuồng trại chăn nuôi, 536 tấn giống nông nghiệp cho trên 10.000 hộ nông dân; 993 thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang được 382,87ha. Quản lý, bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh hàng nghìn héc ta rừng...

Điện Biên: Lồng ghép các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới - Ảnh 5.

Công nhân Công ty Ðầu tư Xây dựng và Thương mại Hải Lộc thi công tuyến đường liên xã Sính Phình - Trung Thu - Lao Xả Phình - Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa)

Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc các chương trình mục tiêu đã góp phần kiện toàn kết cấu hạ tầng nông thôn. Từ năm 2016 - 2020, nguồn vốn đầu tư thuộc chương trình 30a đã đầu tư xây dựng mới 14 dự án đường giao thông, nhà văn hóa, trạm y tế với tổng vốn 182,273 tỷ đồng.

Giai đoạn 2018 - 2020, Chương trình 135 đã đầu tư xây dựng 23 công trình hạ tầng thiết yếu với tổng số vốn 50,87 tỷ đồng. Ðơn cử như, tuyến đường liên xã Sính Phình - Trung Thu (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) có chiều dài gần 7km đã được nhựa hóa từ nguồn vốn lồng ghép, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại và thúc đẩy kinh tế 2 xã phát triển.

Điện Biên: Lồng ghép các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới - Ảnh 6.

Nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, đến hết năm 2020, tỉnh Điện Biên phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn xuống còn 37%.

Ông Sùng A Khày, Chủ tịch UBND xã Sính Phình cho biết: Tuyến đường dài gần 7km nhưng nguồn vốn NTM chỉ đầu tư kiên cố hóa được 1,5km từ đường trục chính của xã đến thôn I. Năm 2018, UBND huyện Tủa Chùa đã sử dụng nguồn vốn 30a đầu tư thêm 2 dự án nữa để nhựa hóa đoạn tuyến còn lại với tổng mức đầu tư 17,2 tỷ đồng. Ðến nay, các dự án đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng hiệu quả giúp người dân đi lại thuận lợi, thúc đẩy giao thương hàng hóa.

Nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, đến hết năm 2020, tỉnh Điện Biên phấn đấu có 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 35 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM. Số tiêu chí bình quân đạt 11,3 tiêu chí/xã. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 37%.

Thu Hương - Vinh Duy