Đáng lo ngại là ngoài các trường hợp đã được ghi nhận mắc bệnh, các trường hợp có liên quan các yếu tố dịch tễ tại 3 ổ dịch thì hiện nay còn nhiều người tại địa bàn các xã, huyện lân cận đã mua thịt trâu, bò có nguồn gốc tại ổ dịch…
Trao đổi với chúng tôi vào sáng ngày 2/6, ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế Điện Biên, cho biết: Với các thông tin rà soát người bệnh, người tiếp xúc gần tại một ổ dịch ở xã Mường Báng và hai ổ dịch tại xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa thì cơ quan chuyên môn thống nhất với nhận định, địa bàn phát hiện ổ dịch bệnh than lần này đều đã từng xuất hiện ổ dịch than trong những năm trước. Song đáng lo ngại là các ổ dịch bùng phát lần này xảy ra cùng thời điểm khá gần nhau; nguyên nhân bắt nguồn từ việc người dân giết mổ, chế biến, ăn thịt gia súc (trâu, bò) chết. Cùng với đó là nguy cơ dịch bệnh có thể lan sang nhiều xã, huyện lân cận vì người dân đã đem thịt trâu bệnh đi bán ở nhiều nơi.
Thông tin cụ thể về 3 ổ dịch, ông Đàm Thanh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên, cho biết: 13 người mắc bệnh than được phát hiện tại 3 ổ dịch bệnh. Cụ thể, huyện Tủa Chùa có 11 người ở 2 xã: Mường Báng, Xá Nhè; huyện Tuần Giáo có 2 người ở hai xã Nà Tòng, Phình Sáng mắc bệnh.
Ổ dịch thứ nhất được phát hiện ngày 19/5 tại thôn Pàng Dề A, xã Xá Nhè, khi ông G.A.S. đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa với biểu hiện sưng đau, nổi mụn nước ở ngón 5 bàn tay phải; mụn nước sau đó vỡ tạo thành vết loét màu đen, phù nề. Trước đó, vào ngày 5/5 khi ông G.A.S. phát hiện một con bò của gia đình bị chết không rõ nguyên nhân thì ông S. đã cùng bốn người mổ bò lấy thịt chế biến thức ăn. Sau khi mổ bò, ông S. để lại một phần, còn lại đem bán cho một số gia đình trong bản với tổng số 52 người tham gia chế biến, ăn thịt con bò của gia đình ông S.
Tiếp đó, ngày 27/5, Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa đã tiếp nhận, điều trị bệnh than cho một bệnh nhân là Q.V.L. (ở thôn Phiêng Quảng, xã Xá Nhè), có biểu hiện bệnh là mụn nước tại mu bàn tay phải vỡ tạo thành vết loét màu đen. Trước đó, ngày 22/5, gia đình ông L. đã mua một con trâu chết không rõ nguyên nhân của gia đình ông Giàng A Chính ở thôn Pàng Dề A, xã Xá Nhè. Toàn bộ thịt trâu được ông L. chia, bán cho người nhà và các gia đình trong bản. Đến ngày 23/5 ông L. bắt đầu thấy xuất hiện mụn nước tại mu bàn tay phải, sau đó mụn nước vỡ tạo thành các vết loét màu đen.
Ổ dịch thứ 3 được ghi nhận ngày 25/5 với một người mắc bệnh là ông M.A.T. (ở bản Háng Trở 1, xã Mường Báng); ông T. có mụn nước mọc ở mặt ngoài cẳng tay trái. Trước đó, ngày 18/5 ông T. mua một con bò chết không rõ nguyên nhân của gia đình ông Sùng Nủ Kỷ tại bản Pàng Dề A, xã Xá Nhè về mổ thịt ăn tại gia đình; một phần thịt bò ông T. đem bán tại thị trấn huyện Tủa Chùa và bán cho người dân từ bản Pa Cá đến bản Phiêng Pẻn xã Nà Tòng, huyện Tuần Giáo. Tròn 5 ngày sau khi ăn thịt bò (23/5), ông T. bắt đầu xuất hiện mụn nước ở mặt ngoài cẳng tay trái. Cùng mổ, chế biến, ăn thịt bò với ông T. còn có thêm 3 người mắc bệnh với biểu hiện tương tự ông T.
Nhận định nguyên nhân bùng phát 3 ổ dịch bệnh than ở Tủa Chùa đều bắt nguồn từ việc người dân giết mổ, ăn thịt gia súc mắc bệnh chết, do vậy ngay khi ghi nhận các trường hợp mắc bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên đã cử cán bộ về Tủa Chùa cùng với Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa điều tra, xác minh ổ dịch; đồng thời khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm những người nghi mắc bệnh, người tiếp xúc gần để hỗ trợ biện pháp điều trị, dự phòng điều trị.
Căn cứ kết quả điều tra, khoanh vùng tại khu vực phát hiện 3 ổ dịch, đến ngày 1/6, Trung tâm thống kê có 13 người cư trú tại 4 xã thuộc 2 huyện là Tủa Chùa và Tuần Giáo mắc bệnh từ 3 ổ dịch. Trong đó, xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) có 3 người; xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) có 8 người; hai xã là Nà Tòng và Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) có 2 người mắc bệnh. Ngoài số người mắc bệnh thì số người tiếp xúc gần người mắc bệnh hoặc mổ, chế biến, ăn thịt gia súc được thống kê là 119.
Chủ động khoanh vùng, dập dịch hạn chế dịch lây lan trên địa bàn, ngay khi ghi nhận các trường hợp mắc bệnh than tại Tủa Chùa, Tuần Giáo, Sở Y tế Điện Biên đã chỉ đạo phun khử khuẩn khu vực chuồng trại chăn nuôi, nơi giết mổ trâu, bò và các khu vực lân cận; ngành thú y khẩn trương vào cuộc kiểm soát nghiêm dịch bệnh trên động vật và tiêu huỷ gia súc mắc bệnh chết. Công tác tuyên truyền tác hại bệnh, nguy cơ lây nhiễm bệnh được cấp uỷ, chính quyền địa phương vào cuộc khẩn trương với sự hỗ trợ tích cực của cán bộ, công chức và thành viên các tổ chức hội, đoàn thể.
"Có sự vào cuộc trách nhiệm, khẩn trương của y tế tuyến trên và cấp uỷ, chính quyền cơ sở, đến nay Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa đã cơ bản hoàn thành công tác khoanh vùng, khống chế các ổ dịch. Ý thức phòng, chống dịch của người dân các khu vực này đã được nâng lên; hiện bà con không tự ý giết mổ gia súc đặc biệt gia súc mắc bệnh ốm, chết không rõ nguyên nhân thì bà con đều chủ động báo cơ quan chuyên môn và chính quyền" - ông Điêu Chính Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế Tủa Chùa cho biết.
Hiện tại, tuy đã cơ bản hoàn thành rà soát, lập danh sách các trường hợp mắc bệnh, tiếp xúc gần người mắc bệnh và thịt gia súc mắc bệnh, song cơ quan y tế địa phương vẫn khuyến cáo người dân khu vực ổ dịch, gần ổ dịch không nên chủ quan. Đặc biệt với các trường hợp là người ở xã Nà Tòng, huyện Tuần Giáo đã mua thịt trâu, bò của người dân các ổ dịch kể trên thì cần đến ngay cơ sở y tế khai báo để được hướng dẫn theo dõi, hỗ trợ điều trị kịp thời.
Những ngày này, thời tiết trên địa bàn tỉnh Điện Biên diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh trên gia súc, do vậy, để công tác phòng, chống dịch bệnh than được hiệu quả, Sở Y tế Điện Biên đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn vào cuộc, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa khẩn trương rà soát công tác tiêm vaccine phòng bệnh than cho gia súc trên địa bàn, đặc biệt là vùng có ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao ở huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo, đảm bảo tỉ lệ tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn gia súc theo quy định. Hiện tại, nghiêm cấm việc vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ gia súc mắc bệnh; gia súc chết bất thường trên địa bàn xã có dịch và các xã xung quanh để hạn chế lây lan dịch bệnh cho người, gia súc.