dd/mm/yyyy

Điện Biên: Khai hội Thành Bản Phủ

Sáng 15/3, tại Di tích Thành Bản Phủ (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), UBND huyện Điện Biên tổ chức Lễ khai hội Thành Bản Phủ.

Điện Biên vào mùa lễ hội

Lễ hội Thành Bản Phủ, huyện Điện Biên được tổ chức hàng năm trong khu di tích cấp Quốc gia Thành Bản Phủ, vào ngày 24 -25/2 âm lịch. Lễ hội này nhằm tưởng nhớ thủ lĩnh Hoàng Công Chất và Tướng Ngải, Tướng Khanh cùng nhân dân các dân tộc Mường Thanh đã chiến đấu anh dũng đánh tan giặc Phẻ, bảo vệ bản mường.

Điện Biên: Khai hội Thành Bản Phủ - Ảnh 1.

Nghi thức rước kiệu dâng lễ trong Lễ khai hội Thành Bản Phủ tại xã Noong Hét, huyện Điện Biên.

Lễ hội Thành Bản Phủ gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu, múa rồng, đọc chúc văn tưởng nhớ công lao của ông Hoàng Công Chất - người con của quê hương huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông đã cùng hai thủ lĩnh người dân tộc Thái ở Điện Biên là Tướng Ngải, Tướng Khanh đánh đuổi giặc Phẻ, giải phóng Mường Thanh (Điện Biên) vào tháng 5/1754. Phần hội được tổ chức gồm các trò chơi dân gian, văn hóa các dân tộc huyện Điện Biên.

Điện Biên: Khai hội Thành Bản Phủ - Ảnh 2.

Cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Điện Biên thành kính dâng hương tưởng nhớ Tướng quân Hoàng Công Chất.

Ông Bùi Hải Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên, cho biết: Lễ hội Thành Bản Phủ là hoạt động tín ngưỡng với các nghi thức văn hóa dân gian được gìn giữ từ lâu đời. Mỗi mùa lễ hội hàng năm (24 -25/2 âm lịch) nhân dân các dân tộc trên địa bàn trong và ngoài huyện Điện Biên đều thành kính dâng hương tưởng nhớ công ơn Tướng quân Hoàng Công Chất. Đồng thời, tại lễ hội, người dân gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi và cùng nhau chơi các trò chơi dân gian.

Điện Biên duy trì tốt những lễ hội thường niên

Với cấp ủy, chính quyền huyện Điện Biên thì việc tổ chức các hoạt động trong mùa lễ hội này cũng là cơ hội để quảng bá, tôn vinh bản sắc văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc. Đồng thời thu hút đầu tư, phát triển văn hóa, du lịch của huyện Điện Biên cũng như tỉnh Điện Biên. Từ đó góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, khơi dậy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc để chung tay xây dựng Điện Biên ngày càng phát triển.

Điện Biên: Khai hội Thành Bản Phủ - Ảnh 3.

Sau phần lễ là các tiết mục múa lân và phần hội tại ngày hội.

Tướng quân Hoàng Công Chất có tên thật là Hoàng Công Thư, quê ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Nghĩa quân của Tướng quân Hoàng Công Chất cùng Tướng Ngải, Tướng Khanh là hai thủ lĩnh người dân tộc Thái ở Điện Biên đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc đánh đuổi giặc Phẻ, giải phóng Mường Thanh (Điện Biên) vào tháng 5/1754. Để có căn cứ hoạt động lâu dài, Tướng quân Hoàng Công Chất đã cho xây dựng Thành Bản Phủ. Từ đó, căn cứ hoạt động của nghĩa quân đã phát triển ra khắp mười Châu của Phủ An Tây: Phía Bắc giáp biên giới Trung Quốc, phía Nam mở rộng xuống Hòa Bình - Ninh Bình - Thanh Hóa. Cuộc khởi nghĩa nông dân do Hoàng Công Chất lãnh đạo kéo dài suốt 30 năm (1739 – 1769). Hoàng Công Chất đã tập hợp nhân dân các dân tộc vùng Hưng Hóa (Tây Bắc) thành một khối thống nhất, xây dựng mối tình đoàn kết ngược xuôi để cùng nhau đánh giặc giữ nước, bảo vệ núi rừng vùng biên cương Tổ quốc.

Vinh Duy