dd/mm/yyyy

Điện Biên: Điện mặt trời - Giàu tiềm năng, nhiều thách thức

Hiện nay, hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về đảm bảo cung ứng điện thì việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) được xem là xu hướng tất yếu, là giải pháp quan trọng góp phần khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Với tiềm năng lớn, tuy nhiên việc khai thác, sử dụng nguồn năng lượng này cũng đang gặp nhiều thách thức.

Điện Biên: Điện mặt trời - Giàu tiềm năng, nhiều thách thức   - Ảnh 1.

Hệ thống điện mặt trời áp mái của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Phú Mỹ (phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ) với công suất 800 kWh , sản lượng điện phát trên lưới đạt khoảng 1.168.000kWh/ năm. (Ảnh: Vinh Duy).

Theo khảo sát, Điện Biên là tỉnh có nhiều nắng, khoảng từ 1.820 đến 2.035 giờ/năm và từ 115 đến 215 giờ/tháng. Các tháng có giờ nắng thấp là tháng 6 và tháng 7, các tháng có giờ nắng cao thường là các tháng 3, 4, 8. Còn theo bản đồ bức xạ mặt trời Việt Nam, Ðiện Biên thuộc nhóm tỉnh có thời gian bức xạ nhiệt trong ngày lớn thứ tư trên cả nước với 4,5 - 4,7 kwh/m2/ngày và là 1 trong 2 tỉnh (cùng với Sơn La) có bức xạ nhiệt trong ngày lớn nhất miền Bắc. Ðây là lợi thế để phát triển năng lượng mặt trời, góp phần tiết kiệm điện năng, nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

 Nhận thấy tiềm năng đó, việc ứng dụng năng lượng tái tạo, tạo nguồn điện thay thế đã và đang được nhiều huyện, thị, đơn vị, doanh nghiệp, người dân quan tâm, từng bước tiếp cận, lắp đặt hệ thống ĐMTAM trong thực tiễn hoạt động, sản xuất, sinh hoạt. Trong đó, sử dụng nguồn năng lượng mặt trời đang được ứng dụng rộng rãi tại nhiều địa phương.

Siêu thị Hoa Ba (phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ) là một trong những doanh nghiệp lắp đặt hệ ĐMTAM đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Trước đây, trung bình mỗi tháng siêu thị chi trả trên 200 triệu đồng tiền điện. Năm 2019, doanh nghiệp đầu tư hệ thống ĐMTAM với công suất 150kWh, tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Hiện nay, sản lượng điện phát lên lưới điện đạt khoảng 12.599kWh, sản lượng điện đó đã giúp đơn vị giảm chi phí tiền điện hơn 100 triệu đồng mỗi tháng.

Điện Biên: Điện mặt trời - Giàu tiềm năng, nhiều thách thức   - Ảnh 3.

Sử dụng nguồn năng lượng mặt trời đang được ứng dụng rộng rãi tại trên địa bàn tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Vinh Duy).

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Phú Mỹ (phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ) là một trong những doanh nghiệp lắp đặt hệ thống ĐMTAM lớn tại thành phố Điện Biên Phủ với công suất 800kWh, tổng vốn đầu tư hơn 12 tỷ đồng. Hiện nay, sản lượng điện phát trên lưới đạt khoảng 1.168.000kWh/ năm, trung bình mỗi năm sản lượng điện thu được trên 2,2 tỷ đồng.

Còn với anh Nguyễn Văn Thắng (phường Thanh Bình, TP. Ðiện Biên Phủ) cũng đầu tư hệ thống ĐMTAM với công suất 46kwh, tổng chi phí hơn 600 triệu đồng. Sau khi lắp đặt hệ thống điện áp mái không những giúp gia đình anh tiết kiệm tiền điện hàng tháng mà phần điện năng dư thừa còn bán cho ngành Ðiện thông qua công tơ điện đo đếm 2 chiều giao và nhận…

Lắp đặt, sử dụng ĐMTAM đã đáp ứng nhu cầu sản xuất liên tục của doanh nghiệp, hộ gia đình tạo thêm nguồn thu, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí tiêu thụ điện hàng tháng, đảm bảo nguồn điện và hạn chế sự cố điện do quá tải gây nên.

Thống kê từ Công ty Điện lực Điện Biên, đến tháng 8, toàn tỉnh có 476 doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, với tổng công suất 28.916kWp.

Việc phát triển điện mặt trời áp mái trên địa bàn tỉnh đã cho thấy sự chuyển biến tích cực từ nhận thức trong vấn đề sử dụng điện của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Điện Biên: Điện mặt trời - Giàu tiềm năng, nhiều thách thức   - Ảnh 4.

Việc phát triển điện mặt trời áp mái trên địa bàn tỉnh đã cho thấy sự chuyển biến tích cực từ nhận thức trong vấn đề sử dụng điện của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. (Ảnh: Vinh Duy).

Mặt khác, với nguồn tài nguyên tái tạo đa dạng của tỉnh hiện nay nếu được tận dụng, khai thác hiệu quả thì có thể thay thế một phần cho nguồn nhiên liệu truyền thống để tạo ra nguồn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Đồng thời, đóng góp quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm sự lệ thuộc vào hệ thống lưới điện quốc gia, giảm bớt "gánh nặng" quá tải cho ngành Điện.

Tuy nhiên, việc phát triển ĐMTAM trên địa bàn tỉnh còn đang đối mặt với nhiều thách thức. Với đặc điểm tự nhiên của điện mặt trời là phụ thuộc lớn vào thời gian nắng trong ngày, có nghĩa là nắng mạnh thì phát nhiều điện và tắt nắng thì không phát điện cũng đã bộc lộ những khó khăn, bất cập trong vận hành hệ thống điện.

Do đặc điểm thời tiết của tỉnh, từ tháng 9 trở về cuối năm có xu hướng lạnh dần nên phụ tải hệ thống điện quốc gia chuyển sang mẫu điển hình của mùa lạnh.

Mặt khác, vào giờ cao điểm buổi tối là thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ điện cao nhất trong ngày, hệ thống điện cần một lượng công suất phát điện khá lớn nhưng lúc này khả năng đáp ứng của hàng nghìn MW điện mặt trời hầu như không còn.

Vì vậy, để đảm bảo cung cấp điện, hệ thống điện luôn cần phải duy trì sẵn sàng một số tổ máy phát điện truyền thống. Bên cạnh hiện tượng chênh lệch về công suất phụ tải ở các thời điểm trong ngày, thì nhu cầu phụ tải giữa ngày làm việc và ngày nghỉ cũng có sự chênh lệch khá lớn.

Điện Biên: Điện mặt trời - Giàu tiềm năng, nhiều thách thức   - Ảnh 5.

Thống kê từ Công ty Điện lực tỉnh Điện Biên, đến tháng 8, toàn tỉnh có 476 doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, với tổng công suất 28.916kWp. (Ảnh: Mai Phương).

Hiện nay, trên thị trường trong và ngoài tỉnh ồ ạt ra mắt nhiều doanh nghiệp kinh doanh tấm pin điện mặt trời nên việc thiếu thông tin chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công, bảo hành, chưa hiểu rõ về nguồn và lưới điện… cũng là khó khăn đối với người lắp đặt.

Thách thức khác gây trở ngại đến việc phát triển ĐMTAM còn từ cơ chế, chính sách. Đối với loại hình điện năng lượng mặt trời, hiện chỉ áp dụng biểu giá hỗ trợ đối với các dự án đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Do vậy, các dự án đầu tư sau ngày 1/1/2021 sẽ chưa có cơ chế thực hiện. Ngoài ra, những hạn chế về hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn ứng dụng các công nghệ năng lượng tái tạo, việc "cào bằng" chính sách giữa các vùng miền… cũng trở thành rào cản trong việc thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cũng như khó khăn cho các cơ quan trong công tác quản lý Nhà nước.

Do vậy, năm 2021 Công ty Ðiện lực tỉnh Ðiện Biên đã thông báo tạm dừng tiếp nhận nhu cầu đăng ký lắp đặt ĐMTAM, chờ chủ trương của Nhà nước. Xét về lợi ích kinh tế lâu dài từ việc sử dụng NLTT là không thể phủ nhận, song chi phí đầu tư ban đầu khá cao.

Vinh Duy - Mai Phương