Mây tre đan là nghề truyền thống ở Điện Biên
Trước đó, ngày 26/10/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã ký Quyết định 1971/QĐ-UBND công nhận mây tre đan truyền thông cho nhân dân bản Nà Tấu 1, xã Nà Tấu.
Đây là nghề được hình thành từ lâu đời; được cộng đồng người Thái ở Nà Tấu nâng niu, trân quý truyền từ đời này sang đời khác. Các sản phẩm làm từ mây, tre ở Nà Tấu đều gần gũi thiên nhiên, phù hợp nếp sống, sản xuất của cộng đồng người Thái bản Nà Tấu 1 nói riêng và người Thái ở Điện Biên nói chung.
Trước đây, người Thái bản Nà Tấu 1 thường làm các đồ dùng từ mây, tre để phục vụ sinh hoạt trong gia đình, song từ năm 2008 đến nay nhiều gia đình trong bản đã tập hợp thành nhóm cùng nhau làm các sản phẩm từ mây, tre đan để bán ra thị trường, nhờ đó các gia đình có thêm nguồn thu nhập đáng kể.
Hiện tại, bản Nà Tấu 1 có 78 gia đình, trong đó có 18 gia đình với 24 lao động thường xuyên làm các sản phẩm từ mây, tre đan; thu nhập bình quân của mỗi người đạt gần 1,2 triệu đồng/người/tháng. Nhờ nguồn thu này, nhiều gia đình đã thoát nghèo, có điều kiện trang trải cuộc sống, học tập cho con cái.
Giữ gìn, phát huy giá trị nghề mây tre đan truyền thống ở Điện Biên
Phát biểu tại Lễ Công bố quyết định trao bằng công nhận nghề truyền thống cho bản Nà Tấu 1, ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ, khẳng định: Với việc được đón bằng công nhận nghề truyền thống là niềm vinh dự, tự hào của cán bộ và nhân dân xã Nà Tấu. Đây cũng là nhiệm vụ, trách nhiệm mà tỉnh đã giao cho cấp ủy, chính quyền thành phố và Ủy ban nhân dân xã Nà Tấu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống trên địa bàn.
Để giữ gìn, phát huy giá trị nghề mây tre đan truyền thống bản Nà Tấu 1, ông Nguyễn Quang Hưng, đề nghị các phòng, ban chuyên môn tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm mây tre đan, tạo điều kiện thuận lợi để nghề mây tre đan có thêm nhiều sản phẩm đưa ra thị trường phục vụ du khách đến tham quan, mua sắm; đồng thời hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm do nhân dân bản Nà Tấu 1 làm ra.
Với cấp ủy, chính quyền xã Nà Tấu, ông Nguyễn Quang Hưng, đề nghị phải tập trung huy động lồng ghép các nguồn lực vào xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường. Xây dựng các mô hình, dự án kết hợp với du lịch nông thôn gắn với quảng bá giới thiệu sản phẩm nghề mây tre đan truyền thống. Đặc biệt, địa phương cần quan tâm mở rộng vùng nguyên liệu, quy mô sản xuất; kết hợp chặt chẽ với các phòng ban thành phố trong việc xúc tiến thương mại, mở rộng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế thông qua website, sàn giao dịch thương mại điện tử, hội chợ triển lãm; giới thiệu sản phẩm với khách du lịch...