Linh hoạt, năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Năm 2024 đã có gần 7.900 hộ nông dân thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, nông dân thị xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường, hình thành một số vùng chuyên canh như trồng lúa chất lượng cao như: Trồng dưa hấu xã Thanh Lương; trồng cây lấy hạt xã Thanh Lương, Thạch Lương; Sơn A, Phúc Sơn.... nhiều mô hình kinh tế giỏi giúp nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Nhận thấy việc chăn nuôi nhỏ lẻ theo hướng tự cung tự cấp không mang lại hiệu quả. Nông dân Hoàng Thị Ngai, thôn Nà Đường (xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) sau khi được nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng để mua con giống đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi của gia đình lên 10 con trâu, bò cái sinh sản với tổng vốn đầu tư 250 triệu đồng.
Sau hơn 2 năm thực hiện dự án, hiện nay gia đình bà Ngai đã phát triển lên được 6 con trâu, bò sau khi trừ chi phí mỗi năm bà Ngai cũng thu về trên 100 triệu đồng tiền lãi. Thấy giá trị kinh tế mà chăn nuôi đàn gia súc mang lại hiện nay gia đình bà Ngai đang chăn nuôi thêm 26 con dê để tăng thêm thu nhập.
Bà Hoàng Thị Ngai tâm sự: "Trước kia gia đình cũng chăn nuôi nhưng theo quy trình nhỏ lẻ. Tuy nhiên, từ khi được nhà nước hỗ trợ về chính sách, như được tiếp sức nên gia đình quyết định chăn nuôi theo quy mô lớn, tăng quy mô đàn lên. Từ năm 2022 đến nay tôi cũng thấy kinh tế của gia đình cũng ổn định hơn".
Năm 2023, Gia đình ông Hoàng Xuân Dương, thôn Bản Kinh (xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ) tìm hiểu, nghiên cứu và được sự hướng dẫn của công ty đối tác. Nhận thấy ớt xanh là giống cây mới, phù hợp với chất đất ở địa phương, thu hoạch đến đâu doanh nghiệp thu mua đến đấy, giá cả thoả thuận theo hợp đồng nên gia đình ông Dương đã đưa 1.700m vuông đất ruộng vào trồng ớt xanh xuất khẩu. Sau 2 vụ gia đình ông bán được trên 100 triệu đồng.
"Đây là năm thứ 2 gia đình trồng ớt xanh xuất khẩu, so với trồng lúa thì trồng ớt hiệu quả gấp 5 đến 6 lần, cách chăm sóc cây ớt cũng đơn giản, trong khi thu hoạch thì có người đến tận nơi thu mua, hiệu quả kinh tế cao nên trong thời gian tới gia đình tôi tiếp tục trồng cây ớt xanh này", ông Xuân chia sẻ.
Từ kết quả bước đầu này của hội viên, Hội Nông dân xã xã Thanh Lương đã vận động hội viên đã trồng được 5ha ớt xuất khẩu. Sau 2 vụ trồng, nông dân đã bán cho doanh nghiệp thu mua để chế biến ở xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản được hơn 1,1 tỷ đồng thu nhập từ trồng ớt, nhiều hộ dân trong xã đã giàu lên trông thấy.
Khuyến khích nông dân mạnh dạn xây dựng các mô hình chuyển đổi
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phan Thanh Nam - Chủ tịch hội nông dân Thị xã Nghĩa Lộ cho biết, Hội Nông dân của thị xã đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, tuyên truyền, vận động hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đem lại thu nhập cho người dân, trong đó có một số mô hình tiêu biểu như mô hình cây mướp lấy hạt, bí lấy hạt và ớt xuất khẩu.
Trong chăn nuôi, Hội Nông dân thị xã cũng vận động nông dân mạnh dạn đầu tư để xây dựng các mô hình vừa và lớn. Qua đó người dân cũng tích cực hưởng ứng và cũng mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi, từ đó đem lại thu nhập cao.
"Trong thời gian tới, hội nông dân thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Chủ động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp hợp tác theo chuỗi giá trị để nhân rộng sản xuất.
Cùng với đó, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị; các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn, từng bước xây dựng hình ảnh nông dân năng động trong xây dựng nông thôn mới", ông Nam nhấn mạnh.