dd/mm/yyyy

Dấu ấn “bứt phá” rõ rệt nhìn từ huyện Yên Thành

Những năm lại đây, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) có bước phát triển mạnh mẽ. Huyện Yên Thành phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến năm 2025 và định hướng xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2030, thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử.

Phấn đấu huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu

Gần đây, chiều ngày 24/11, ông Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chủ trì phiên họp của UBND tỉnh này về Đề án xây dựng huyện Yên Thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến năm 2025.

Tại phiên họp, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Phan Văn Tuyên trình bày dự thảo Đề án xây dựng huyện Yên Thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến năm 2025 và định hướng xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2030; Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Đề án xây dựng huyện Yên Thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến năm 2025 và định hướng xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2030 đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, có ít nhất 19 xã trên địa bàn huyện Yên Thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 50% số xã của huyện); có 3 - 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; các xã còn lại đạt ít nhất 10 tiêu chí trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao.

Thị trấn Yên Thành giữ vững danh hiệu đô thị văn minh; có 9/9 tiêu chí đạt chuẩn của Bộ Tiêu chí Quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao; trên 95% tỷ lệ người dân hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao cấp huyện; trên 90% tỷ lệ người dân hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao cấp xã. Đến năm 2025, thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện.

Dấu ấn “bứt phá” rõ rệt nhìn từ huyện Yên Thành - Ảnh 2.

Yên Thành đặt mục tiêu xây dựng huyện Yên Thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến năm 2025 và định hướng xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2030; Đến năm 2025, thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện.

Trong giai đoạn 2026-2030, đến năm 2028, phấn đấu có thêm 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 100%). Đến năm 2030, có thêm 3-5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện lên 6-10 xã. Đến năm 2030, Yên Thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái ứng dụng công nghệ cao.

Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Phan Văn Tuyên thông tin, dự kiến kinh phí thực hiện dự án giai đoạn 2022-2030 là hơn 15.152 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hơn 3.722 tỷ đồng, chiếm 24,57%; vốn đầu tư doanh nghiệp hơn 4.298 tỷ đồng, chiếm 28,37%; vốn vay tín dụng hơn 3.101 tỷ đồng; vốn lồng ghép khác hơn 1.351 tỷ đồng, chiếm 8,92%; vốn huy động từ nhân dân hơn 2.677 tỷ đồng, chiếm 17,67%.

Do vậy, để có nguồn lực thực hiện, huyện Yên Thành đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Nghệ An ban hành nghị quyết cho phép để lại 100% tiền đất tại 2 khu quy hoạch ở xã Văn Thành và thị trấn Yên Thành; Hỗ trợ ngoài chỉ tiêu cho huyện 6.000 tấn xi măng/năm để ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi trên địa bàn; Để lại 100% tiền bảo vệ đất trồng lúa đối với các dự án trong khu quy hoạch thực hiện đề án.

Quyết tâm chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử

Theo báo cáo, từ tháng 6/2022, huyện Yên Thành đã thực hiện thí điểm chuyển đổi số ở một số xã. Các xã đã thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số, thành lập tổ công nghệ số cộng đồng do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Đồng thời, huyện phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn cơ bản về chuyển đổi số và nâng cao nhận thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng số cho lãnh đạo các cơ quan đơn vị và UBND các xã, thị trấn.

Huyện phối hợp với VNPT và các đoàn thể, địa phương vận động, hướng dẫn, hỗ trợ cài đặt các nền tảng dịch vụ số. VNPT Yên Thành đã hỗ trợ xây dựng cổng thông tin điện tử cho huyện, các xã, tập huấn về dịch vụ hành chính công, hệ thống iOffice và chữ ký số quản lý văn bản điện tử cho 39/39 xã, thị trấn trên địa bàn cũng như cung cấp các dịch vụ chữ ký số và biên lai điện tử cho chính quyền huyện, xã; Cung cấp dịch vụ cho ngành giáo dục như hệ sinh thái vnEdu, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, giáo án điện tử… Với nông nghiệp là giải pháp truy xuất nguồn gốc nông sản, quản lý sản phẩm OCOP… 

Huyện đã ký thỏa thuận hợp tác với VNPT Yên Thành để cung cấp dịch vụ viễn thông công nghệ thông tin cùng các giải pháp chuyển đổi số gồm: Hệ thống điều hành thông minh IOC; Hệ thống phòng họp không giấy tờ VNPT eCabinet; các giải pháp Đô thị thông minh…

Nhờ đó, sau thời gian ngắn triển khai thực hiện Chương trình hành động, công tác chuyển đổi số của huyện Yên Thành đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận: 37/39 xã đã thực hiện một cửa điện tử, 100% xã sử dụng chữ ký số, 100% xã đã sử dụng hệ thống iOffice xử lý văn bản.

Dấu ấn “bứt phá” rõ rệt nhìn từ huyện Yên Thành - Ảnh 3.

Ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành.

Huyện Yên Thành còn đặt mục tiêu trong thời gian tới, 100% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng hoặc tự bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng số; Thực hiện kết nối hệ thống hội nghị trực tuyến đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã và kết nối hệ thống hội nghị trực tuyến quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên.

Huyện Yên Thành cũng đặt ra mục tiêu tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường mạng. 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo, kết nối với hệ thống thông tin báo cáo tỉnh.

Ông Phan Duy Nhất (xóm Đông Thị, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) phấn khởi chia sẻ với phóng viên, gia đình ông Phan Duy Nhất có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho trường hợp diện tích đất tăng thêm từ việc san lấp những hố bom trước ngày 15/10/1993 và đã được UBND xã Đô Thành, văn phòng đăng ký đất đai xử lý thủ tục rất nhanh gọn, thuận lợi. "Tôi rất tin tưởng UBND huyện Yên Thành, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Thành tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng" - ông Phan Duy Nhất kỳ vọng.

Trần Ngọc Thọ