dd/mm/yyyy

Đài Loan lo ngại thiếu nguồn cung hàu, cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu

Việt Nam là đối tác cung ứng động vật thân mềm lớn thứ 5 cho Đài Loan (Trung Quốc), với hơn 2.477 tấn đã được xuất khẩu sang đảo này trong 7 tháng đầu năm...
Đài Loan lo ngại thiếu nguồn cung hàu, cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu - Ảnh 1.

Những cơn bão liên tiếp làm giảm hơn một nửa sản lượng hàu ở Chiayi. Những người nuôi hàu ở Chiayi lo ngại rằng họ sẽ không thể đáp ứng kịp nhu cầu trong dịp Tết Trung Thu này sau khi các cơn bão liên tiếp đổ bộ vào Đài Loan đã làm sản lượng bị cắt giảm hơn 50%.

Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho biết, từ thập niên 1980 đến nay, Tết Trung Thu là lễ hội đồ nướng trên khắp Đài Loan (Trung Quốc). Và hàu là một trong những đồ nướng yêu thích trên bếp nướng liên hoan thường thấy trong mỗi dịp kỳ nghỉ lễ Tết Trung Thu hàng năm ở Đài Loan (Trung Quốc).

Tuy vậy, báo cáo của Hiệp hội Tiếp thị và sản xuất nhân giống hàu Chiayi – vùng nuôi trồng hàu trọng điểm ở miền Nam Đài Loan (Trung Quốc) mới đây cho thấy, hàu sẽ trở nên khan hiếm và đắt hơn khi thời điểm Tết Trung Thu đang đến gần. Theo Cơ quan quản lý nông nghiệp Chiayi, khoảng 35% trang trại nuôi hàu nổi trong khu vực và 25% trang trại nuôi hàu treo ở địa phương đã chịu một số thiệt hại do bão Doksuri và bão Haikui vừa qua.

Hiệp hội ngư dân Chiayi cho biết, do những cơn bão gần đây, giá hàu bóc vỏ đã lên tới xấp xỉ 315 Đài tệ (9,86 USD) mỗi kg, tăng khoảng 32 Đài tệ. Trong khi đó nông dân nuôi hàu cho biết sóng lớn đã phá hủy nhiều vùng nuôi hàu và 10 nhà hàng mới mở ở địa phương cũng đang gây áp lực về cầu đối với nguyên liệu hàu nướng.

Mặc dù là đảo nhưng hàng năm Đài Loan (Trung Quốc) vẫn nhập khẩu hàu cho tiêu dùng thị trường nội địa bởi hàu là một trong những món ăn yêu thích của người dân đảo này.

Đài Loan lo ngại thiếu nguồn cung hàu, cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu - Ảnh 2.

Việt Nam là đối tác cung ứng động vật thân mềm lớn thứ 5 cho Đài Loan (Trung Quốc), với hơn 2.477 tấn đã được xuất khẩu sang đảo này trong 7 tháng đầu năm.

Theo thống kê của Cơ quan quản lý Ngoại thương Đài Loan (BOFT), trong 7 tháng đầu năm nay, Đài Loan đã nhập khẩu về 32.295 tấn động vật thân mềm (HS0307: Molluscs, whether in shell or not, live, fresh, chilled, frozen, dried, salted or in brine; smoked molluscs, whether in shell or not, whether or not cooked before or during the smoking process) với kim ngạch nhập khẩu đạt 142,67 triệu USD, giảm 12,51% về lượng và giảm 8,58% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Nhật Bản là đối tác cung ứng nhóm sản phẩm này lớn nhất cho Đài Loan chiếm 27,56% tổng thị phần nhập khẩu. Kế đến là Trung Quốc đại lục (21,76% thị phần); Indonesia (14,08% thị phần).

Cũng theo thống kê của BOFT, Việt Nam là đối tác cung ứng động vật thân mềm lớn thứ 5 cho Đài Loan (Trung Quốc), với hơn 2.477 tấn đã được xuất khẩu sang đảo này trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,36 triệu USD, tăng 29,08% về lượng và tăng 15,88% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

Tại Việt Nam, Quảng Ninh là tỉnh xuất khẩu nhiều hàu nhất sang Đài Loan (Trung Quốc). Huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) có trên 4.300ha mặt biển và bãi triều, rất thuận lợi cho việc nuôi hàu Thái Bình Dương. Trong giai đoạn 2019 - 2020, gần 19.000 tấn hàu Thái Bình Dương của Vân Đồn đã được xuất sang thị trường Đài Loan.

Các yêu cầu kỹ thuật của phía Đài Loan đối với hàu ngày càng nghiêm ngặt. Để xuất sang thị trường này, phía Đài Loan yêu cầu các cơ sở bao gói, chế biến phải đáp ứng đủ những yêu cầu cụ thể.

Đối với cơ sở bao gói, chế biến xuất khẩu phải được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và được cấp mã số cơ sở xuất khẩu vào thị trường này.

Nguyên liệu hàu xuất khẩu phải lấy từ các cơ sở đáp ứng các điều kiện về ATTP. Đối với từng lô hàng xuất khẩu, phải được cấp giấy chứng thư trên cơ sở kết quả kiểm soát điều kiện đảm bảo ATTP trong toàn bộ quá trình sản xuất và lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng sản phẩm tại cơ sở chế biến thủy sản.

Nguyễn Phương