Clip: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV diễn ra thành công
Hiệu quả từ các chính sách dân tộc
Dự Đại hội có các đồng chí: Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La; Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La; Nông Thị Hà, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Về phía tỉnh Sơn La, dự Đại hội có các đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy; Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đình Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí trong tập thể Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh: Phú Thọ, Thanh Hóa, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố; lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, cùng 246 đại biểu đại diện 11 dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, tỉnh Sơn La có dân số trên 1,3 triệu người, với 12 dân tộc cùng chung sống; trong đó, trên 83,7% là người dân tộc thiểu số (DTTS) gồm: Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú, Xinh Mun, Kháng, Lào, La Ha, Tày, Hoa. Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Sơn La lần thứ III, năm 2019, vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Các chương trình, đề án tại địa bàn vùng DTTS trên các lĩnh vực được triển khai thực hiện đúng mục tiêu, địa bàn, đối tượng, phát huy hiệu quả.
Nhiều chính sách giảm nghèo, phát triển kinh tế ở vùng DTTS, như: Tín dụng ưu đãi hộ nghèo, công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề đã triển khai thực hiện hiệu quả. Chính sách an sinh xã hội bảo đảm; tính đến tháng 10/2024, toàn tỉnh hỗ trợ xóa 8.657 nhà tạm cho hộ đồng bào DTTS với số tiền trên 404 tỷ đồng; có 10/12 huyện, thành phố hoàn thành công tác xóa nhà tạm.
Sơn La huy động hàng trăm ngàn tỷ đồng từ các nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm và thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, sinh hoạt cho đồng bào vùng DTTS. Trong đó, chỉ tính riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ năm 2022 đến nay, đầu tư xây dựng 269 công trình giao thông, 94 công trình nước sinh hoạt tập trung, 115 công trình giáo dục, 2 trụ sở xã, 2 trạm y tế xã; sửa chữa 203 nhà văn hoá, 51 công trình thuỷ lợi…
Thông qua những chính sách, dự án cùng với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội vùng DTTS ngày càng phát triển; quốc phòng - an ninh luôn được giữ vững; bản sắc văn hoá luôn được duy trì và phát huy; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; khối đại đoàn kết giữa các dân tộc luôn được tăng cường. Phần lớn đồng bào các DTTS đã có chuyển biến về nhận thức, có ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong đồng bào DTTS. Toàn tỉnh có 3 huyện được công nhận thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 21,6% (năm 2019) xuống còn 11,1% (năm 2024).
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp các ý kiến tiếp tục làm rõ thêm những thành tựu đạt được trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh những năm qua; phản ánh kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; chia sẻ những cách làm hay, mô hình hiệu quả và nhiệm vụ công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong thời gian tới.
Tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Nông Thị Hà, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chúc mừng những kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La trong thời gian qua; đặc biệt biểu dương, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của đồng bào các DTTS đã chung sức, đồng lòng phát huy tiềm năng, thế mạnh, góp sức cùng nhân dân cả nước trong công cuộc đổi mới, phát triển.
Đồng chí đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, thực hiện phương châm hành động "không để ai bị bỏ lại phía sau". Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS…
Đồng chí mong muốn, đồng bào các DTTS quan tâm giáo dục con em; thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phấn đấu vượt khó, vươn lên thi đua phát triển kinh tế; chung tay bảo vệ an ninh trật tự, vun đắp tình hữu nghị, xây dựng vùng biên giới Việt – Lào bình yên, phát triển; kiên quyết bài trừ các hủ tục lạc hậu; cùng nhau giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, phát biểu tại Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Quốc Khánh đề nghị cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội và đồng bào các DTTS trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững niềm tin với Đảng, Nhà nước; tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chủ động đấu tranh với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.
Mỗi gia đình và cộng đồng DTTS cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chịu khó học hỏi trau dồi kiến thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo bền vững, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; chú trọng công tác giáo dục và đào tạo, nâng cao trình độ dân trí. Triển khai thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện các giải pháp bảo tồn, duy trì và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các DTTS; xây dựng đề án khôi phục các trang phục truyền thống, gìn giữ tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong đồng bào DTTS, xây dựng lực lượng nòng cốt ở địa phương, cơ sở. Tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở vùng đồng bào DTTS vững mạnh; quan tâm công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ DTTS tại chỗ có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2024-2029 Tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung các xã, thôn, bản khó khăn; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS còn nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù. Khai thác tiềm năng, thế mạnh từng vùng, địa phương thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững; phấn đấu từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng và giữa các dân tộc.
Nhân dịp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen 1 tập thể, 5 cá nhân; tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc" 1 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen 9 tập thể, 42 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2019-2024. Đại hội cũng đã phát động phong trào thi đua về công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc giai đoạn 2024-2029; thông qua Quyết tâm thư của Đại hội.