Hải sâm hay còn gọi là dưa chuột biển (sea cucumber) bởi thân hình của nó giống y hệt quả dưa chuột. Dưa chuột thường có giá dưới 3 USD (khoảng 60.000 đồng) một kg. Nhưng dưa chuột biển giá có thể tới hơn 3.000 USD (gần 70 triệu đồng).
Thậm chí, hải sâm Nhật có giá lên tới 3.500 USD/kg, với hình thù càng kỳ dị giá càng cao.
Thực tế, hải sâm giá trị cao tới mức nhiều người liều mạng để săn bắt chúng.
Hải sâm là loài động vật đặc biệt, không có các chi cũng không có mắt. Hàng thế kỷ qua, hải sâm luôn là đặc sản đắt giá ở các nước châu Á.
Các tầng lớp nhà giàu thường ăn hải sâm vì có nhiều chất dinh dưỡng.
Hiện nay, cơn sốt hải sâm bùng nổ trên khắp thế giới. Khoảng thập niên 1980, nhu cầu tiêu thụ hải sâm tăng mạnh. Tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc cũng bắt đầu có khả năng mua và ăn hải sâm.
Ngày nay, hải sâm thường được sấy khô và đóng gói rất đẹp. Chúng trở thành một món quà hoặc đồ ăn trong dịp đặc biệt. Ngoài hình thù đặc biệt, hải sâm càng nhiều gai thì càng đắt.
Hải sâm có chứa một lượng hóa chất gọi là glycosaminoglycan trong da, và mọi người trên khắp châu Á đã sử dụng để điều trị các vấn đề về khớp như viêm khớp trong nhiều thế kỷ. Gần đây ở Châu Âu, mọi người đang sử dụng nó để điều trị một số bệnh ung thư và giảm thiểu máu đông.
Bặt theo xu thế, các quốc gia đã kêu gọi thu hoạch tối đa nguồn dưa chuột biển tại địa phương của họ. Từ Morocco đến Mỹ, mọi người đều muốn tham gia buôn bán hải sâm.
Khi nhu cầu tiếp tục tăng, vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Trong số 70 loài hải sâm bị khai thác, 7 loài hiện đang được phân loại là có nguy cơ tuyệt chủng, buộc nhiều ngành thủy sản trên toàn thế giới phải đóng cửa và gây thiệt hại cho nền kinh tế địa phương.