Cây thị cổ đã gắn liền với đời sống của bà con người Thái ở thung lũng Mai Châu. Giờ đây, "cụ thị" được bà con bảo vệ như vật báu trong nhà. Ngày ngày họ tưới nước, chăm sóc cây thị cổ. Cách đây 4 năm, bà con người Thái đã vinh dự đón nhận bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây thị hơn 700 năm và lễ chuyển bát hương đền làng Bôn tại xã Chiềng Châu.
Cụ thị này có từ bao giờ, ngay cả những người già trong bản cũng chỉ biết: Đời các cụ sinh ra đã có cây thị khổng lồ này rồi. Rừng lim, rừng nghiến, rừng pơ mu ngày trước bạt ngàn, giờ đã bị người dân nơi đây tàn phá cả. Riêng cây thị khổng lồ này chưa ai dám đụng dao đến.
Cư dân người Thái cho rằng: Đây là cây thị gọi hồn. Bất cứ một thầy cúng nào của người Thái dù ở Điện Biên, Lai Châu hay Sơn La thậm chí bên nước bạn Lào xa xôi, trước khi cúng đều phải gọi hồn từ cây thị bản Mỏ. Nó là một thủ tục bắt buộc.
Cụ Lường Quang Xuân ở bản Mỏ, từ nhiều năm nay đã dày công đi khắp nơi để tìm sử liệu về cây thị này. Khi hỏi về cây thị bản Mỏ, cụ Xuân kể: Cây thị này đã tồn tại ở đất này nghìn năm rồi. Ngày xưa giặc dã tràn qua đây, chúng đã đi nùng khắp nơi để bắt các nghĩa quân dấy cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ tàn ác của chúng. Bắt được ai là chúng xử trảm rồi mang thủ cấp về cây thị bản Mỏ treo lên đó để thị uy.
Chúng còn treo giải cao, hễ ai bắt được người nào mang đầu về đây là có thưởng hàng chục đồng bạc trắng. Nghe đâu số đầu nâu treo trên cây thị này có vài nghìn chiếc. Nó rơi thành từng đống trên cánh đồng của xã Chiềng Châu. Máu nhuộm đỏ cả một vùng. Mỗi khi người dân đi qua đây đều vô cùng căm phấn trước tội ác dã man của lũ giặc. Bao oán hờn đã chất thành núi.
Đến thời Pháp thuộc, chúng cũng tiếp tục bắt bớ và chém giết người vô cớ rồi cắt đầu treo lên cây thị này. Gốc thị từng nhuốm máu đào của bao chí sĩ yêu nước. Giờ đây đống sọ người đã được bà con chuyển đi cả. Phía dưới gốc cây thị là cánh đồng lúa đang thời kì con gái xanh mơn mởn.
Sau khi đánh đuổi được lũ giặc tàn bạo, những gia đình có người thân bị chúng chém đầu đều tìm về đây để tìm xác. Tuy nhiên, họ đứng trước hàng nghìn chiếc đầu người đó, không ai dám nhận đâu là người nhà mình cả. Phong tục của người Thái là phải nhận đúng xác người nhà mình mới được gọi hồn nhập vào bàn thờ chính. Đây là lý do giải thích vì sao, khi gọi hồn người Thái thường phải bắt nguồn từ cây thị cổ này.