dd/mm/yyyy

Chuyển đổi số tạo bước đột phá trong giáo dục ở Lào Cai

Chuyển đổi số đang trở thành một yêu cầu tất yếu khách quan gắn liền với sự phát triển bền vững của mỗi ngành, nghề trong xã hội... Do đó, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã và đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng để đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập.

Video: Ứng dụng công nghệ 3D trong dạy và học tại Trường THCS Bắc Cường, TP. Lào Cai giúp các em học sinh yêu môn học hơn.

Bước đột phá trong chuyển đổi số ngành giáo dục ở Lào Cai

Thực hiện Nghị quyết số 20 -NQ/TU ngày 17/1/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh Lào Cai về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Giáo dục; kiện toàn Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Giáo dục, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; tổ chức hội nghị, hội thảo triển khai kế hoạch nâng cao chỉ số chuyển đổi số gắn với nâng cao cải cách hành chính của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, với 100% đơn vị có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.

Đồng thời, ban hành quy chế quản lý và sử dụng hồ sơ điện tử; các văn bản, hướng dẫn về thực hiện, triển khai chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục; tổ chức hướng dẫn các cơ sở giáo dục đánh giá về mức độ chuyển đổi số theo bộ tiêu chí của Bộ GD&ĐT.

Chuyển đổi số tạo bước đột phá trong giáo dục ở Lào Cai - Ảnh 1.

Tiết học Lịch sử ứng dụng công nghệ thực thế ảo của Trường THCS Bắc Cường (TP. Lào Cai). Ảnh: Xuân Hường.

Là một trong những điểm sáng về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của tỉnh Lào Cai, ngành Giáo dục TP. Lào Cai đã có nhiều cách làm hay như phát triển hạ tầng số, nền tảng số đảm bảo an toàn an ninh mạng và phát triển nguồn nhân lực.

Bà Trần Thị Thuỳ Dung, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Lào Cai cho rằng: Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục đã góp phần thay đổi phương thức quản lý, thao tác các công việc qua môi trường số nhịp nhàng, hiệu quả, nhanh gọn, tiết kiệm thời gian hơn.

Đặc biệt, từ khi ra mắt phần mềm hệ điều hành thông minh vào đầu năm 2023 đã giúp ích rất nhiều trong việc theo dõi cập nhật tỷ lệ chuyên cần, chất lượng, tiến độ cho điểm số của học sinh các trường trên địa bàn thành phố.

Chuyển đổi số tạo bước đột phá trong giáo dục ở Lào Cai - Ảnh 2.

Mô hình điều hành thông minh của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Lào Cai. Ảnh: Mùa Xuân.

Chuyển đổi số tạo bước đột phá trong giáo dục ở Lào Cai - Ảnh 3.

Mô hình điều hành thông minh của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Lào Cai giúp người quản lý ngành giáo dục theo dõi, cập nhật về thông tin tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Ảnh: Mùa Xuân.

Nói về ứng dụng hệ điều hành thông minh, thầy giáo Nguyễn Xuân Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Bắc Cường, TP. Lào Cai thông tin: Hiện trường có 28 lớp, với gần 1.220 học sinh. Hiện nay, nhà trường đang thí điểm mô hình ứng dụng hệ điều hành thông minh do Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Lào Cai triển khai. 

Việc áp dụng mô hình này đã mang lại những hiệu quả trong công tác quản lý giáo viên, học sinh, giảm bớt thủ tục hành chính thủ công, nhân lực như trước đây. Giúp người quản lý giáo dục nhà trường có quyết định kịp thời khi có biến động về số lượng học sinh lên lớp hàng ngày.

Đặc biệt, thông qua hệ điều hành này việc đánh giá, chấm điểm cho học sinh giữa các lớp, sự tiến bộ, yếu kém của từng học sinh được vẽ lên bởi biểu đồ qua từng tháng, năm học. Từ việc theo dõi qua hệ thống này, cán bộ, giáo viên sẽ nắm được năng lực của học sinh ở lớp đó và có giải pháp can thiệp kịp thời cho các em học sinh.

Chuyển đổi số tạo bước đột phá trong giáo dục ở Lào Cai - Ảnh 4.

Ứng dụng phần mềm thiết kế hình ảnh trong giờ dạy Mỹ thuật của cô giáo Nguyễn Thu Hà, Trường THCS Bắc Cường, TP. Lào Cai. Ảnh: Xuân Hường.

Cô giáo Nguyễn Lan Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 7D, Trường THCS Bắc Cường, TP. Lào Cai, chia sẻ: Hiện nay, tôi đang áp dụng các phần mềm VNEDU, OLM để quản lý học sinh, hồ sơ, điểm số, tránh sai sót trong điểm số. Điểm nhấn trong hệ điều hành quản lý chính là việc kết nối giữa gia đình và giáo viên để nắm bắt được việc học tập của con mình thông qua phần mềm liên kết.

Thầy giáo Phan Như Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Mường Khương, huyện Mường Khương (Lào Cai) cho hay: Hiện nay, đối với việc quản lý trường học, nhà trường đang sử dụng phần mềm ứng dụng hệ sinh thái của VNEDU trong khai thác quản lý sổ điểm, sổ đầu bài, học bạ, kiểm tra đánh giá.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đối với giáo dục vùng cao biên giới Mường Khương đang giúp cho công tác quản lý, dạy và học tốt hơn. Từ đó chất lượng chuyên môn của giáo viên, học sinh cũng ngày càng được nâng lên.

100% các trường ứng dụng công nghệ thông tin dạy và học

Đến nay, 593/593 các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh đã sử dụng phần mềm quản lý nhà trường VNEDU do VNPT Lào Cai và phần mềm SMAS do Viettel cung cấp để quản lý, số hóa thông tin về trường, lớp, học sinh, đội ngũ, cơ sở vật chất,...; quản lý hồ sơ điện tử của học sinh, giáo viên.

100% trường Tiểu học, THCS, THPT triển khai số hóa hồ sơ còn gọi là hồ sơ số; đối với nhà trường có học bạ, sổ theo dõi và đánh giá học sinh theo lớp học, sổ đăng bộ; đối với giáo viên có sổ theo dõi và đánh giá học sinh.

Ngành Giáo dục tỉnh Lào Cai cũng khuyến khích các trường triển khai quản lý các loại hồ sơ trên nền tảng quản lý nhà trường như: Sổ ghi đầu bài, sổ chủ nhiệm đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp, kế hoạch bài dạy giáo án; cung cấp các dịch vụ thông tin liên lạc, trao đổi giữa nhà trường với phụ huynh học sinh... Riêng cấp Tiểu học đang triển khai thí điểm học bạ số theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Chuyển đổi số tạo bước đột phá trong giáo dục ở Lào Cai - Ảnh 5.

Bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyển đổi số cho cán bộ quản lý các trường Mầm non, phổ thông. Ảnh: Phạm Huệ.

Đối với việc chuyển đổi số trong dạy và học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo giáo viên sản xuất bài giảng số dùng chung, mỗi giáo viên thực hiện tối thiểu 1 bài/học kỳ. Tổ chức tập huấn, lựa chọn các giải pháp học trực tuyến như: Shubclassrom, Zoom Cloud Meetting, Microsoft Teams,...; sử dụng linh hoạt các ứng dụng zalo, Email, Facebook, Messenger,... để tương tác với học sinh.

Triển khai dạy học trên nền tảng số để hướng dẫn học sinh tự học, đặc biệt quản lý, giám sát quá trình học tập của học sinh, nhằm phát huy năng lực cá nhân hóa của học sinh đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tích cực sử dụng thí nghiệm ảo, phần mềm mô phỏng, học liệu số để tổ chức dạy học nhằm đổi mới phương pháp dạy học, thay thế các thiết bị, thí nghiệm thực hành còn thiếu hoặc mất an toàn cho học sinh.

100% giáo viên có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; tổ chức được hơn 1.900 giờ học kết nối cấp Tiểu học, THCS và cấp THPT về hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học, hỗ trợ ôn thi tốt nghiệp THPT, 860 số bài học hoặc nội dung được hỗ trợ dạy học qua hệ thống LMS đạt 10,2% số học sinh có tài khoản trên hệ thống LMS tham gia học.

Về quy mô trường, lớp, học sinh và trẻ em được tiếp cận, học môn Tin học toàn tỉnh đạt 74,36%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 82/82; thủ tục hành chính đạt 100%; 100% hồ sơ được cập nhật thông tin xử lý trên phần mềm một cửa điện tử VNPT iGate. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị, thành phố và 100% cơ sở giáo dục thực hiện quản lý hồ sơ công việc trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành (VNPT-iOffice)...

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho giáo dục Lào Cai 

Chia sẻ với phóng viên Báo NTNN/điện tử Dân Việt về công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết: Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số được ngành Giáo dục tỉnh Lào Cai xác định là nhiệm vụ rất quan trọng, tạo bước đột phá trong giáo dục.

Do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đang xác định chuyển đổi số đối với 3 trụ cột chính đó là quản trị số, giáo dục nền tảng số và giao tiếp số.

Đối với quản trị số, hiện nay các trường thực hiện việc quản lý hồ sơ trên nền tảng phần mềm do VNPT cung cấp. Các trường sử dụng Module, sổ đầu bài, báo giảng tại các trường THPT, thí điểm thành công cho các trường tiểu học.

Giáo dục nền tảng số, tiếp cận dạy học trên nền tảng số đó là kết hợp giữa dạy trực tiếp và trực tuyến một cách mềm mại hơn, hiệu quả hơn từ cấp tiểu học cho đến THPT đến các bài học chung. Các thầy, cô giáo tự quay video bài giảng, bài tập và sau đó sẽ có tổ chuyên môn, giáo viên cốt cán thẩm định.

Đối với giao tiếp trong nền tảng số các cơ quan với các cơ quan liên quan khác bằng hệ thống văn bản iOffice nên việc tiếp cận các văn bản trở nên dễ dàng hơn.

Chuyển đổi số tạo bước đột phá trong giáo dục ở Lào Cai - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai (phải) chia sẻ với phóng viên Báo NTNN/điện tử Dân Việt về công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai Nguyễn Minh Thuận, bước đột phá trong chuyển đổi số ngành Giáo dục tỉnh chính là khai phá dữ liệu đã góp phần giảm thủ tục hành chính, nhân lực so với trước đây. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã giúp ích rất nhiều cho cán bộ, giáo viên, học sinh. 

Nhất là công tác quản lý, giảng dạy và chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên. Đồng thời, nhiều cán bộ, giáo viên tại các đơn vị trường đã có nhiều sáng tạo, cách làm hay, với nhiều phần mềm sinh động trong ứng dụng dạy và học thu hút học sinh học hơn. Kết nối giữa gia đình và giáo viên, học sinh cũng gắn kết chặt chẽ hơn, giúp cả giáo viên, phụ huynh nắm bắt kịp thời tâm sinh lý cũng như năng lực học của học sinh.

Chuyển đổi số tạo bước đột phá trong giáo dục ở Lào Cai - Ảnh 7.

Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số giúp nâng cao chất lượng học tập của các em học sinh. Ảnh: Phạm Huệ.

Thực tế chuyển đổi số trong ngành Giáo dục tại tỉnh Lào Cai cho thấy đây là cơ hội tốt đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh toàn ngành trong việc tiếp cận công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, giảng dạy và học tập. Thế nhưng công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vẫn còn một số khó khăn, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa chưa phủ sóng 4G, địa bàn xa trung tâm, nhiều học sinh ở vùng khó khăn thiếu thiết bị thông minh, không có internet hoặc đường truyền internet không đảm bảo để tham gia học trực tuyến.

Bên cạnh đó, chưa có nhà cung cấp nào xây dựng được hệ sinh thái đồng bộ các chức năng chuyển đổi số về lĩnh vực giáo dục; nguồn lực quản lý, điều hành các phần mềm tại các cơ sở giáo dục, ngân sách đầu tư chuyển đổi số còn hạn hẹp; việc đồng bộ cơ sở dữ liệu các chức năng về lĩnh vực chuyển đổi số còn gặp khó khăn; hạ tầng thiết bị công nghệ chưa được đầu tư đồng bộ để đáp ứng nhu cầu thực tế của chuyển đổi số. 

Do vậy, ngành Giáo dục tỉnh Lào Cai mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo có kho dữ liệu thô tổng thể liên ngành, liên cơ quan riêng cho các phòng giáo dục của các huyện, thị, thành phố để người quản lý nắm bắt được tính dự báo; cần có hướng dẫn chi tiết về chuyển đổi số trong ngành, trong đó ưu tiên tài liệu giảng dạy, cơ chế hợp tác về thúc đẩy chuyển đổi số; cần có chế độ đãi ngộ cho cán bộ phụ trách, kiêm nhiệm mảng công nghệ thông tin bởi công việc của người phụ trách rất lớn, áp lực...



Mùa Xuân