dd/mm/yyyy

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đối thoại với nông dân

Chiều qua (11/3) tại Hội trường trung tâm Hội nghị Văn hóa tỉnh Lai Châu đã diễn ra cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa ông Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu với các cán bộ Hội Nông dân, hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh.

Dự và tham gia buổi đối thoại có ông Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu; ông Mùa A Trừ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, ông Nguyễn Sĩ Cảnh - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, cơ quan Hội Nông dân tỉnh và gần 200 đại biểu đại diện cán bộ Hội Nông dân các huyện, thành phố, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, các chủ thể sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đối thoại với nông dân  - Ảnh 1.

Tham dự buổi đối thoại có đại diện lãnh đạo Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, một số ban đảng, sở, ngành liên quan trong tỉnh. (Ảnh: Phạm Hoài)

Các câu hỏi, kiến nghị của cán bộ hội, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, các chủ thể OCOP tập trung vào các nội dung như: Giải pháp hỗ trợ vốn, thị trường để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; hỗ trợ, duy trì sản phẩm OCOP đã được công nhận; khuyến cáo cụ thể đối với việc chăn nuôi lợn quy mô hộ gia đình; hỗ trợ cho người nuôi ong; tìm đầu ra cho sản phẩm khoai sọ tại một số xã của huyện Phong Thổ…

Ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã trả lời trực tiếp từng câu hỏi của đại biểu nêu ra. Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu chia sẻ: "Đối với phát triển cây chè, lâu nay bà con nông dân chỉ quan tâm phát triển số lượng, sản xuất ra và bán sỉ. Nhiều trường hợp bán qua trung gian, không có thương hiệu sản phẩm. Có những doanh nghiệp, chủ hộ có thương hiệu nhưng thương hiệu đó chỉ được biết đến trong tỉnh, không bán được nhiều, vì không đầu tư sâu vào mẫu mã sản phẩm, quảng bá thương hiệu. Trong khi sản phẩm chè của các tỉnh đã có nhiều thị trường đầu ra khác nhau, thì tỉnh ta vẫn chỉ ở một số thị trường truyền thống. 

Vấn đề quan trọng của chúng ta là phải đa dạng hóa thị trường, tìm đầu ra đến tận người mua và giảm bớt khâu trung gian, nếu đầu ra không đa dạng thì dễ bị tắc nghẽn không tiêu thụ được. Vậy nên đối với trồng chè, chế biến sâu phải áp dụng cơ chế thị trường, doanh nghiệp nào có năng lực thì liên hệ với người dân chứ không khoanh vùng nữa. Đồng thời, phải kiểm soát chất lượng, liên kết với doanh nghiệp mạnh để phát triển thương hiệu. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng luôn đồng hành với người dân, hộ gia đình, hợp tác xã để cùng tìm đầu ra cho sản phẩm chè".

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đối thoại với nông dân  - Ảnh 2.

Ông Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp đối thoại với cán bộ, hội viên, nông dân tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Phạm Hoài)

Trả lời các câu hỏi của cán bộ hội, các chủ thể sản phẩm OCOP trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: Hiện toàn tỉnh có 106 sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm tốt. Tuy nhiên, cần phải có nhiều giải pháp để cải thiện sản phẩm OCOP như: Đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, bao bì phải có hướng dẫn sử dụng, phải thiết lập mặt bằng giá mới, thiên về chất lượng, giá trị và uy tín của sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ quảng bá các sản phẩm OCOP bằng cách " cùng đi, cùng bán '' với các hộ dân, hỗ trợ chuyển đổi số, công nghệ thông tin để đưa sản phẩm các trang thương mại điện tử.

Đối với chăn nuôi, trồng trọt, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho rằng, cần phải sản xuất theo xu hướng liên kết, liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã thành một tập thể mạnh, thành một chuỗi để bao tiêu sản phẩm, chuyển giao kỹ thuật. Với nuôi ong cũng phải xây dựng được những nhóm cộng đồng làm ong ở từng khu vực, không liên kết nhỏ lẻ, phải cải thiện mẫu mã, khuyến khích các đầu tàu có kinh nghiệm nuôi ong liên kết với nhau tìm đầu ra thành nơi sản xuất. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đối thoại với nông dân  - Ảnh 3.

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Lai Châu giải đáp các thắc mắc về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh. (Ảnh: Phạm Hoài)

Tại cuộc gặp gỡ, đối thoại, các đại biểu cũng đã được nghe lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Khoa học và công nghệ phát biểu làm rõ về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất  nông nghiệp, phát triển rừng bền vững theo Nghị quyết số 07 và 08/2021/NQ-HĐND của HĐNH tỉnh Lai Châu; về mẫu mã các sản phẩm OCOP, cách bán hàng, thương mại điện tử…

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đối thoại với nông dân  - Ảnh 4.

Ông Phạm MInh Phương - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Đường đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để doanh nghiệp, người dân được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. (Ảnh: Phạm Hoài)

Phát biểu kết luận buổi đối thoại, ông Trần Tiến Dũng, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao các ý kiến, câu hỏi của cán bộ, hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đối thoại với nông dân  - Ảnh 5.

Ông Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu (ngoài cùng bên trái) cùng với ông Mùa A Trừ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu (ngoài cùng bên phải) và các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP tại buổi đối thoại. (Ảnh: Phạm Hoài)

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Hội Nông dân tỉnh, các đơn vị có liên quan để tổ chức thành công cuộc đối thoại này. Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu bày tỏ mong muốn, cuộc đối thoại sẽ được tổ chức thường niên để chính quyền tỉnh được nghe các ý kiến đóng góp của đại biểu qua các kênh thông tin. Qua đó giúp lãnh đạo UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo điều hành, các ngành của UBND tỉnh làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của tỉnh đến với người dân.

Thanh Ngân-Phạm Hoài