Cùng dự buổi làm việc về phía trung ương có: ông Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, lãnh đạo một số Bộ, ban ngành.
Tiếp và làm việc với đoàn công tác của Chủ tịch nước về phía tỉnh Lai Châu có: Bà Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu; ông Lê Văn Lương - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu; ông Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư- Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu và một số sở, ban ngành tỉnh Lai Châu.
Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Lương - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu đã báo cáo với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Trung ương về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị và cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh Lai Châu từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, ước năm 2022 tốc độ tăng trưởng đạt 7,7%; GRDP bình quân đầu người đạt 47,9 triệu đồng, bằng 73,7% Nghị quyết Đại hội; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 15,26%, công nghiệp - xây dựng chiếm 38,63%, dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 46,11%. Ước năm 2022 giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt trên 5%; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 225.000 tấn, bằng 99,6% Nghị quyết Đại hội.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến hết tháng 10/2022 đạt 1.833 tỷ đồng; ước năm 2022 đạt 2.250 tỷ đồng, bằng 75% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm thực hiện; hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, đội ngũ cán bộ y tế được quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ. Chất lượng giáo dục được nâng lên, quy mô trường, lớp và học sinh đều tăng qua các năm học Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xúc tiến thu hút đầu tư được tỉnh quan tâm, triển khai quyết liệt. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, quan hệ đối ngoại được duy trì và mở rộng, ngày càng đi vào chiều sâu. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.
Trong buổi làm việc, Tỉnh ủy Lai Châu kính đề nghị Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quan tâm Báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét một số nội dung như: Xem xét không thực hiện tinh giản biên chế cơ học 10% đối với viên chức sự nghiệp y tế, giáo dục; đồng thời giao bổ sung số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục để đảm bảo định mức nhân viên y tế và giáo viên theo quy định. Đề nghị Trung ương ban hành chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tổng thể của Trung ương và của từng vùng, địa phương, tạo điều kiện cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa như Lai Châu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đề nghị đồng chí Chủ tịch nước quan tâm Báo cáo Bộ Chính trị chỉ đạo Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương: Sớm ban hành Đề án thí điểm nuôi trồng dược liệu dưới tán rừng (nhất là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng), Đề án phát triển cây Sâm Việt Nam, trong đó có Sâm Lai Châu Đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh trong việc tìm kiếm nhà đầu tư, đối tác có công nghệ chế biến sâu đất hiếm tiên tiến và thị trường tiêu thụ sản phẩm sau khai thác; Ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư cho các tỉnh trong Vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, nhất là các tỉnh khó khăn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn cân đối của ngân sách Trung ương như Lai Châu.
Thảo luận tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành Trung ương đã tập trung vào một số nội dung như: Bộ NN&PTNT sẽ có chương trình hỗ trợ tỉnh Lai Châu tập trung phát triển kinh tế dưới tán rừng không chỉ về phát triển Sâm Lai Châu và dược liệu dưới tán rừng mà còn phát triển toàn diện các lĩnh vực liên quan đến rừng.
Đặc biệt, việc phát triển Sâm Lai Châu phải lấy người dân làm trung tâm, hướng tới sự phát triển bền vững, sâm Lai Châu không chỉ là dược liệu mà phải là dược phẩm, mỹ phẩm… Phối hợp với tỉnh Lai Châu thu hút doanh nghiệp phát triển các sản phẩm từ sâm và tạo đầu ra bền vững cho thị trường Sâm Lai Châu. Bố trí kinh phí duy trì các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến lĩnh vực Y tế; tỉnh Lai Châu phối hợp với Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT phát triển diện tích vùng dược liệu, đặc biệt là cây Sâm Lai Châu.
Nâng cao tỷ lệ Trạm Y tế có bác sĩ, nâng cao chất lượng, tỷ lệ người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế. Tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh biên giới, an ninh nội địa, chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống tội phạm ma túy; phát huy vai trò của lực lượng Công an xã trong công tác đảm bảo ANTT. Tập trung lưu giữ bản sắc các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc chỉ có ở Lai Châu; tập trung kết nối, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Có chiến lược nâng cao chất lượng đào tạo nghề vùng dân tộc thiểu số; tập trung xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy vai trò MTTQ các cấp trong xây dựng Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả đã đạt được sau 20 chia tách, tỉnh đã có bước phát triển kinh tế nhanh, toàn diện cũng như công tác chuẩn bị của tỉnh Lai Châu cho ngày hội đại đoàn kết, hội chợ Sâm Lai Châu và buổi làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đồng thời nhấn mạnh, Lai Châu có vị trí đặc biệt chiến lược đặc biệt quan trọng, tuy nhiên tỉnh vẫn nằm trong những tỉnh khó khăn nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo cao. Tỉnh cần, phát triển nông nghiệp chất lượng cao gắn với thương hiệu nâng giá trị sản phẩm; khuyến khích mô hình nông lâm nghiệp thông minh, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phát huy tính bản địa trong các sản phẩm địa phương; liên kết sản xuất, củng cố mô hình phát triển kinh tế. Tiếp tục phát triển thương mại dịch vụ và kinh tế cửa khẩu. Đặc biệt, phải có chiến lược phát triển Sâm Lai Châu bền vững, hiệu quả, mở ra hướng thoát nghèo, phát triển kinh tế cho người dân.
Tập trung hoàn thiện công tác quy hoạch có tầm nhìn xa; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, khơi dậy tinh thần tự cường, vươn lên mạnh mẽ của người dân. Thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa, xây dựng những sản phẩm đặc trưng. Chú trọng bảo vệ, chăm sóc phát triển rừng bền vững. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có tâm, có tiềm lực gắn bó lâu dài với Lai Châu. Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Trên cơ sở những kiến nghị của tỉnh Lai Châu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Văn phòng Chủ tịch nước chuyển những kiến nghị của tỉnh Lai Châu đến các bộ, ngành, trong đó đặc biệt ưu tiên giải quyết việc xây dựng đường hầm đường bộ từ Lào Cai sang Lai Châu. Chủ động tháo gỡ các khó khăn để việc khai thác đất hiếm trên địa bàn được thực hiện hiệu quả.
UBND tỉnh Lai Châu cần phối hợp với các bộ ngành trung ương xây dựng chương trình hoạt động để phát huy các tiềm năng lợi thế của tỉnh. Gieo vào lòng dân, ý thức, tinh thần tự cường và khát vọng vươn lên trong phát triển kinh tế tỉnh nhà.