dd/mm/yyyy

Chủ động phòng ngừa - bớt lo thiên tai

Theo thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay, khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn, trong đó 8 đợt gây thiệt hại nghiêm trọng về nhà ở với khoảng 54.000 nhà sập, hư hại, tốc mái. Tính đến ngày 30/6/2020, thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 610 tỷ đồng.

Mưa lũ ngày càng phức tạp

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, từ ngày 10 - 12/7, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xảy ra mưa lớn kéo dài trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề về hoa màu và cơ sở hạ tầng giao thông trong tỉnh.

Chủ động phòng ngừa - bớt   lo thiên tai  - Ảnh 1.

Một điểm sạt lở trên địa bàn xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: K.N

Cụ thể, tại các xã Khun Há, Hồ Thầu, Bản Hon của huyện Tam Đường, mưa lớn đã gây sạt lở đất, vùi lấp hơn 2.000m2 lúa, ngô của người dân. Tại tuyến Tỉnh lộ 133 nối xã Noong Hẻo và các xã vùng thấp huyện Sìn Hồ với Quốc lộ 32 xuất hiện 2 điểm sạt lở lớn tại km 50+050 và km 64+00, khối lượng gần 40.000m3. Trên các tuyến tỉnh lộ 135, 136 xuất hiện 4 điểm sạt lở, lún sụt, sói lở mặt đường với lượng đào đắp hàng nghìn mét khối.

Mưa lũ ở Lai Châu những ngày qua chỉ là một trong số rất nhiều hình thức thiên tai xảy ra trên địa bàn khu vực miền núi phía Bắc. Theo ông Mai Xuân Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mưa lớn thời gian qua chủ yếu do tác động của biến đổi khí hậu, mưa dồn dập trong thời gian ngắn, nên rất dễ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

Báo cáo tại hội nghị phòng chống thiên tai khu vực phía Bắc năm 2020 tổ chức tại Lào Cai ngày 13/7, ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn, trong đó 8 đợt trên diện rộng; đặc biệt mưa đá ngay trong đêm giao thừa và sáng mùng 1 Tết Nguyên đán, một hiện tượng dị thường rất hiếm gặp. 

Cùng với đó là 2 trận lũ quét, sạt lở đất; 12 trận động đất, trong đó trận động đất vào hồi 13 giờ 12 ngày 16/6/2020 với độ lớn 4,9 (rủi ro thiên tai cấp độ 4) tại Mường Tè, Lai Châu.

Hậu quả thiên tai từ đầu năm đến 9/7/2020:

19 người chết, 79 người bị thương

1.618 nhà sập, 52.015 nhà bị hư hại, tốc mái

10.009 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại

Tổng thiệt hại ước tính 610 tỷ đồng

Tính đến ngày 9/7/2020, thiên tai đã làm 19 người chết, 79 người bị thương; 1.618 nhà sập, 52.015 nhà bị hư hại, tốc mái; 10.009ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính là 610 tỷ đồng.

Đơn cử như trên địa bàn tỉnh Yên Bái, từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn tỉnh xuất hiện 8 đợt thiên tai do dông lốc, mưa đá đã gây thiệt hại về người, tài sản, nhà cửa của người dân. 

Cụ thể, thiên tai đã làm 1 người chết, 15 người bị thương; 15 ngôi nhà bị sập đổ, trôi hoàn toàn; 6.157 ngôi nhà bị tốc mái, ảnh hưởng; thiệt hại 1.163ha sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp; 1.243 con gia súc, gia cầm; 38 công trình cơ sở hạ tầng bị tốc mái, hư hỏng... Ước tính thiệt hại khoảng 49 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình hình thời tiết, thiên tai những tháng cuối năm 2020 vẫn hết sức phức tạp. 

Dự báo mưa lũ tập trung vào tháng 8 đến giữa tháng 10; đỉnh lũ lớn nhất trên các sông suối từ tháng 7-10 phổ biến ở mức báo động 1-2. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc.

Chủ động phòng ngừa - bớt   lo thiên tai  - Ảnh 3.

Nhà dân tại huyện xã Nà Tăm (Tam Đường, Lai Châu) đổ sập do mưa lớn những ngày qua. Ảnh: V.O.V

"Với nhiều đặc điểm tương đồng với khu vực phía Nam Trung Quốc, nhất là trong điều kiện vừa trải qua thời kỳ nắng hạn kéo dài, nguy cơ về xuất hiện mưa, lũ lớn tại khu vực miền núi phía Bắc tương tự như đang xảy ra tại Trung Quốc là rất lớn và cần được quan tâm đặc biệt" - ông Hoài nhấn mạnh.

Ông Hoài cũng đặc biệt lưu ý về hình thái thiên tai động đất, bởi theo nhận định của Viện Vật lý địa cầu, thời gian tới động đất có thể tiếp tục xảy ra, cường độ lớn nhất tại các tỉnh Đông Bắc có thể đến cấp 7; Tây Bắc cấp 8, thậm chí cấp 9 (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La...). Đây là tình huống hết sức nguy hiểm.

Tăng cường năng lực dự báo

"Bài học từ các địa phương cho thấy, chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, tuyên truyền, nâng cao năng lực cho lực lượng tại chỗ trong phòng chống, ứng phó thiên tai thì hậu quả do thiên tai gây ra sẽ bớt nặng nề".

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp -

Thứ trưởng Bộ NNPTNT

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, với diễn biến của thiên tai trong khu vực thời gian qua, cùng với dự báo cho mùa thiên tai trọng điểm từ nay đến cuối năm, các địa phương cần chủ động ứng phó với các kịch bản bất lợi nhất có thể xảy ra, trong đó tập trung đảm bảo an toàn trước nguy cơ xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo; vận hành an toàn hồ chứa, đặc biệt là các hồ xung yếu.

Cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương chỉ đạo kiểm tra, rà soát công tác đảm bảo an toàn khu dân cư ven sông, suối; thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt khi mưa lớn; khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất; các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản trong mùa mưa lũ. 

Kiên quyết xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tránh để xảy ra sạt lở, sập hầm cũng như việc người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ dẫn đến các sự cố đáng tiếc như đã xảy ra trong một số năm vừa qua.

Phê duyệt kịch bản, sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị; đảm bảo kịp thời tiếp cận ứng cứu khi có tình huống xảy ra, nhất là lũ quét, sạt lở đất trên phạm vi rộng, gây chia cắt; không để bị động bất ngờ, ngay cả khi xảy ra tình huống mưa lũ đặc biệt lớn như hiện nay tại một số các quốc gia trong khu vực.

Ông Hiệp cũng đề nghị chỉ đạo triển khai ngay lực lượng xung kích cấp xã trong việc kiểm tra các công trình công cộng, nơi ở, các ao hồ, đập không an toàn; các khe suối bị tắc nghẽn; có giải pháp sơ tán dân, cắm biển cảnh báo, tuần tra canh gác, tháo dỡ vật cản trên các dòng chảy, tránh tình trạng tích thủy tạo lũ ống, lũ quét; bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động này.

 

 

Anh Thơ