dd/mm/yyyy

Chọn tạo giống thành công hai dòng gà Hắc Phong có xương và thịt màu đen, da giòn, rất thơm ngon

Gà Hắc Phong có xương và thịt màu đen, da giòn, rất thơm ngon… là loại gà quý hiếm ở Việt Nam.
Chọn tạo giống thành công hai dòng gà Hắc Phong có xương và thịt màu đen, da giòn, rất thơm ngon - Ảnh 1.

Đại diện Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ giới thiệu giống gà Hắc Phong.

Loại gà này đã được các nhà khoa học chọn tạo giống thành công để nhân nuôi quy mô lớn.

Giống gà được coi là vị thuốc bồi bổ sức khỏe

TS Hoàng Tuấn Thành, Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ (Viện Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT) cho biết, bên cạnh giống gà Ác khu vực Nam Bộ hay gà HMông khu vực Tây Bắc thì gà Hắc Phong được các nhà khoa học của Viện đưa về nuôi bảo tồn và phát triển nguồn gen. Đây là nhóm gà có thịt thơm ngon, da giòn, tỷ lệ lòng đỏ cao và được xem như vị thuốc để bồi bổ sức khỏe cho con người.

Gà Hắc Phong là nhóm gà có thịt và xương đen như gà Ác và HMông. Đặc điểm ngoại hình, khả năng sinh trưởng của gà Hắc Phong bước đầu đã được nghiên cứu và báo cáo. Tuy nhiên, các nghiên cứu liên quan đến di truyền phân tử ở nhóm gà này hầu như chưa được thực hiện.

Nhằm giải quyết mục tiêu “tạo ra hai dòng gà Hắc Phong có khối lượng cơ thể và năng suất trứng cao để cung cấp gà bố mẹ và thương phẩm cho TPHCM và các tỉnh Nam Bộ”, nhóm các nhà khoa học tại Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ đã triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ “Kết hợp phương pháp BLUP với một số kiểu gen có lợi để chọn tạo hai dòng gà Hắc Phong”.

TS Hoàng Tuấn Thành, chủ nhiệm triển khai nhiệm vụ, cho biết, trong nghiên cứu này, nhóm tập trung vào hướng chọn lọc tạo dòng trống có khả năng tăng khối lượng cơ thể nhanh và dòng mái có khả năng đẻ trứng cao.

Nghiên cứu dựa trên cơ sở kết hợp dữ liệu từ phương pháp đánh giá di truyền và phân tích tính đa hình kiểu gen để hướng đến kết hợp được các ưu điểm của hai phương pháp nhằm tăng nhanh tiến bộ di truyền.

Bước đầu nhóm đã chọn tạo được dòng trống và mái theo hướng tăng khối lượng cơ thể 8 tuần tuổi. Đàn gà có tỷ lệ nuôi sống cao, hệ số di truyền khối lượng cơ thể 8 tuần tuổi là 0,23; tiến bộ di truyền khối lượng cơ thể 8 tuần tuổi của gà trống và mái đạt 30,2 và 29,7 gam/thế hệ.

Khối lượng cơ thể 8 tuần tuổi ở thế hệ 3 của gà trống và mái đạt 774,2 và 656,7 gam/con. Năng suất trứng/mái/72 tuần tuổi bình ổn qua các thế hệ đạt 144,0 - 147,7 quả, với tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng 2,49 - 2,53 kg. Tỷ lệ trứng có phôi 93,6 - 93,7% và tỷ lệ gà nở/tổng số trứng ấp đạt 82,0 - 82,2%.

Ngoài ra, các chỉ tiêu về chất lượng trứng, thịt của gà Hắc Phong dòng trống và dòng mái đều đạt chất lượng tốt, trong tiêu chuẩn cho phép. Nhóm đã chuyển giao gà giống xây dựng mô hình đàn gà bố mẹ và thương phẩm tại Bình Dương và Đồng Nai cho kết quả tốt, hiệu quả kinh tế cao.

Giống gà có khả năng thích nghi cao

Chia sẻ thêm về hiệu quả của gà Hắc Phong triển khai nuôi thử nghiệm, đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ cho biết thêm, tỷ lệ nuôi sống của gà Hắc Phong tại 2 hộ thực hiện mô hình đều đạt khá cao, ở cả 2 giai đoạn và 2 thế hệ. Ở thế hệ 3, tỷ lệ nuôi sống gà nuôi của hộ 1 giai đoạn 0 - 8 tuần tuổi là 94,2%, giai đoạn 9 - 16 tuần tuổi là 97,2%.

Việc chuyển giao con giống đồng bộ cùng quy trình chăn nuôi đã được hoàn thiện từ cơ sở giống là một trong những điều kiện giúp cho đàn giống phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống đạt cao. Gà Hắc Phong từ hai dòng gà mới chọn tạo có khả năng thích nghi cao, sức sống tốt là cơ sở thuận lợi khi chuyển giao con giống ra sản xuất đại trà.

TS Hoàng Tuấn Thành khẳng định, kết quả của đề tài là cơ sở khoa học cho các nghiên cứu về chọn lọc giống dựa trên nền tảng kỹ thuật di truyền phân tử kết hợp di truyền số lượng.

Đây cũng là dữ liệu cơ bản giúp các cơ sở chọn giống gia cầm định hướng nghiên cứu ứng dụng. Dữ liệu thu thập được của đề tài là nguồn thông tin có giá trị tin cậy cao và sử dụng như nguồn tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác giảng dạy.

Từ các dòng gà được chọn tạo sẽ sản xuất được gà bố mẹ và thương phẩm có năng suất, chất lượng cao hơn, giá thành hợp lý hơn so với đàn giống cũ, tiết kiệm được chi phí. Từ đó làm tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp nông thôn, tăng sản phẩm thịt chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và tăng thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần giải quyết an sinh cho xã hội.

Theo GDTĐ