dd/mm/yyyy

Chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu: Tạo đà xây dựng nông thôn mới

Chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Lai Châu và tạo đà thúc đẩy tiến trình xây dựng NTM.

Lai Châu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng

Những năm gần đây, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Lai Châu đã có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh, nhất là ở cấp cơ sở. Đặc biệt, đồng bảo các dân tộc từ vùng thấp đến vùng cao trên địa bàn tỉnh đã có sự thay mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong việc bảo vệ, phát triển rừng. Từ sự thay đổi về nhận thức, người dân các xã, bản trong tỉnh ngày càng tích cực tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng mới. Minh chứng rõ nét nhất chính là việc thành lập các tổ chuyên trách bảo vệ rừng ở các bản. Mỗi bản có một tổ chuyên trách bảo vệ rừng, với sự tham gia tích cực của người dân.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: Tạo đà trong xây dựng nông thôn mới ở Lai Châu - Ảnh 1.

Người dân tỉnh Lai Châu tích cực tham gia bảo vệ rừng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Nguyễn Bá Việt – Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lai Châu cho biết: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Nhờ chính sách này, mà công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Lai Châu được nâng lên tầm cao mới, hiệu quả rõ nét hơn. Được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân các xã, bản trong tỉnh hăng hái tham gia bảo vệ rừng. Những cánh rừng trên địa bàn tỉnh cũng nhờ đó mà ngày càng phát triển xanh tốt, góp phần nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng trong toàn tỉnh.

Nói như Phó chủ tịch UBND xã Khoen On (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) thì chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang đến cho những cánh rừng trên địa bàn xã một "luồng sinh khí" mới. Người dân ở các bản được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng nên có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: Tạo đà trong xây dựng nông thôn mới ở Lai Châu - Ảnh 2.

Tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh Lai Châu tăng lên qua các năm. (Ảnh: Thanh Ngân)

Tạo đà xây dựng nông thôn mới ở Lai Châu

Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn hộ dân ở Lai Châu. Từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được nhận hàng năm, người dân các xã, bản của tỉnh Lai Châu có thêm điều kiện để trang trải cuộc sống, đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Ông Khoàng Xì Chừ - Chủ tịch UBND xã Ka Lăng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) chia sẻ: Xã Ka Lăng hiện có hơn 10400ha rừng. Tỷ lệ độ che phủ rừng của xã hơn 71%. Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn xã không xảy ra vụ cháy rừng nào. Sở dĩ, những cánh rừng trên địa bàn xã phát triển ngày một xanh tốt là nhờ có sự chăm sóc, bảo vệ của người dân. Hay nói cách khác, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tiếp sức cho những cánh rừng của xã thêm xanh. Hằng năm, bình quân mỗi hộ dân trong xã được chi trả hơn 20 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này được các hộ dân sử dụng khá hiệu quả vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng nông thôn mới.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: Tạo đà trong xây dựng nông thôn mới ở Lai Châu - Ảnh 3.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tạo đà xây dựng nông thôn mới ở Lai Châu. (Ảnh: Thanh Ngân)

Theo ông Chừ, điển hình trong việc trích lại tiền dịch vụ môi trường rừng để xây dựng nông thôn mới ở xã Ka Lăng phải kể đến các bản: Nhù Te, Là Ú Cò. Hai bản này, mỗi bản đã trích 60 triệu đồng từ nguồn dịch vụ môi trường rừng để xây dựng nhà văn hóa bản. Còn ở bản Mé Gióng, sau khi nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, người dân trong bản đã tự nguyện đóng góp 30 triệu đồng để làm đường nội bản.

Tương tự như ở xã Ka Lăng, người dân ở nhiều xã, bản khác của tỉnh Lai Châu cũng tích cực đóng góp tiền xây dựng nông thôn mới từ nguồn dịch vụ môi trường rừng.

Có thể khẳng đinh, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở tỉnh Lai Châu. Chính sách thiết thực này không chỉ tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người dân trong tỉnh, mà còn tạo sức bật trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Bộ mặt các xã nông thôn miền núi của tỉnh ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong tỉnh không ngừng cải thiện, nâng cao.

 

 


Thanh Ngân