Nếu như tại chợ dân sinh, ốc vặn là loại ốc phổ biến và có quanh năm. Chính bởi thế, ốc vặn có giá khá rẻ khoảng 20.000-25.000 đồng/kg. Thậm chí, nếu mua ở các chợ quê, ốc vặn còn có giá rẻ hơn nhiều, khoảng 15.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, nhiều bà nội trợ Việt sành ăn lại sính mua ốc núi thuốc. Dù loại ốc này chỉ có theo mùa (từ tháng 5 đến tháng 8) và giá đắt hơn ốc vặn khoảng 3 lần, song bà nội trợ nghiện ăn vẫn lùng mua.
Chị Thu, 35 tuổi - một tiểu thương bán hải sản ở Đống Đa, Hà Nội - cho biết, trước đó chị bán các loại hải sản khác nhau. Khoảng gần 1 tháng lại đây, mùa ốc núi thuốc mới bắt đầu. Vì thế, ở nhà bắt được mẻ ốc núi nào lại gửi ra cho chị.
Ốc núi thuốc chỉ có vào mùa mưa hàng năm
Chị Thu quê chị ở Cẩm Phả, Quảng Ninh nhưng nhà chồng chị ở Nho Quan, Ninh Bình. Ốc núi thuốc chính là đặc sản quê chồng chị. Loại ốc này tuy không phải cao lương mỹ vị nhưng được coi là loại ốc quý dân dã không thể bỏ lỡ khi vào mùa.
"Gọi là ốc núi thuốc vì chúng cực hiếm. Loại ốc này chỉ sinh sống trong các hang đá, hốc đá, rất khó phát hiện. Ở Ninh Bình, ốc núi hay xuất hiện tại các dãy núi đá vôi Nho Quan. Do đó, khoảng từ tháng 5 đến tháng 8, khi mùa mưa bắt đầu thì những chú ốc mới bò ra khỏi hang để kiếm lá rừng ăn và sinh sản. Những tháng còn lại, ốc vùi mình dưới đất, trong các khe đá hoặc các lớp lá dày", chị nói.
Ngoài ra, loại ốc này còn khá quý hiếm bởi thức ăn của chúng là cây cỏ mọc hoang, trong đó có những cây thuốc quý.
Mỗi sáng, nhà chồng chị Thu đi thu gom thêm của các gia đình khác trong làng cũng chỉ được vài chục ký gửi lên cho chị bán. Giá hợp lý và nhiều người sành ăn thích thú nên cứ có hàng là hết ngay.
Ốc dày, ngọt, giòn và thơm vị thuốc Bắc |
"Giá ốc này chỉ 65.000-70.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Khách mua chủ yếu là khách quen. Họ thường lấy 2-3kg về ăn. Những quán ăn vặt cũng đặt mua về hấp xả ớt bán cho khách. Mỗi ngày, nhà mình gửi ra khoảng 40-50kg nhưng vẫn không đủ bán cho khách, chị Thu chia sẻ.
Người bán nói thêm, tuy giá ốc núi thuốc đắt hơn ốc vặn khoảng 2-3 lần nhưng "đắt xắt ra miếng". Theo chị Thu, ốc núi thuốc dai, giòn, ngọt. Khi ăn, không cần phải bỏ ruột như ốc thường mà ăn cả con. Ốc dù chế biến thành món gì cũng có hương vị mát, thơm mùi thuốc Bắc. Đây là điều đặc biệt nhất làm nên sự khác biệt của ốc núi thuốc.
Là người Hà Nội nhưng một lần về Mai Châu, Hòa Bình chơi, chị Ngân được ăn món ốc núi thuốc xào me. Từ đó, chị nghiện luôn.
|
Ốc núi thuốc được chế biến thành nhiều món khác nhau |
"Tại ăn ốc này mình dày, ngon, giòn đúng kiểu ốc sống trên cạn, ở núi đá chuyên ăn lá cây rừng, lá thuốc có khác nên ăn rất thơm. Mình mua thử về cho cả nhà ăn mà ai cũng thích", chị kể.
Món ngon nhớ lâu, từ đó trở đi, cứ nhằm thời điểm tháng 6-7-8 mùa mưa là chị Ngân lại đặt ốc núi thuốc từ một người dân ở Hòa Bình. Khi ốc mang về Hà Nội, bà nội trợ này không ngâm kỹ, chỉ rửa sơ qua để giữ lại các vị thuốc. Sau đó, chị làm nhiều món khác nhau như nướng, xào me, hấp gừng, xào sả ớt hay trộn gỏi,...
"Mùi vị của ốc núi thuốc rất lạ, thơm hơn hẳn các loại ốc khác. Cứ năm nào mùa này mưa nhiều thì mình được thưởng thức nhiều. Còn bình thường, muốn ăn cũng không có chỗ mua vì ốc chỉ có theo mùa", chị Ngân khẳng định.