dd/mm/yyyy

Châu Á chung tay đẩy lùi dịch bệnh trong chăn nuôi

Nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Mông Cổ, Campuchia… đã cùng phối hợp để ngăn ngừa sự lan rộng của mầm bệnh dịch tả trong chăn nuôi lợn.

Rà soát chặt ở biên giới

So với châu Âu, châu Á có diện tích lớn hơn nhiều lần, lại có nhiều quốc gia hơn. Việc kiểm soát việc vận chuyển lợn qua biên giới, nhất là đường tiểu ngạch – nguyên nhân hàng đầu khiến ASF bùng phát – gặp nhiều khó khăn.

Tiêu hủy lợn nhiễm ASF tại khu vực sông Hắc Long Giang, biên giới giữa Trung Quốc và Mông Cổ.
Tiêu hủy lợn nhiễm ASF tại khu vực sông Hắc Long Giang, biên giới giữa Trung Quốc và Mông Cổ.

Tại Campuchia, từ đầu năm 2019, chính phủ nước này đã ra lệnh siết chặt biên giới với Việt Nam. Bộ trưởng Nông nghiệp nước này, Veng Sakhon chia sẻ: "Sự bùng phát ASF tại Việt Nam khiến nhiều thành phần trong ngành chăn nuôi địa phương, gồm các đại lí, lò giết mổ, nhà máy thức ăn chăn nuôi, và quan trọng hơn hết là người tiêu dùng có lo ngại. Bộ đã yêu cầu các cơ quan chức năng đặc biệt chú ý tới biên giới với Việt Nam".

Theo ông Sakhon, ngành chăn nuôi lợn Campuchia đang trải qua những chuyển mạnh mẽ, từ chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ sang các công ty thương mại lớn. Ông cho biết, đây là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế, cũng như sự gia tăng dân số và lượng khách du lịch tới nước này.

Ông Sakhon ban hành quyết định, yêu cầu các lò giết mổ và đại lí tiết chế việc tăng giá thịt lợn ngay ở giữa tâm dịch, đồng thời lập lập tức thông báo cho nhà chức trách nếu virus ASF được phát hiện.

Khmer Times cho biết, mỗi ngày Campuchia tiêu thụ khoảng 5.000 đầu lợn. Một phần ba số này được nhập khẩu, chủ yếu từ Việt Nam. Điều này có nghĩa, nếu để ASF tràn sang lãnh thổ, ngành chăn nuôi lợn của Campuchia sẽ gặp thách thức rất lớn.

Song song với rà soát cửa ngõ biên giới, Campuchia cũng có những chính sách thúc đẩy ngành chăn nuôi trong nước nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Tính tới năm 2018, nước này có 800.000 con lợn được nuôi với mục đích thương mại trong hơn 600 trang trại. “Hạn chế nhập khẩu thịt lợn cũng là một cách phòng ngừa ASF”, Sakhon nhấn mạnh.

Kiểm soát đường biên cũng là cách Mông Cổ chọn để tránh ASF tràn sang từ Trung Quốc. Do nước này có biên giới tự nhiên dài hàng nghìn kilomet với quốc gia láng giềng, cộng với thói quen chăn nuôi theo kiểu du mục cũ, ASF rất dễ lây lan trên phạm vi toàn bố đất nước Trung Á.

Trang trại chăn nuôi lợn ở tỉnh Chagang, nơi đầu tiên phát hiện ASF tại Triều Tiên.
Trang trại chăn nuôi lợn ở tỉnh Chagang, nơi đầu tiên phát hiện ASF tại Triều Tiên.

Những số liệu trình lên Tổ chức Thú y thế giới (OIE) chứng minh điều ấy. Vào cuối tháng 3/2019, số lượng lợn nhiễm ASF ở Mông Cổ là gần 400 con, nằm trong 4 ổ dịch lớn, nhưng lại nằm rải rác.

Từ ổ dịch đầu tiên ở tỉnh Bulgan, các địa điểm mới được báo cáo cách nơi này từ 100 đến 350 km theo cả bốn hướng. Thủ đô Ulaanbaatar, nơi tập trung phần lớn dân cư Mông Cổ, có nhiều điểm phát bệnh lẻ tẻ, khiến việc kiểm soát càng khó khăn.

Phun thuốc sát trùng dọc biên giới với Trung Quốc là cách Mông Cổ chọn để ngăn ngừa ASF. Do biên giới tự nhiên với Trung Quốc là sông Hắc Long Giang, quốc gia châu Á đã sử dụng loại thuốc dạng bột phổ rộng, có tác dụng với nhiều loại virus, vi khuẩn và nấm, có tác dụng từ nửa tháng tới một tháng sau khi phun.

Ngoài ra, chính phủ Mông Cổ cũng khuyến khích người dân và các lực lượng vũ trang tránh để độ ẩm quá cao dọc biên giới. Bên cạnh thuốc sát trùng, nước này còn rắc vôi bột để phòng ngừa ASF.

Thành lập những tổ công tác đa quốc gia

So với những nước láng giềng của Trung Quốc, Triều Tiên nằm trong số ít bị ảnh hưởng nhất. Mãi tới ngày 25/5, Bộ Nông nghiệp, Lương thực & Nông thôn Hàn Quốc cho biết ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại một trang trại của tỉnh Chagang, Triều Tiên gần biên giới với Trung Quốc. Phía Triều Tiên sau đó xác nhận thông tin này, và tiết lộ thêm rằng gần 100 con lợn đã bị tiêu hủy.

Các mối nguy có thể lây nhiễm ASF cho lợn.
Các mối nguy có thể lây nhiễm ASF cho lợn.

Cũng trong tháng này, tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên dẫn lời lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định quyết tâm của nước này trong việc phòng chống ASF. "Gia tăng sản xuất phải đi đôi với đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh khỏi gia súc", ông Kim nhấn mạnh. Các biện pháp được chính phủ Triều Tiên sử dụng là khử trùng trang thại và hạn chế bán thịt lợn một cách tràn lan.

Tại Triều Tiên, gà, vịt và thỏ là những vật nuôi chủ yếu. Do đó, ảnh hưởng của ASF tới nền chăn nuôi nước này không nhiều. Theo số liệu năm 2017, đàn lợn nước này là khoảng 2,5 triệu con, và tăng nhanh trong khoảng hai năm trở lại đây, hiện ước tính khoảng hơn 6 triệu con. Dù vậy, Triều Tiên lại giữ vai trò huyết mạch trong việc ngăn ASF tràn xuống Hàn Quốc. Giữa tháng 5/2019, hai quốc gia cùng bắt tay phối hợp, thành lập những tổ công tác đặc biệt để phòng chống dịch.

Qua một tháng triển khai, những tổ công tác Liên triều cho những kết quả bước đầu khi Hàn Quốc chưa bị ASF xâm nhập. Dù vậy, Bộ trưởng Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc, Oh Soon-min nói chưa thể chủ quan. Người đứng đầu ngành nông nghiệp xứ kim chi cho biết thêm: "Khả năng virus lan xuống phía nam vẫn còn và chúng tôi cần giữ liên lạc chặt chẽ với phía Triều Tiên để kiểm soát tình hình”.

Kim Long - Đinh Tùng - Văn Việt