Không bỏ cuộc trước thất bại
Trò chuyện với PV Báo điện tử Trangtraiviet, anh Toàn cho biết, năm 2011 từ phong trào thanh niên lập nghiệp, phát triển kinh tế tại địa phương, anh đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng trang trại 400m2 với mô hình nuôi các con đặc sản như rắn, cá chuối và ếch Thái Lan.
Sau khi đi vào hoạt động, mô hình đã mang lại hiệu quả cao, giúp anh Toàn có thu nhập ổn định. Sẵn có "máu" làm ăn, anh Toàn tiếp tục thuê lại 1,7ha đất để mở rộng trang trại.
Nhưng từ đây, khó khăn bắt đầu đến, anh Toàn chia sẻ, sau khi trang trại được mở rộng, do không cân đối được tài chính, thường xuyên thiếu vốn để duy trì sản xuất. "Thời điểm đó, thị trường đang rất ưa chuộng ếch thịt và cá chạch thương phẩm, tuy nhiên do thiếu vốn nên trang trại chủ yếu là ươm con giống. Kế hoạch mở rộng trang trại trong 3 năm đầu tiên gần như phá sản", anh Toàn bộc bạch.
Năm 2014, thông qua mạng internet, anh Toàn biết được mô hình nuôi ốc nhồi của một nông dân ở Hải Phòng. Nên anh cũng mày mò, tìm mua ốc giống về để nuôi thử.
"Được một người bạn đưa ốc giống từ Hà Tĩnh về nên tôi cũng mạnh dạn mua nuôi thử. Nhưng vì thiếu kinh nghiệm, mặt khác chưa đánh giá được hết được giá trị kinh tế của con ốc nhồi mang lại, nên không tập trung nuôi, dẫn đến hao hụt dần. Thả ốc đến đâu là chết gần như hết sạch", anh Toàn nói.
Sau đó, phải mất một thời gian dài tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến ốc chết hàng loạt. Phát hiện ra nhiều vấn đề gặp phải như đất, nước chua phèn, rỉ sắt, rỉ muội than từ sỏi ong, nhiễm khuẩn...
Đến năm 2016, anh Toàn được bạn bè giới thiệu ở huyện Nông Cống có người đã khôi phục và phát triển thành công nuôi ốc. Anh lại lặn lội tìm đến để học hỏi về kỹ thuật. Sau đó, anh Toàn đã mua 5kg ốc hậu bị về nuôi, sau 1 thời gian ốc đã sinh sản, phát triển tốt. Năm đó, anh Toàn đã bán được 10 vạn giống với giá 500đ/con.
Nhưng khó khăn với anh Toàn chưa dừng lại, cuối năm 2016, chỉ sau một trận mưa vào mùa đông đã khiến 2/3 ốc bố mẹ bị chết. Tình trạng ốc con nở kém, chết khi mới nở, anh Toàn đã phải mất gần 1 năm để khắc phục, mua thêm giống để nuôi, nhân đàn với quyết tâm không bỏ cuộc.
Mỗi lần thất bại là một lần tích lũy thêm kinh nghiệm. Đến năm 2018 trang trại đã sản xuất được gần 60 vạn giống, bán giá vẫn 500đ/con. Sản phẩm ốc của trang trại anh Toàn dần được bà con trong, ngoài tỉnh tin tưởng về chất lượng.
Năm 2019, anh Toàn đã hỗ trợ những người có nhu cầu nuôi ốc khảo sát, đo các thành phần trong nước, thiết kế ao nuôi, ruộng nuôi và chuyển giao kỹ thuật.
Cùng nhau làm giàu từ nuôi ốc nhồi
Với quy trình nuôi hoàn toàn tự nhiên, xử lý nước bằng các chế phẩm vi sinh, quy trình nuôi ốc được kiểm soát chặt chẽ. "Vốn dĩ con ốc sống rất sạch, nếu ô nhiễm các hóa chất, ô nhiễm hữu cơ sẽ chết".
Với quy trình nuôi ốc tự nhiên, trang trại của anh Toàn đã được Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh Thanh Hóa cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Mỗi năm, trừ chi phí, trang trại nuôi ốc nhồi của anh Toàn đã mang lại nguồn thu từ 350 - 400 triệu đồng.
"Sản phẩm cung cấp đến tay người tiêu dùng theo mô hình sạch từ trang trại đến bàn ăn, vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, Thanh Hóa, các nhà hàng" - anh Toàn chia sẻ.
Theo anh Toàn, hiện nay, các trang trại nuôi ốc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ, chia sẻ về kỹ thuật nuôi ốc. Các trang trại đã dần xây dựng quy mô hiện đại, diện tích nhà màng nilong đã được xây dựng. "Hứa hẹn đạt chỉ tiêu từ 50 - 100 vạn giống, 1.000 - 2.000kg ốc thịt tùy diện tích của trang trại.
Các trang trại liên kết được chuyển giao kỹ thuật và giám sát quy trình nghiêm ngặt đảm bảo sản xuất con ốc tự nhiên, sử dụng các chế phẩm vi sinh, công nghệ lọc nước tự nhiên bằng các cây thủy sinh. Nhất là các trại nằm ở các khu vực có nước nguồn từ núi chảy xuống như Ngọc Lặc, Như Thanh, Thường Xuân.
"Khi quy trình đã được giám sát nghiêm ngặt, lập hồ sơ theo dõi sản xuất, khẳng định được chất lượng và tự tin ký hợp đồng với các hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng, siêu thị và tiến tới chế biến sẵn theo các nhu cầu khách hàng" - anh Toàn cho biết.
Ngoài định hướng phát triển ốc nhồi tại Thanh Hóa, anh Toàn cũng đang tổ chức liên kết với các trang trại nuôi ốc ở các tỉnh. Trong thời gian tới, ngoài nuôi ốc nhồi, anh Toàn sẽ tiếp tục nghiên cứu và nhân giống các loại như cua đồng, chạch bùn, lươn, cá nheo song, cá bống tượng.