dd/mm/yyyy

Chán lúa, cá, vịt,... nông dân Phú Xuyên trồng loài hoa gì mà vừa đẹp lại vừa cho hiệu quả kinh tế cao?

Làm gì để nông dân trở nên giàu có trên mảnh đất của mình? Làm gì để làng quê xanh, sạch, đẹp? Đây là điều trăn trở lớn của địa phương trong hành trình đi tìm mô hình nông nghiệp mới. Và rồi mô hình trồng sen Nhật Bản trên diện tích kém hiệu quả tại xã Nam Triều đã mở ra hướng đi mới cho vùng đất trũng này.

Nhắc tới Phú Xuyên, Hà Nội người ta thường nghĩ tới mô hình lúa, cá, vịt nổi tiếng một thời. Nhưng không thể đi theo lối mòn mãi khi mà thị trường, môi trường xã hội… mỗi ngày một đổi thay. 

Chán lúa, cá, vịt,... nông dân Phú Xuyên trồng loài hoa gì mà vừa đẹp lại vừa cho hiệu quả kinh tế cao? - Ảnh 1.

Mô hình trồng sen Nhật Bản ở xã Nam Triều (huyện Phú Xuyên) vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa làm đẹp quê hương.

Mở hướng cho vùng đất trũng

Dịp giữa tháng 7, về Nam Triều đúng mùa sen nở, chúng tôi ngỡ ngàng bởi sen đã phủ kín một vùng ruộng trũng khi xưa. Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng sen, Tổ trưởng Tổ kỹ thuật sản xuất sen sạch Nam Triều Phạm Ngọc Tuân dẫn câu chuyện về những ngày cách đây đã gần chục năm về trước.

Sau dồn điền đổi thửa (năm 2012), xã Nam Triều cũng như nhiều vùng quê khác ở Phú Xuyên đã hình thành các vùng sản xuất vườn - ao - chuồng, là vùng sản xuất 1 lúa, 1 cá kết hợp nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình đã gặp không ít khó khăn, rào cản vì không được biến ruộng thành ao, phải giữ nguyên hiện trạng đất 2 lúa; chăn nuôi vịt thả đồng thì liên tục gặp cảnh rớt giá... Ruộng trũng cho thu hoạch bập bõm, khiến thu nhập cũng theo đó mà bấp bênh...

Trước tình cảnh đó, lãnh đạo xã Nam Triều đã đi tìm hiểu, thăm các mô hình nông nghiệp mới tại nhiều địa phương khu vực phía Bắc. Mục tiêu được đặt ra là phải tìm được mô hình mới đáp ứng được 2 tiêu chí: Hiệu quả hơn cấy 2 vụ lúa; đầu ra sản phẩm có doanh nghiệp liên kết bao tiêu. Mà trên hết, phải bảo đảm đó là mô hình nông nghiệp xanh, bền vững, giúp xây dựng môi trường sinh thái nông thôn trong lành...

Trong khi chính quyền địa phương và người dân đều đang mong mỏi tìm một mô hình nông nghiệp mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, thì cuối năm 2019, qua nhiều mối quan hệ kết nối, Công ty HVN AGRI - một doanh nghiệp chuyên trồng và kinh doanh sản phẩm từ giống sen của Nhật Bản đã về xã Nam Triều khảo sát, tìm cách liên kết với người dân đưa giống sen mới có giá trị cao vào sản xuất, hướng tới xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản.

“Người cần đất, đất cần người”, cơ duyên đưa đẩy, đến năm 2020 thì mô hình trồng sen Nhật Bản đã hình thành trên những cánh đồng trũng kém hiệu quả ở Nam Triều. Nhiều người dân nhiệt tình tham gia ngay từ những ngày đầu, bởi mô hình bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên kết.

Nói về giống sen Nhật Bản, Phó Giám đốc Công ty HVN AGRI Trần Văn Khang cho biết: Trồng với mục đích lấy hạt, nên công ty đã chọn giống sen có đặc tính ít sâu bệnh, đài to, hạt đều, chắc, năng suất cao để liên kết sản xuất với nông dân. Trên diện tích canh tác, công ty còn kết hợp nuôi các loại cá như chép lai ba máu (lai giữa cá chép trắng Việt Nam, cá chép vảy Hungary, cá chép vàng Indonessia), cá trôi bản địa... Với diện tích trồng 21 mẫu, năm 2020 công ty đã thu được hơn 30 tấn hạt sen và dự kiến năm 2021 sẽ thu từ 35 tấn đến 40 tấn, chưa kể nguồn thu từ hàng chục tấn cá mỗi năm.

“Chúng tôi làm sen sạch và nuôi trồng theo hướng thuận với sinh thái tự nhiên: Cá ăn rong rêu, lá sen tàn; chất thải từ cá lại nuôi cây sen tươi tốt và hết vụ thu hoạch sen thì cũng vào vụ thu hoạch cá. Một công được đôi ba việc...”, ông Trần Văn Khang hào hứng nói.

Tổng giá trị sản xuất từ mô hình trồng sen đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/năm và mỗi khi vào vụ sen còn tạo việc làm cho 15 lao động. Mô hình phát triển tốt nên hiện Công ty HVN AGRI đầu tư toàn bộ, từ khâu giống, sản xuất, sơ chế, đóng gói đến tiêu thụ sản phẩm.

Phó Giám đốc Công ty HVN AGRI Trần Văn Khang kể thêm: Sau khi thu hoạch, hạt sen sẽ được tách vỏ, đưa vào lò sấy khô, sau đó sơ chế, đóng gói, bảo quản theo quy định, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Công ty mong muốn trong thời gian tới sẽ được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện để mở rộng mô hình. Đây là cơ sở để xây dựng thêm các khu sơ chế, chế biến và đóng gói, tạo thêm việc làm cho lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Loài cây mang lại đẹp, giàu

Trong câu chuyện về trồng sen Nhật Bản trên vùng đồng trũng, bà Phạm Thị Thông, một hộ dân tham gia trồng sen ở thôn Phong Triều, xã Nam Triều chia sẻ: Diện tích này trước kia trồng lúa nhưng năng suất thấp, bấp bênh do thường xuyên bị ngập úng, chất đất chua phèn, khó cải tạo. Trong khi đó, cây sen Nhật Bản không chịu tác động nhiều từ điều kiện bất lợi của môi trường, lại không phải sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất nào trên đồng ruộng nên nông dân hồ hởi đón nhận.

“Đối với chúng tôi, hiệu quả kinh tế cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là môi trường sinh thái của làng quê phải trong lành, sạch đẹp và cây sen Nhật Bản đã làm được điều đó...”, bà Phạm Thị Thông khẳng định.

Chèo thuyền dọc xứ đồng 21 mẫu của thôn Phong Triều, xã Nam Triều trong ngào ngạt hương sen, ông Phạm Ngọc Tuân chia sẻ: Nhiều năm nay, thanh niên địa phương ít người làm nông nghiệp bởi người thì chọn đi xuất khẩu lao động, người lại thoát ly làm công nhân nên lao động nông nghiệp chủ yếu là người già. Công nghiệp hóa đồng ruộng, hơn 90% diện tích canh tác tại địa phương sử dụng phương thức mạ khay cấy máy, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Diện tích đất sình lầy, máy cấy, máy gặt không tới được nên giờ đây, mô hình trồng sen Nhật Bản đã làm tái sinh những vùng đất này. Vào mùa thu hoạch, người già, trẻ nhỏ có việc làm thêm, làng quê rộn ràng hơn.

Đi trong thoang thoảng hương sen chúng tôi mới hiểu, vì sao người dân nơi đây lại chọn cây sen. Không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, mô hình trồng sen Nhật Bản còn đem lại môi trường sinh thái trong lành cho người dân trong vùng.

Rẽ những thân sen mọc cao quá đầu người, ẩn dưới tán lá xanh ngắt là những bông sen hồng thơm ngát, những đài sen màu xanh ngọc mây mẩy hạt, Chủ tịch UBND xã Nam Triều Phan Cao Lạc phấn khởi: Từ khi đưa cây sen Nhật Bản vào trồng, mỗi độ sen nở, có nhiều du khách đến thăm, tận hưởng vẻ đẹp và hương vị thơm dịu của hoa. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã tạo dựng được nhiều tuyến đường hoa, đường cây xanh, làm đẹp quê hương và đồng sen nở rộ từ tháng 6 đến tháng 9 - như một điểm nhấn về môi trường sinh thái của địa phương. Mô hình đạt được cả hai mục đích: Làm giàu cho người dân và tạo cảnh quan môi trường sinh thái bền vững. “Làng quê đang giàu hơn, đẹp hơn từ mô hình này”, ông Phan Cao Lạc nhận định.

Hiện vẫn đang là mùa sen nở hoa, đơm hạt. Cả một vùng trời trở nên tươi mới, dịu ngọt, tinh khôi. Từ vùng bát ngát sen này, người dân nơi đây mong muốn có thêm những cánh đồng kém hiệu quả được phủ kín sen. Ý tưởng đưa sen sạch Nam Triều xuất khẩu đi các nước trong khu vực với số lượng lớn sẽ còn nhiều việc phải làm nhưng đang dần hiện hữu. Đó là cơ sở để hy vọng rằng, trong thời gian không xa, toàn bộ vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả của xã Nam Triều sẽ phủ kín loài sen hữu ích này.

Thảo Nguyên