dd/mm/yyyy

Cha con cùng vun đắp ước mơ nông sản sạch

29 tuổi, cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn đã làm nhiều người bất ngờ với quyết tâm mở một cửa hàng nông sản sạch. Ở một ngọn đồi xanh nắng, người cha miệt mài hậu thuẫn cho ý tưởng của con gái…

Cô gái là Huỳnh Thị Ngọc Châu hiện phụ trách hệ thống sản xuất - kinh doanh online. Cha cô là ông Huỳnh Ngọc Trúc với nông trại Lâm Viên ở quê nhà (xã An Mỹ, huyện Tuy An, Phú Yên).

Châu vui với từng luống rau, dây bí trong nông trại gia đình ở huyện Tuy An (Phú Yên).

Vận rủi tìm đến rau

Ngọc Châu kể: “Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành phần mềm, năm 24 tuổi, em và bạn trai (người sau này trở thành chồng của Châu - PV) mở công ty riêng. Tụi em thế chấp nhà của ba mẹ chồng để vay ngân hàng, chứ hoàn toàn không có vốn. Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, gia đình rơi vào cảnh khó khăn, tài sản bị phong tỏa, em bắt đầu bán hải sản trên mạng để phụ ba mẹ nuôi 2 em nhỏ, trong lúc vẫn duy trì công ty riêng. Khi chúng em làm đám cưới (năm 2012) thì liên tiếp gặp nhiều biến cố, khiến khó khăn lại càng chất chồng”.

Vì không thể duy trì hoạt động kinh doanh, đầu năm 2015, chồng Châu về làm chuyên viên phát triển phần mềm trong khu công nghiệp VSIP, còn Châu bắt đầu hợp tác với trang trại Nico Yasai (Rau cười Việt Nhật) của người Nhật ở Đăk Lăk để bán hàng online, vừa có thu nhập, vừa tiện chăm sóc con nhỏ. Việc bán rau, chè, mít đặc sản Phú Yên và cơm chay đều diễn ra trên mạng facebook; đều đặn mỗi tuần 1 ngày rồi tăng lên 2 ngày, bây giờ là 3 ngày/tuần Châu gom đơn hàng và giao rau đến tận nhà cho khách.

Du khách thích thú đi thăm, thu hái nông sản sạch ở Lâm Viên

Sau một năm kinh doanh và học hỏi các kỹ năng trồng trọt hữu cơ từ các kỹ sư người Nhật ở Nico Yasai, học cách yêu và bảo vệ tự nhiên từ cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm”, học cách dùng trái bồ hòn làm thuốc trừ sâu…, Châu bắt đầu cùng cha là ông Huỳnh Ngọc Trúc làm kinh tế trang trại, đồng thời tuyên truyền cho bà con nông dân xung quanh cùng trồng rau sạch. “Nông dân làm ra nông sản sạch thì cả xã hội được nhờ. Khi canh tác hữu cơ, rõ ràng cây vẫn sai trái, ít sâu bệnh, giá trị nông sản cao gấp 2 - 3 lần canh tác theo phương pháp thông thường; sức khỏe nông dân bảo đảm, người dùng thì yên tâm…” – Châu khẳng định.

Thấy niềm vui trong nỗi nhọc nhằn

Ông Huỳnh Ngọc Trúc – cha của Châu vốn là một đại gia ngành xây dựng ở Phú Yên. Thế rồi gặp “hạn” trong kinh doanh, rồi chính quyền địa phương “kẹt” nguồn vốn và đề nghị ông đổi công trình lấy đất. Sau đó, gia đình ông Trúc được cấp 2ha đất núi tại khu vực dốc Bà Ền (Tuy An).

“Năm 2002, nhận đất xong mới té ngửa nơi này không có nước, cỏ cũng không mọc nổi. Dân xung quanh cười tôi bị lừa, vợ con càm ràm nhưng tui quyết kiếm nguồn nước. Vét được đồng nào, tui đổ vô thuê thợ khoan giếng; khoan bị gãy, nhóm thợ này bỏ chạy, tui lại lùng tìm nhóm thợ khác. Mất hàng trăm triệu mà chẳng ăn thua. Phải đến khi khoan được ở vị trí sâu hơn 100m mới bắt đầu có nước ngầm, đủ dùng quanh năm…” - ông Trúc chỉ vào những phiến đá rút từ lõi máy khoan, xếp quanh hồ cá “kỷ niệm”.

Có nước rồi, ông trồng hoa, cây cảnh và mở quán nhậu Lâm Viên. Thế nhưng dự án hạ độ dốc Bà Ền đã làm cửa quán Lâm Viên… bị đẩy lên trời, bán buôn thất bát dần, ông bèn xoay sang mua gom hải sản địa phương, đóng thùng ướp lạnh, chuyển xe khách vào Sài Gòn cho con gái kinh doanh. “Ui, khổ lắm! Mấy cái thùng xốp nặng đùng, có lần chở xe máy bị tai nạn, hút chết. Con bé Châu vốn “lá ngọc cành vàng”, chỉ biết ăn học, giờ phải lăn ra làm lụng phụ ba mẹ nuôi em, rồi cũng chính nó “họp” 3 ngày 3 đêm với vợ chồng tui để… tuyên truyền về dự án nông sản sạch. Nó nói lùng bùng đủ thứ về nông nghiệp thuận tự nhiên, tui thương hiểu lòng con nên nghe cũng… có lý” - lão nông cười.

Thế là vợ chồng ông xoay trần ra vỡ đất, nhặt từng hòn đá xếp thành đống. Công việc nhiều quá, đành phải vay vốn thuê nhân công. Tiếp đó ông mua bò về nuôi để lấy phân chuồng, liên kết với các lò đường thủ công để lấy rỉ mật đem trộn với phân bò và thuốc khử mùi, tạo ra một loại phân hữu cơ sạch “độc sầu”. Đặc biệt, cha con ông Trúc còn chế ra công thức sản xuất thuốc trừ sâu từ trái bồ hòn, gừng, tỏi, ớt,… Tất cả nấu lên, xay nhuyễn, hòa rượu trắng và nước để phun phòng chống sâu bệnh hại rau màu.

Dưa leo ở Lâm Viên có thể ăn ngay tại vườn 

“Mệt nhứt là lúc đầu, mấy bà con nhân công không nghe mình. Họ bảo “không phun thuốc độc, làm sao hết sâu bệnh”! Phân tích rồi họ cũng hiểu và còn đem phương pháp đó về áp dụng trong vườn nhà” - Châu cho hay. Bây giờ, ngoài việc tiêu thụ nông sản từ trang trại của ba mẹ, Châu đang liên kết tiêu thụ rau cho Nico Yasai và các nông hộ chuyên sản xuất rau củ quả, thực phẩm đặc sản ở Lâm Đồng, Khánh Hòa, Tây Ninh, Quảng Ngãi... “Vui nhất là khi cùng chồng con từ Sài Gòn về quê thăm nông trại. Dù đã hỏi cha từng ngày về tiến độ những luống rau, cây trái, nhưng khi ngắm tận mắt những đám cải, xà lách, rau mùi,… tươi mướt thơm tho; những dây bí đỏ, giàn bầu, khổ qua thanh sạch…, em lại thấy hạnh phúc vô cùng” – Châu chia sẻ.   

 

Hùng Phiên