Qua lời giới thiệu của anh Lò Văn Quý – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Châu, chúng tôi được biết cây chè đã bén duyên với mảnh đất Phổng Lập và giúp nhiều hội viên nông dân ở đây thoát nghèo.
Mất khoảng 15 phút đi xe máy từ Quốc lộ 6 vào xã Phổng Lập, chúng tôi có mặt tại trung tâm xã. Như đã hẹn trước, vừa đến nơi, anh Cà Văn Dẹn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phổng Lập đã đứng chờ sẵn ở trước cổng trụ sở UBND xã.
Anh Lường Văn Lấn - Tổ trưởng tổ sản xuất chè sạch ở Phổng Lập - một trong những người có công đưa cây chè bén rễ với vùng đất này.
Tay bắt mặt mừng mời chúng tôi thưởng thức ly chè thơm, anh Dẹn bảo: Mình đã hẹn anh Lường Văn Lấn – Tổ trưởng tổ sản xuất chè rồi. Anh ấy đang chờ, giờ mình lên thăm đồi chè của bà con thôi.
Ngồi đằng sau chiếc xe máy của anh Dẹn trên con đường nhựa khang trang dẫn đến đồi chè của bà con, anh kể: Trước đây, toàn bộ khu đất đồi này được bà con trồng sắn, ngô nhưng khi mưa xuống đất bị rửa trôi, bạc màu nên làm đến đâu chỉ đủ ăn đến đó.
“Để khắc phục khó khăn đó, năm 2015, huyện Thuận Châu đã đưa cây chè về trồng thử nghiệm ở bản Nà Khoang. Nhờ đó, cuộc sống của người dân không những được nâng lên mà tư duy, nhận thức canh tác nông nghiệp cũng thay đổi nhiều. Giờ đây, bà con coi chè là cây xóa nghèo ở vùng đất này” – anh Dẹn thổ lộ.
Để minh chứng cho lời nói của mình, vừa đi anh Dẹn vừa chỉ tay lên những triền đồi, sườn núi dốc. Đánh mắt theo hướng chỉ của anh, trước mắt chúng tôi là những đồi chè xanh ngút tầm mắt, chạy dài đến tận đỉnh núi.
Đang thu hái chè, anh Lường Văn Lấn – Tổ trưởng tổ sản xuất chè ngừng tay, cho biết: Năm 2015, mặc dù được Nhà nước hỗ trợ giống chè nhưng do là cây mới lạ nên khi đó bà con không ai đồng ý trồng. “Chúng tôi chỉ trồng cây ngô, cây sắn mới có cái cho con lợn, con gà ăn chứ. Trồng cây chè không no cái bụng đâu” – anh Lấn nhớ lại.
Là người đứng đầu bản Nà Khoang, sau khi được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã xuống tận bản “gõ cửa” từng nhà một, anh Lấn tiên phong nhổ 1 ha nương sắn chuyển đổi sang trồng chè. Sau đó, anh Lấn tiếp tục cùng với các khối, đoàn thể của xã vận động thêm được 50 hộ tham gia trồng. Hết năm 2015, số diện tích chè trồng mới là 20 ha.
Trên cương vị là Trưởng bản Nà Khoang, lại là người có uy tín và tiên phong đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên anh Lấn được bầu là Tổ trưởng tổ sản xuất chè của xã Phổng Lập.
Anh Quàng Văn Hom – Khuyến nông viên xã Phổng Lập, cho biết: Sau khi thành lập Tổ sản xuất chè, chúng tôi đã phối hợp với Hội Nông dân xã mở nhiều lớp tập huấn để chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng cây chè cho các tổ viên.
“Do địa hình ở Phổng Lập chủ yếu là đất dốc nên trước khi trồng, chúng tôi đã yêu cầu bà con phải đào thành các đường đồng mức. Quy trình trồng cây chè là hàng cách hàng 1,4m; cây cách cây 40cm; rãnh sâu 35cm, rộng 40cm; bón lót phân NPK và phân chuồng ủ hoai mục trước khi trồng” – anh Hom chia sẻ.
Theo anh Hom, đây là giống chè LDP1 của Phú Thọ. Hiện nay, các tổ viên đang chăm sóc theo quy trình VietGAP. Từ lúc trồng đến lúc cho thu hoạch chỉ mất 2 năm chăm sóc. “Khi chè đã cho thu hoạch, một năm chúng tôi hướng dẫn các tổ viên sử dụng phân hữu cơ NPK và phân chuồng chia làm 3 lần bón (tháng 3, tháng 6 và tháng 9). Kiên quyết nói không với phân vô cơ” – anh Hom tiết lộ.
Từ chỗ chỉ 50 hộ ở bản Nà Khoang, bản Lụa trồng với diện tích 20 ha (năm 2015) thì đến nay số diện tích chè đã tăng lên 106,2 ha với 250 hộ đến từ các bản Nà Khoang, Lụa, Kẹ, Nà Ban, Mầu Thái. Trong đó, diện tích chè cho thu hoạch là 63 ha; năng suất hơn 4 tấn chè búp tươi/ha.
Anh Cà Văn Dẹn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phổng Lập, cho hay: Với giá bán ổn định 7.000đ/kg, 1 ha thu được trên 30 triệu đồng. Năm 2018, tổng doanh thu của Tổ sản xuất chè Phổng Lập đạt gần 2 tỷ đồng. So với trồng cây sắn, ngô thì chè hiệu quả hơn nhiều.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây chè mà một số hộ nghèo như anh Lường Văn Lấn; Tòng Văn Liên; chị Lò Thị Hoang đều trú tại bản Nà Khoang đã bị gạch tên khỏi danh sách hộ nghèo. 2 năm trở lại đây, hộ anh Lấn, anh Liên và chị Hoang đều có thu lãi đều đặn từ 40 triệu đến 50 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, anh Cà Văn Tới – Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lập, cho biết: Tổ sản xuất chè của xã liên kết sản xuất với hợp tác xã Bình Thuận ở Phổng Lái (Thuận Châu) nên đầu ra sản phẩm được bao tiêu toàn bộ. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con để nâng diện tích chè thêm 30 ha.
Chia tay đất Phổng Lập với những cái bắt tay chắc nịch của đồng chí Tới và đồng chí Dẹn chúng tôi hy vọng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, trong tương lai gần, cây chè sẽ góp phần giúp xã nhà hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH. Đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày một được nâng lên.