Người dân H.Kbang kỳ vọng về hiệu quả kinh tế khi đưa cây quế về trồng
Đất đai rộng lớn, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi, nhưng nhiều diện tích đất ở Gia Lai đang bị khai thác kém hiệu quả. Những năm qua, người dân đã trồng các loại cây như bời lời, keo, tràm từ lâu để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy giấy song hiệu quả từ các loại cây này khá thấp.
Anh Nguyễn Văn Toàn, một nông dân H.Kbang, cho biết: “Để đầu tư trồng 1ha bời lời, keo, tràm tốn khoảng 15 - 20 triệu đồng; thời gian thu hoạch từ 5 - 7 năm. Nếu được giá, sau khi trừ chi phí mỗi héc ta cũng chỉ kiếm được chừng 100 triệu đồng. Đây là số tiền quá ít so với công bỏ ra. Chúng tôi cũng loay hoay với các loại cây trồng khác nhưng chưa tìm được hướng đi phù hợp”.
Lãnh đạo H.Kbang đã đi khảo sát các loại cây trồng có giá trị cao như mắc ca, chanh dây… để nghiên cứu trồng trên những đồng đất của huyện này. Gần đây, cây quế được đưa về trồng thử nghiệm. Ông Trần Văn Trị, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lơ Ku, H.Kbang là đơn vị được giao trồng thử nghiệm cây quế, cho biết: “Chúng tôi đã cùng đi với lãnh đạo huyện ra tận Lào Cai, về H.Trà Bồng (Quảng Ngãi), nơi có nhiều diện tích quế để tìm hiểu. Hiện ở Trà Bồng có đến 1.200ha quế đã được trồng và khai thác. Thu nhập người dân rất ổn định”.
Trồng quế có nhiều tiềm năng vì nhu cầu thị trường đang cần những sản phẩm từ quế.
Theo tính toán, cây quế trồng từ 6 - 7 năm sẽ cho thu hoạch. Nhưng từ năm thứ 3 quế đã cho thu hoạch lá trong quá trình rong cành mỗi năm. Lá quế có giá từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Còn khi thu hoạch cây, mỗi héc ta quế cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng theo giá bán hiện nay. Ngoài ra, khi cạo vỏ, lấy lá, cây quế còn lại có thể bán cho các nhà máy chế biến giấy. Đặc biệt, đối với đất trống dùng trồng quế, trong 2 - 3 năm đầu nông dân có thể trồng xen các loại cây khác như mì, ngô, vừa che bóng cho cây trồng chính lại có thêm thu nhập.
“Trước mắt chúng tôi trồng 5.000 cây quế. Giống được mua từ H.Trà Bồng. Nhờ điều kiện khí hậu thuận lợi nên tỷ lệ cây sống là gần 100%. Chúng tôi đang có 1.500ha đất trống, cộng với chỉ tiêu trồng rừng mỗi năm hơn 100ha nữa”, ông Trị nói.
“Chỉ riêng tiền bán cây làm nguyên liệu cho nhà máy giấy, nông dân cũng có thu nhập bằng hoặc hơn trồng các loại cây như bời lời, keo, tràm như nhiều năm nay. Cây quế cũng có chu kỳ tái sinh từ 2 - 3 lần tùy đất và công chăm sóc”, ông Trị tính toán.
Theo xu hướng tiêu dùng, thị trường đang có nhu cầu mạnh về những sản phẩm tinh khiết, có nguồn gốc từ thiên nhiên. Và thị trường hương liệu từ thiên nhiên trên thế giới ngày càng phát triển mạnh. Đây là những điều kiện quá thuận lợi để phát triển cây quế ở H.Kbang.