Câu chuyện đổi đời nhờ thanh long ruột đỏ của người phụ nữ dân tộc Tày ở Đồng Yên, Hà Giang

Mùa Xuân

28/05/2025 10:11 GMT +7

Chị Hoàng Thị Hải Hiền, thôn Đồng Hương, xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây thanh long ruột đỏ, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình. Nhờ loại cây trồng này, gia đình chị không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng ở địa phương.

Vườn thanh long xanh ngát bạt ngàn của gia đình chị Hoàng Thị Hải Hiền, thôn Đồng Hương, xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Mùa Xuân.

Khát vọng đổi thay trên mảnh đất cằn

Giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng, những vạt thanh long ruột đỏ lấp ló, báo hiệu một mùa vụ bội thu đang đến. Đây là thành quả ngọt ngào của chị Hoàng Thị Hải Hiền, thôn Đồng Hương, xã Đồng Yên, một xã miền núi thuộc huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

Vừa chỉ tay vào từng gốc thanh long ruột đỏ đang ra hoa, đậu quả, chị Hiền kể, trước đây, cuộc sống của gia đình chị chủ yếu dựa vào cây ngô, cây lạc, cam sành hay cà phê. Cây gì cũng thử, nhưng năng suất không cao, giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định.

“Đất đai thì gia đình tôi đều có đó, nhưng trồng mãi mấy loại cây truyền thống cứ quanh quẩn cái nghèo. Lúc nào cũng trăn trở phải làm gì để cuộc sống khấm khá hơn”, chị Hiền chia sẻ.

Chị Hoàng Thị Hải Hiền, thôn Đồng Hương, xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang thăm vườn thanh long ruột đỏ đang cho quả bói. Ảnh: Mùa Xuân.

Năm 2016, chị Hiền nhận thấy một vài hộ dân ở xã Đồng Yên mang cây thanh long ruột đỏ từ miền Nam về trồng cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các cây trồng khác.

Nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, chị Hiền đã không ngần ngại đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Rồi chị Hiền bắt đầu bỏ số vốn ít ỏi của gia đình đầu tư 100 trụ bê tông cốt thép để trồng những gốc thanh long đầu tiên.

Sự kiên trì và nỗ lực của vợ chồng chị Hiền đã được đền đáp. Ngay năm đầu tiên, với 100 trụ thanh long đã cho bói quả mang về 17 triệu đồng. Đây là con số không lớn, nhưng đủ để thắp lên niềm tin và là động lực để chị tiếp tục đầu tư, mở rộng thêm diện tích.

Hái "quả ngọt"

Theo chị Hiền, ngoài số vốn tiết kiệm từ bán quả thanh long, chồng của chị đã đi làm thuê, tích cóp từng đồng, dồn hết vốn liếng vào vườn thanh long. Bởi vậy, đã giúp gia đình chị từng bước khắc phục khó khăn về đồng vốn.

Từ 100 trụ thanh long ruột đỏ ban đầu, đến nay, gia đình chị Hiền đã sở hữu 1.000 trụ thanh long ruột đỏ xanh tốt, thẳng tắp, trải dài ngút tầm mắt bên những cánh đồng.

Những trái thanh long ruột đỏ của chị Hoàng Thị Hải Hiền, thôn Đồng Hương, xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Ảnh: NVCC.

Chị Hiền phấn khởi: Quả thanh long ruột đỏ bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 11. Mỗi gốc thanh long sẽ thu về khoảng 300 nghìn đồng. Với 1.000 trụ thanh long đang có, gia đình tôi thu khoảng 15 tấn quả mỗi vụ, bán với giá từ 25-30 nghìn đồng/kg, thu về hơn 300 triệu đồng.

Không dừng lại ở những vụ mùa thuận lợi, chị Hiền còn không ngừng học hỏi, tìm tòi để nâng cao giá trị cây thanh long. Vụ này, gia đình chị mạnh dạn đầu tư hệ thống dây điện, bóng đèn thắp sáng cho cây thanh long từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau để có những quả thanh long trái vụ ngọt ngào.

Chị Hiền chia sẻ bí quyết: Thời gian thắp sáng cây thanh long cho đến khi cây bắt đầu bật nụ hoa bằng đầu ngón tay cái thì dừng, mất khoảng 24 đêm. Cách này giúp cây ra hoa, đậu quả nhanh hơn khoảng 1 tháng so với cây không thắp điện, từ đó, bán được giá cao hơn rất nhiều.

Bên cạnh việc thắp điện, chị Hiền cũng đặc biệt chú trọng đến kỹ thuật chăm sóc. Việc bón phân chuồng đúng thời vụ, đúng liều lượng, tưới nước thường xuyên là những yếu tố then chốt giúp cây thanh long sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao và chất lượng quả tuyệt vời.

Chị Hiền bảo, vụ năm nay, quả mới bắt đầu bói và chưa chín nhưng nhiều thương lái là khách quen mua quả thanh long của gia đình đã hỏi mua, đặt hàng rồi. Để người tiêu dùng cũng như thương lái nắm được mùa vụ thanh long, chị Hiền còn đăng lên mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok để quảng bá, xây dựng thương hiệu riêng.

"Năm nay, gia đình tôi sẽ đầu tư, xây dựng căn nhà mới kiên cố, khang trang hơn. Số vốn đó đều là nhờ gia đình tôi bán quả thanh long tích góp được cả đấy", chị Hiền vui mừng nói.

Câu chuyện của chị Hoàng Thị Hải Hiền về chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao là một minh chứng sống động cho tinh thần dám nghĩ, dám làm và ý chí vươn lên của người dân vùng nông thôn mới Hà Giang.

Từ những mảnh đất tưởng chừng chỉ cằn cỗi với cây ngô, cây lạc, nay đã xanh mướt những vườn thanh long trĩu quả, mang lại cuộc sống ấm no, sung túc cho bao gia đình, góp phần xây dựng một vùng quê ngày càng giàu đẹp.