dd/mm/yyyy

Cầm chắc 400 triệu đồng/năm nhờ trồng “rau vua” VietGAP

Về thôn Hương Vân, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) hỏi anh Lập “măng tây xanh” thì ai ai cũng biết, bởi anh là một trong những nông dân đầu tiên ở huyện Tiên Du mạnh dạn đầu tư trồng măng tây theo quy trình VietGAP.

Mô hình măng tây xanh theo quy trình VietGAP của anh Lập luôn đắt hàng

Thương hiệu măng tây xanh Đức Lập

Hai năm nay, bình quân mỗi năm anh Lập lãi ròng hơn 400 triệu đồng từ 1 ha “rau vua” cao cấp này.

Trong căn chòi nhỏ, anh Nguyễn Đức Lập hồ hởi kể cho chúng tôi quá trình tìm lối đi riêng cho loài cây “rau vua” này đã được chứng nhận VietGap - Măng tây xanh Đức Lập.
Anh kể, vài năm trước, măng tây xanh nổi lên như một loại cây làm giàu với giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với trồng lúa và các cây rau màu khác. Sau khi thăm quan mô hình trồng măng tây xanh ở Ninh Thuận, Hà Nội, cuối năm 2014 anh Lập quyết định đầu tư thuê 1ha đất trồng loài cây “vua rau” này.

Nhưng sau đó chỉ thời gian ngắn, măng tây xanh được trồng ồ ạt dẫn đến thị trường tiêu thụ bấp bênh. Vì vậy, anh Lập bắt đầu nghĩ đến việc làm thế nào để nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Đầu năm 2016, trang trại chuyển hướng trồng măng tây xanh theo quy trình VietGAP.

“Chỉ có bảo đảm chất lượng, làm cho người tiêu dùng tin vào sự an toàn, mới khiến họ bỏ tiền ra mua sản phẩm với giá cao hơn. Việc theo đuổi chứng nhận VietGAP không chỉ là tìm tấm giấy thông hành giúp sản phẩm ra thị trường, mà quan trọng hơn là thay đổi quan điểm, lề lối canh tác, cải tạo chất lượng ngay từ khâu sản xuất”, anh Lập chia sẻ.

ể trồng măng tây xanh theo quy trình VietGAP, anh Lập phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về nguồn nước, đất trồng và sản phẩm được kiểm tra định kỳ của các cơ quan chuyên môn. Hơn 70% phân bón anh Lập sử dụng cho cây măng tây xanh là phân hữu cơ. Vì vậy, trang trại xây dựng bể chứa diện tích 50m³ dùng để ủ phân gà hoai mục làm phân bón.

“Trồng măng tây xanh theo quy trình VietGAP tôi không lo ế bởi cứ thu hoạch ngày nào là bán hết ngay ngày đấy. Các thương lái trong và ngoài huyện đến tận nơi để săn đón”.
Anh Nguyễn Đức Lập

“Đặc biệt, măng tây là giống cây ưa sạch, nếu nguồn nước bị ô nhiễm thì cây sẽ chết. Vì vậy, tôi đã đầu tư lắp thêm hệ thống nước sạch tưới tiêu tự động. Ngoài ra, do không sử dụng thuốc trừ cỏ nên trang trại cũng tốn nhiều công làm cỏ hơn so với thông thường”.

“Để phòng các loại bệnh nấm, rỉ sắt trên măng tây xanh, tôi thường dùng phân vi sinh đối kháng và chế phẩm sinh học mỗi năm bón 2 lần cho cây”, anh Lập thông tin.

Măng tây sạch giá cao vẫn đắt hàng

Theo anh Lập, mới nghe nhiều người cho măng tây là cây trồng “sang chảnh”, nhưng thực ra nếu hợp đất, hợp thời tiết thì cây rất dễ tính. Cây măng tây chỉ cần đầu tư trồng 1 lần là có thể thu hoạch sản phẩm liên tục từ 8 – 10 năm nên giá trị kinh tế gấp nhiều lần so với trồng lúa.

“Để đảm bảo năng suất cao, nhiệt độ trên 18 độC bà con mới nên thu hoạch măng tây. Người trồng chỉ nên thu hái liên tục 23 ngày/tháng còn lại nghỉ hái để dưỡng cây”, anh Lập chia sẻ.

Do áp dụng sản xuất hữu cơ, sản lượng măng tây xanh của trang trại Đức Lập thấp hơn so với các cơ sở sản xuất thông thường, chỉ đạt 1,3 tấn/tháng, trung bình 10 - 12 tấn/năm và vào mùa đông thấp hơn.

“Đổi lại, từ khi được chứng nhận VietGAP, các sản phẩm có tem nhãn rõ ràng, giá bán cao hơn sản phẩm thông thường từ 20.000 - 30.000 đồng, đạt 87.000 - 90.000 đồng/kg. Năm 2017, tôi thu nhập từ măng tây xanh được 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cho lãi hơn 400 triệu đồng”, anh Lập phấn khởi nói.

Thu Hà