dd/mm/yyyy

Sơn La: Các bệnh da liễu gia tăng trong mùa nồm ẩm

Thời gian qua, do thời tiết nồm ẩm nên số lượng bệnh nhân đến thăm khám tại Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Sơn La tăng cao...

Bệnh da liễu gia tăng trong mùa nồm ẩm ở Sơn La

Hôm nay (9/2), thông tin từ Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Sơn La, những ngày qua, số người đến khám bệnh về da tăng cao. Từ sau Tết đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận trên 200 trường hợp đến khám và điều trị.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Vũ Thị Hòa, Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Sơn La cho biết: Thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi, gây ra nhiều loại bệnh, trong đó có các bệnh về da liễu.

Sơn La: Các bệnh da liễu gia tăng trong mùa nồm ẩm - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Sơn La tham khám cho bệnh nhân mắc bệnh viêm da. Ảnh: Hiền Linh.

Theo bác sĩ Hòa, nhiều trường hợp vào viện khám vì dị ứng thời tiết, viêm da dị ứng, mề đay, viêm da tiếp xúc do côn trùng, nấm da do mặc quần áo ẩm ướt… Ngoài các bệnh do virus, vi khuẩn thì nấm da là bệnh gặp khá phổ biến do thời tiết nồm ẩm trong những ngày qua. 

Theo đó, trên da xuất hiện tình trạng ngứa, rát đỏ và lan rộng dần khiến người bệnh khó chịu và ngứa ngáy. Một số những trường hợp bị nấm sẵn nhưng đến mùa nồm ẩm sẽ phát triển mạnh hơn như: Lang ben, hắc lào.

Bệnh nấm da không phải bệnh lý nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hầu hết người bệnh phải điều trị kéo dài, có thể từ 1- 6 tháng với các bệnh như: Nấm tay, nấm chân, nấm tóc...

Bên cạnh đó, thời tiết nồm ẩm khiến vi khuẩn phát triển mạnh kết hợp da mặt luôn ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho các chất bã nhờn bít tắc lỗ chân lông, vi khuẩn phát triển, khiến nhiều người bị mụn bọc, mụn mủ, mụn trứng cá.

Giải pháp phòng, chống bệnh da liễu mùa nồm ẩm

Bác sĩ Hòa khuyến cáo, những người mắc bệnh về da, hằng ngày cần làm sạch da 2 - 3 lần để tránh bụi tích tụ trên da. Cùng với đó nên thay vỏ gối, vỏ chăn ga thường xuyên và giữ sạch khăn rửa mặt. Không mặc quần áo khi còn ẩm ướt. Nên sấy khô quần áo trước khi mặc, nhất là với trẻ em, vì trời ẩm khiến quần áo sau giặt thường thiếu nắng, lâu khô, khi mặc trên người dễ gây ngứa ngáy cho da.

Mặt khác, cần thường xuyên vệ sinh nhà ở, môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh chăn, ga, gối, đệm thường xuyên, hạn chế mở cửa để tránh hơi ẩm tràn vào nhà, có thể sử dụng điều hòa hoặc máy hút ẩm để hút hơi ẩm trong không khí trong nhà. 

Cần ăn uống đủ chất, bổ sung rau củ, các loại trái cây, bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng cơ thể, giúp da khỏe mạnh, chống lại các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, cần uống đủ nước mỗi ngày, hạn chế ăn các đồ cay nóng.

Khi xuất hiện tình trạng viêm da, dị ứng, mẩn ngứa… không nên tự ý mua thuốc điều trị mà cần có sự tư vấn của bác sĩ.

Hiền Linh