Ông Phương cho biết, để có được thành quả như hôm nay, ông đã mất nhiều năm trời mày mò, nghiên cứu và trải qua nhiều lần thất bại.
Cơ duyên với cây thanh long
Năm 1986, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Phương có hơn 10 năm lập nghiệp ở TP.HCM, nhưng rồi đành phải trở về quê hương để tìm kế mưu sinh. Về quê, ông đi làm đủ nghề nhưng vẫn nghèo. Sau đó, ông được cha mẹ cho 1ha đất để canh tác.
Ông Phương kể, trên diện tích đó ban đầu ông nuôi tôm, nhưng càng làm càng thua lỗ, âm vốn.
"Sau đó, tôi chuyển sang nuôi gà, cảm thấy không ổn tôi lại chuyển sang nuôi thỏ, nuôi dê. Tiếp đến, nhận thấy những con vật đó không mang lại hiệu quả tôi lại chuyển sang nuôi lợn mọi, nhím, rắn ri tượng. Lại thấy không hiệu quả, tôi chuyển sang trồng khoai lang, sắn, mãng cầu, trồng rau sạch. Nhưng rồi tất cả không mang lại hiệu quả như mong muốn" - ông Phương chia sẻ.
Sau khi nuôi, trồng nhiều loại cây con mà vẫn không đem lại thu nhập cao, ông Phương nhờ người thân bên vợ ở Bình Thuận gửi giống thanh long vào để ông trồng thử. Tuy nhiên, ông Phương lại tiếp tục thất bại.
Ông Mai Lam Phương vừa cùng con trai Mai Trúc Lâm đoạt giải Nhì cuộc thi khởi nghiệp quốc gia năm 2019 với dự án "Thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn".
"Giống thanh long Bình Thuận và Tiền Giang đều không hợp với đất mặn của mình. Lúc đó, tôi rất nản, suốt ngày cứ lang thang vò đầu bứt tai suy nghĩ mà không biết phải làm gì. Vào năm 2009, trong một lần đi trên đường tôi vô tình phát hiện một cây thanh long (giống của địa phương) nằm dưới mương nước mặn nhưng vẫn sống tốt. Tôi thấy vậy, đem về nhà trồng cầu may" - ông Phương nhớ lại.
Đem giống thanh long đó về nhà, ông Phương dần dần chiết ra và trồng được hơn 400 gốc thanh long trên những cây tạp quanh bờ vuông như trâm bầu, tra... Sau hơn 1 năm, những cây thanh long này cho trái, nhưng chỉ cho có 1 trái.
Ông Phương cho hay: "Thấy ra trái tôi mừng lắm, chỉ cần cây sống tốt và cho trái tức là mình đã bước đầu thành công. Ở những vụ sau đó, hơn 400 gốc thanh long này cho trái tốt, mỗi vụ được hơn 3 tấn. Đến khoảng năm 2015, tôi bán thanh long rất có giá, có thời điểm được 15.000 đồng/kg, trong khi thanh long ở nơi khác chỉ có vài ngàn đồng/kg".
Về sau, nhiều thương lái đã tìm đến đến thu mua thanh long của gia đình ông với giá dao động từ 7.000 – 20.000 đồng/kg. Sau đó, ông Phương làm các thủ tục để đăng ký sở hữu trí tuệ với thương hiệu thanh long Mai Gia.
Thương hiệu thanh long đặc biệt
Trong quá trình sản xuất, ông Phương nảy ra suy nghĩ dùng nhánh, cành cây mắm để làm muỗng, đũa, thìa…, còn dây thanh long thì chế tạo ra ống hút thân thiện với môi trường. Đến nay, các ý tưởng của ông Phương đã đi vào thực hiện, bước đầu đem lại hiệu quả.
Khi sản lượng thanh long đã ổn định thì ông Phương lại vướng phải khó khăn là sau vài năm, một lượng lớn cây trâm bầu, cây tra… bị chết do mất sức. Từ đó, cây thanh long của gia đình ông Phương bị hư hỏng nặng vì mất trụ.
May mắn là cũng từ đó ông nhận ra rằng, với riêng cây mắm dù bị thanh long sống ký gửi nhưng vẫn phát triển xanh tốt.
Ông Phương lý giải, cây mắm ngoài lớp vỏ thì trong thân còn có nhiều lớp vân, lõi, cho nên khi rễ thanh long hút chất dinh dưỡng từ cây mắm, lớp vỏ bên ngoài bị hư thì các lớp vân lõi bên trong vẫn có thể cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi thanh long. Nắm được đặc tính đó, ông đã đem một số cây thanh long đã ra rễ buộc vào cây mắm mọc giữa vuông tôm để trồng thử nghiệm. Ở vụ đầu, những cây thanh long này cũng chỉ cho ra 1 trái.
"Nhiều người thấy tôi đem thanh long trồng trên cây mắm giữa vuông tôm nước mặn, đã không tin là có thể thành công. Tôi không buồn mà tiếp tục cố gắng để chứng minh điều mình làm là đúng đắn. May mắn là vợ con tôi luôn đồng hành và ủng hộ tôi - ông Phương bộc bạch.
Sau một thời gian trồng thử nghiệm, ông Phương thu được thành công ngoài mong đợi. Cây thanh long không những phát triển tốt trên cây mắm ở vùng nước ngập mặn mà còn cho trái với mùi vị đặc biệt. Trái thanh long trồng trên đất mặn có độ giòn, ngọt và có mùi hương nhẹ giống mùi hương nhãn.
Theo ông Phương, để thực hiện ý tưởng của mình, ông đã trồng và cải tạo lại cây mắm trên vuông tôm. Sau khi cây mắm trồng được 2 năm tuổi, ông tiến hành trồng gửi 1.000 gốc thanh long.
Hiện hơn 1.000 cây thanh long trên cây mắm giữa vuông tôm nước mặn của ông Phương đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ cho trái vào năm 2021. Bên cạnh đó, nhiều cây thanh long trên cây mắm ở bờ và dưới nước cặp mé vuông tôm cũng đang cho trái.
Nói về kỹ thuật trồng thanh long trên cây mắm dưới nước mặn, ông Phương cho biết, cây thanh long rất dễ sống, chỉ cần buộc nhánh thanh long đã ra rễ vào cây mắm là cây sống tốt và cho trái. Để giảm hao hụt, khi trồng 1.000 gốc thanh long, ông bổ sung dưới mỗi gốc 1 chậu đất nhỏ để cung cấp chất dinh dưỡng nuôi dây thanh long khi bộ rễ còn yếu.
Khi rễ thanh long bám vào cây mắm được từ 3-6 tháng, dù nước mặn có ngập đến gốc trong 5-6 ngày, thanh long vẫn có thể phát triển bình thường.
Thời gian tới, ông Phương dự định, ngoài trồng thanh long, nuôi tôm, cua, ông còn nuôi thêm ốc len, vọp trên phần đất của gia đình. Ngoài giúp tăng thu nhập, ông còn ấp ủ ý tưởng tạo được hệ sinh thái đa dạng, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng.
"Thông qua mô hình, tôi mong muốn sẽ giúp nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân sinh sống ở vùng đất nhiễm mặn. Khi nông dân thích nghi được với điều kiện tự nhiên và làm giàu trên chính vùng đất của mình, thì sinh kế sẽ ổn định hơn. Bên cạnh đó, tôi mong muốn mô hình trồng thanh long trên cây mắm ở vùng nước ngập mặn còn mở ra hướng phát triển mới cho người dân, khi tạo sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường" - ông Phương chia sẻ.