Đã gần 7 năm rồi, ngày nào cũng vậy, trước giờ vào lớp khoảng 1 giờ đồng hồ cũng là lúc các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập lại thay nhau mang cơm lên cho các em học sinh mầm non và tiểu học ở bản nghèo Buốc Pát cách đó 4 km.
Gần 20 phút đi bằng xe máy trên con đường đất ngoằn ngoèo khó đi dẫn lên bản, càng đi càng lên cao, chúng tôi đã có mặt tại bản Buốc Pát. Theo hướng chỉ của Trung tá Tòng Văn Sáng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, nhìn thấy ẩn trong làn sương sớm phía trước chừng 1km là lớp học mầm non xây cấp 4 với lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trong gió nằm trên một quả đồi bát úp.
Đón chúng tôi là cô giáo Vì Thị Dương, giáo viên mầm non cắm bản Buốc Pát. Cô giáo Dương là người xã Mường Tè (huyện Vân Hồ), cách điểm lẻ Buốc Pát hơn 100km. Vẫn là những công việc thường cô giáo Dương cùng những chiến sỹ biên phòng nhanh chóng chia đều những khẩu phần cơm cho 6 học sinh mầm non.
Cô giáo Vì Thị Dương vừa chia cơm vừa nói: Nhiều năm rồi, nhờ có sự hỗ trợ về bữa cơm sáng cho các em nhỏ trong bản mà việc huy động các em đến lớp của chúng tôi bớt đi được nhiều khó khăn. Trước đây, để học sinh đến lớp đầy đủ như này là điều rất khó. Có năm học, cả bản có hơn 30 học sinh trong độ tuổi đến lớp thì thiếu tới 80%. Chỉ đến khi, cán bộ, chiến sỹ biên phòng hỗ trợ cho các em bữa cơm sáng, dựng lớp học và giúp đồng bào cây trồng, vật nuôi phát triển sản xuất thì việc học của trẻ em trong bản mới được đảm bảo hơn.
Buốc Pát là một bản nghèo nhất của xã Lóng Sập. Trước đây, lớp học chỉ là tranh tre, vách nứa, ngồi trong lớp học có thể nhìn thấy mặt trời. Đồ vật lành lặn nhất của lớp học chỉ là hơn chục bộ bàn ghế học sinh và mấy chiếc bảng gỗ do cán bộ, chiến sỹ biên phòng tặng. Việc các em không đi học là do gia đình quá nghèo, những người gọi là trụ cột trong gia đình đều liên quan tới ma túy và đang phải đi cải tạo. Như hiện tại, cả bản có 14 hộ thì có tới 9 hộ liên quan tới ma túy, trong đó có những hộ cả ông bà, bố đang phải đi cải tạo do liên quan tới ma túy hoặc có hộ một mình bà nội phải nuôi các cháu... Do vậy, nếu không có sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sỹ biên phòng, sự phối hợp cùng nhà trường truyên truyền vận động thì khó có thể đưa các em đến lớp học được như hôm nay.
Cô giáo Phạm Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học-THCS xã Lóng Sập, khẳng định: Việc phối hợp, giúp đỡ của cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập không chỉ dừng ở việc hỗ trợ bữa ăn sáng cho các em học sinh mà còn phối hợp tốt với các thầy cô giáo trong việc tu sửa cơ sở vật chất, giúp cho các em học sinh bán trú và các điểm lẻ đặc biệt khó khăn có được chỗ ăn, ở, đảm bảo để các em có thể là xa gia đình và thực hiện tốt công tác học tại nhà trường.
Đúng như những gì mà các giáo viên nơi đây chia sẻ, cách đây khoảng 8 năm thôi, khi mà “cơn bão” ma túy đang làm khổ đời sống người trong bản thì cũng là quãng thời gian trẻ em trong bản không được đi học, không được quan tâm chăm sóc. Cấp ủy, chính quyền và các nhà trường đã nỗ lực vào cuộc nhưng vẫn không hiệu quả. Thế rồi, cùng những ý tưởng sáng tạo, cách làm thiết thực khi vận dụng, triển khai hiệu quả Chỉ thị 03 và nay là Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập đã đưa được các em đến với lớp học.
Anh Tòng Văn Sáng, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, cho biết: Kể từ khi có cuộc vận động học và làm theo lời Bác, cán bộ, chiến sỹ đơn vị đã vận dụng và lựa chọn được nhều việc làm ý nghĩa, như: Hỗ trợ áo ấm, chăn ấm, làm nhà cho đồng bào, học sinh khó khăn, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi cho các bản nghèo, khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân 2 bên biên giới… Từ năm 2012 đến nay, tiếp tục thực hiện cuộc vân động học và làm theo lời Bác, Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị đã họp bàn và đưa ra trước tập thể đơn vị để nuôi các cháu ở điểm trường Buốc Pát bữa ăn sáng, nhằm giúp các em có điều kiện đến trường.
Đã 6 năm rồi, đơn vị đã huy động cán bộ chiến sỹ hàng tháng trích một phần từ tiền lương phụ cấp của mình để chung tay với bà con nhân dân ở tại bản. Đến nay, ngoài việc đang đỡ đầu 2 học sinh là con em 2 bên biên giới học hết lớp 12, đơn vị đã nhân rộng mô hình hỗ trợ bữa ăn cho 34 học sinh thuộc 4 bản khó khăn trong xã đang theo học tại khu trung tâm.
Trên đường trở về, tôi chợt nghĩ: Nếu không có việc làm đầy ý nghĩa của những người lính cụ Hồ giữa thời bình nơi vùng cao biên giới này, thì bao trẻ em ở bản Buốc Pát sẽ đi về đâu.