dd/mm/yyyy

Bỏ việc hái ra tiền, chàng thợ xăm theo nghề "độc" chỉ phục vụ đại gia

Là một thợ xăm có tiếng với mức thu nhập trên dưới 50 triệu/tháng, anh Chiến vẫn quyết "chơi lớn", bỏ việc để theo đuổi nghề chạm khắc trên đồng hồ và cho ra đời những sản phẩm thời trang độc đáo.

Bỏ việc nghìn "đô" theo nghề mới

10h sáng, trong căn phòng nhỏ tầng 3, anh Trần Ngọc Chiến (34 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) dán chặt mắt vào ống kính hiển vi, đôi tay khéo léo đi từng nét chạm khắc trên mặt chiếc đồng hồ đắt tiền.

Bỏ việc hái ra tiền, chàng thợ xăm theo nghề "độc" chỉ phục vụ đại gia - Ảnh 1.

Căn phòng từng là phòng xăm trước đây của anh Chiến giờ là xưởng chạm khắc đồng hồ.

Vừa làm anh vừa chia sẻ, chạm khắc trên đồng hồ đã có ở một số nước châu Âu, Mỹ... từ nhiều năm trước. Gần đây, môn nghệ thuật này du nhập vào Việt Nam, số lượng thợ trong nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trước khi bén duyên với nghề này, anh Chiến có gần 10 năm trong nghề xăm hình nghệ thuật, anh cũng có tiếng trong giới thợ xăm ở Hà Nội.

Anh chia sẻ, ban đầu tiếp xúc với bộ môn chạm khắc chỉ để thỏa mãn đam mê làm đồ chơi của mình. Sau thời gian tiếp xúc, anh bị cuốn vào bộ môn này lúc nào không hay.

"Một lần đang ngồi nhậu với nhóm bạn thì một anh bạn chuyên bán đồng hồ cao cấp mới bảo tôi, gần đây trên các hội nhóm có xuất hiện nhiều sản phẩm chạm khắc trên đồng hồ, rất lạ và có vẻ "hot".

Về nhà tôi lên mạng tìm hiểu thì chỉ thấy có thợ nước ngoài làm. Càng theo dõi càng thấy cuốn, tôi nhìn một lần mà mê luôn", anh Chiến kể lại cuộc nhậu đã đưa anh đến với nghề chạm khắc.

Bỏ việc hái ra tiền, chàng thợ xăm theo nghề "độc" chỉ phục vụ đại gia - Ảnh 2.

Thu nhập từ nghề xăm có tháng lên tới 50 - 60 triệu đồng nhưng anh Chiến vẫn quyết "chơi lớn", bỏ việc để theo đuổi nghề chạm khắc trên đồng hồ.

Từ lúc tìm thấy đam mê với bộ môn chạm khắc, ngoài thời gian xăm cho khách, mỗi lúc rảnh, anh Chiến hết lên Chợ Trời (Phố Huế) lại lượn về Đê La Thành lọ mọ đi tìm dụng cụ có thể chế làm đồ nghề phục vụ cho công việc chạm khắc.

"Chưa biết bắt đầu từ đâu, máy móc mua thế nào và không biết mình có làm được không, lúc đó tôi chỉ nghĩ là nghề xăm với chạm khắc có nhiều điểm tương đồng, chỉ khác là việc xăm thực hiện trên da thịt con người và chạm khắc làm trên bề mặt đồ vật và tin rằng mình có thể làm được.

Lúc làm xăm thì khả năng kiếm tiền của tôi cũng tạm ổn, công việc cho thu nhập trên dưới 50 triệu đồng tháng, có tháng hơn 60 triệu. Khi chuyển sang chạm khắc, tôi xác định là chơi vì nghề này ở Việt Nam ít người làm. Nhiệm vụ kiếm tiền vẫn là ở nghề xăm.

Chuẩn bị khoảng 1 tháng, chạy khắp nơi xong tôi cũng chế tạo được đồ nghề và bắt đầu công việc chạm khắc", anh Chiến cho biết.

Bỏ việc hái ra tiền, chàng thợ xăm theo nghề "độc" chỉ phục vụ đại gia - Ảnh 3.

Theo anh Chiến, ở Việt Nam hiện tại, số lượng người biết chạm khắc mặt đồng hồ, đủ khả năng thực hiện những mẫu họa tiết tinh xảo chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nói về quyết định có phần liều lĩnh của mình, anh Chiến cho hay, anh may mắn vì mỗi bước đi trong sự nghiệp đều được vợ và người thân trong gia đình ủng hộ. Bởi vậy anh không gặp trở ngại khi đưa ra quyết định.

Năm 2020, anh mới bắt đầu có khách đặt hàng điêu khắc và công việc mang lại thu nhập. Thấy ổn, anh Chiến quyết định bỏ hẳn việc xăm, tập trung cho nghề chạm khắc.

"Ban đầu tôi nghĩ cứ đi từ từ, vừa làm vừa học hỏi, phục vụ đam mê của mình trước, khi tay nghề ổn mới làm cho khách để kiếm tiền nhưng không ngờ mới làm được 1-2 sản phẩm đăng lên các hội nhóm đã có khách vào đặt hàng luôn", anh Chiến chia sẻ.

Khách ngoại xếp hàng dài

Nhìn lại 5 năm theo đuổi nghề chạm khắc, anh Chiến cho biết, thu nhập kiếm được từ công việc này đã vượt nghề xăm trước kia rất nhiều. Không chỉ dừng ở mức thợ xăm có tiếng ở Hà Nội, tên tuổi Chiến "lì" dần xuất hiện ở cả nước ngoài, như Canada, Mỹ, Ả Rập, Hồng Kông…

Theo anh, để tạo nên một tác phẩm hoàn thiện, đẹp mắt, thỏa mãn về nghệ thuật quả thực khá khó và phải tìm hiểu nhiều. Chạm khắc trên đồng hồ đòi hỏi cả tính kiên trì, tỉ mỉ.

Bỏ việc hái ra tiền, chàng thợ xăm theo nghề "độc" chỉ phục vụ đại gia - Ảnh 4.

Một tác phẩm khắc trên đồng hồ nhìn qua kính hiển vi.

"Mới đầu tôi chạm khắc trên các dòng đồng hồ của Nhật, Thụy Sỹ có mức giá vài triệu đến 20-30 triệu đồng. Về sau, nhiều người biết đến đã tin tưởng giao vào tay tôi những chiếc đồng hồ hạng sang, giá hàng trăm triệu đồng như Rolex, thậm chí cả dòng đồng hồ cao cấp như Patek Philippe.

Hiện tại những sản phẩm như dao, khóa túi da, bật lửa... những đơn hàng không quá khó thì tôi hợp tác với anh em thợ khác cùng làm. Còn riêng chạm khắc trên những chiếc đồng hồ giá trị lớn đòi hỏi nhiều kỹ thuật khó như khảm đồng, vàng.... thì phải tự tay làm", anh Chiến kể về công việc.

Người thợ điêu khắc đặc biệt cũng cho biết, chạm khắc trên đồng hồ là công việc khó nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì rất cao. Bản thân mỗi người thợ phải không ngừng học hỏi, sáng tạo, nâng cao kỹ thuật chạm khắc... mới có thể sống được với nghề.

Bỏ việc hái ra tiền, chàng thợ xăm theo nghề "độc" chỉ phục vụ đại gia - Ảnh 5.

Chạm khắc trên đồng hồ đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì rất cao của người thợ.

Làm thế nào để khách hàng tin tưởng giao những đồ vật giá trị là câu hỏi những người thợ chạm khắc đồng hồ như anh Chiến luôn trăn trở.

"Patek Philippe là chiếc đồng hồ giá trị nhất tôi từng chạm khắc, khoảng 850 triệu đồng. Người Việt hay người nước ngoài khi chơi những dòng sản phẩm giá trị cao luôn muốn giữ gìn để giao dịch mua bán, trao đổi. Do đó, họ tìm hiểu rất kỹ về người thợ.

Những khách hàng tìm đến tôi ngoài có kinh tế mạnh còn là những người có cá tính riêng. Mới vào nghề, cầm trên tay những chiếc đồng hồ giá trị lớn tôi cũng rất hồi hộp và áp lực vì chỉ cần làm sai 1 ly là đi 1 dặm. Chẳng may làm hỏng thì phải đền rất nhiều tiền", anh Chiến chia sẻ.

Theo anh Chiến, một chiếc đồng hồ từ khi nhận về làm tới khi hoàn thiện bàn giao cho khách có thể mất phải mất từ 1 - 2 tháng. Có những chiếc đặc biệt có thể phải mất đến 3 tháng mới xong.

Bỏ việc hái ra tiền, chàng thợ xăm theo nghề "độc" chỉ phục vụ đại gia - Ảnh 6.

Tác phẩm Hỏa Long được khảm đồng, khảm vàng 24k. Tác phẩm này được nung và kiểm soát nhiệt độ cho ra màu sắc đỏ cam rực rỡ, đẹp và khác biệt so với màu sơn bình thường.

Giá chạm khắc của một bộ mặt số đồng hồ thông thường dao động từ 3-5 triệu đồng. Những mặt số có họa tiết cầu kỳ hơn hoặc khảm thêm vàng thì có giá dao động từ 8-12 triệu đồng. Anh Chiến chia sẻ, có những dự án tiền công anh được trả lên tới hơn 1.000 USD (khoảng 25 triệu đồng).

"Hiện tại có những đơn hàng khách nước ngoài phải xếp hàng 2-3 tháng mới tới lượt làm nhưng khách đã thích đều sẵn sàng đợi", anh Chiến chia sẻ.

Hiện tại ngoài công việc chạm khắc, anh Chiến mở thêm lớp đào tạo cho nhiều người có cùng đam mê môn nghệ thuật này. Anh tâm niệm, càng nhiều người tham gia thì nghề sẽ càng phát triển.

Bỏ việc hái ra tiền, chàng thợ xăm theo nghề "độc" chỉ phục vụ đại gia - Ảnh 7.

Anh Chiến và các học viên lên ý tưởng cho mỗi sản phẩm trước khi thực hiện.

"Ban đầu tôi hay chia sẻ về nghề trên mạng xã hội để giao lưu, học hỏi với những người thợ khác trên thế giới. Nhiều thợ điêu khắc ở nước ngoài giấu nghề nhưng tôi có suy nghĩ khác, chạm khắc là môn nghệ thuật khó, không phải ai cũng làm được.

Tôi còn mở lớp đào tạo nghề cho người cùng đam mê, sở thích với mình. Nghề này hiện nay đang phát triển nhưng rất ít thợ trong khi đơn hàng nhiều, một mình không thể "ôm" hết.

Những người thợ tôi đào tạo chính là những đối tác sau này. Có nhiều đối tác sẽ nhận được nhiều đơn hàng hơn, thu nhập kiếm được chắc chắn cũng cao hơn khi "độc diễn", anh Chiến tâm niệm.

Sơn Nguyên