Bỏ nghề Y, cô gái Thái trở về quê trồng cây ăn quả làm giàu
22/04/2025 12:50 GMT +7
Tốt nghiệp ngành Y, từng mơ ước theo đuổi có công việc ổn định nơi phố thị, nhưng chị Hà Thị Hạnh, (SN 1991), người dân tộc Thái, ở bản Văn Phúc Yên, xã Mường Thải (Phù Yên, Sơn La) đã lựa chọn trở về quê nhà trồng cây ăn quả, làm nông nghiệp sạch.
Trước đây, cuộc sống của gia đình chị Hạnh cũng như nhiều hộ dân khác ở bản Văn Phúc Yên còn nhiều khó khăn, vất vả. Kinh tế chủ yếu dựa vào cây ngô, cây sắn, những loại cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc, cho thu nhập bấp bênh, chỉ đủ trang trải qua ngày. Nỗi lo toan về một tương lai ổn định cứ đeo bám.
Với nhiều người, việc có một công việc trong ngành Y là niềm mơ ước, là con đường sự nghiệp vững chắc. Nhưng với chị Hà Thị Hạnh, mảnh đất quê hương Mường Thải, nơi có khí hậu và thổ nhưỡng đầy tiềm năng, lại ấp ủ một khát vọng khác. Năm 2014, chị đưa ra một quyết định táo bạo bỏ nghề Y về quê làm nông dân.
Không chỉ là quyết định thay đổi nghề nghiệp, đó còn là sự thay đổi tư duy, cách làm hay trên chính mảnh đất gia đình.
Chị cùng gia đình bắt tay vào cải tạo 5 ha đất dốc, biến vùng đất này thành từng bậc thang vững chãi. Diện tích đất từng trồng ngô, sắn kém hiệu quả nay được phủ xanh bằng những gốc cam đường canh, cam vinh, quýt, bưởi... Những loại cây ăn quả có múi mà chị tin rằng sẽ mang lại giá trị cao hơn.

Con đường đi đến thành công chưa bao giờ trải đầy hoa hồng. Chị Hạnh chia sẻ: Những ngày đầu khi mới bắt tay vào trồng, chăm sóc cây ăn quả, gia đình tôi gặp không ít khó khăn, thậm chí nếm trải cả mùi vị thất bại.
Sâu bệnh hoành hành, chất lượng quả lúc đầu chưa đạt như mong muốn. Bản thân tôi hiểu rằng, kinh nghiệm học từ nơi khác chỉ áp dụng được một phần, bởi mỗi vùng đất có khí hậu, thổ nhưỡng riêng.
Theo chị Hạnh, không nản lòng, với ý chí quyết tâm, dám nghĩ dám làm, chị Hà Thị Hạnh đã "vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm từ thực tế". Chị Hạnh tự mình mài mò, nghiên cứu thêm về cách chăm sóc, bón phân, tỉa cành.
Chị học cách lắng nghe "tiếng nói" của cây, hiểu từng nhu cầu dinh dưỡng theo từng giai đoạn phát triển. Việc bón phân cho cây non khác cây đã cho quả bói, bón vào giai đoạn ra hoa lại càng cần sự tỉ mỉ, chính xác.
Giờ đây, sau bao nỗ lực, vườn cây 5 ha của gia đình chị Hạnh đã cho quả ngọt. Trung bình mỗi năm, vườn mang lại sản lượng đáng mơ ước khoảng 20 tấn quả các loại, thu về hàng trăm triệu đồng.
Cam, quýt chín mọng được gia đình chị bày bán ngay dọc Quốc lộ 37, thu hút cả thương lái và du khách thập phương.

Hiện nay, gia đình chị Hạnh đang áp dụng quy trình trồng cam hữu cơ, sử dụng phân hữu cơ là chủ yếu, kết hợp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, hướng tới sản phẩm sạch và bền vững.
Dù thị trường đầu ra có lúc thênh thang, có lúc giá cả bấp bênh, nhưng với sản lượng ổn định và chất lượng ngày càng được nâng cao, vườn cây ăn quả đã mang lại cho gia đình chị Hà Thị Hạnh một nguồn thu nhập cao, giúp chị và gia đình vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Câu chuyện về cô gái Thái bỏ nghề Y về làm nông nghiệp ở Mường Thải là một minh chứng truyền cảm hứng về sự dám nghĩ, dám làm và tinh thần học hỏi không ngừng. Chị Hà Thị Hạnh đã cho thấy thành công có thể đến từ những lựa chọn khác biệt, chỉ cần có đủ đam mê, ý chí và sự kiên trì theo đuổi ước mơ trên mảnh đất mà mình yêu quý.
Vườn cây trĩu quả của chị hôm nay không chỉ là nguồn thu nhập, mà còn là biểu tượng đẹp đẽ về sự đổi thay, về ý chí vươn lên của người nông dân xã Mường Thải trong hành trình làm giàu chính đáng.