dd/mm/yyyy

"Bẫy lừa” trong mua bán nhà đất: Cẩn trọng kẻo tiền mất, tật mang!

Đang nở rộ tình trạng lừa đảo trong việc mua bán nhà đất của người dân ở một số quận, huyện của TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.

Với người có của ăn của để, mua nhà đất với mục đích kinh doanh, nếu chẳng may bị “sập bẫy lừa” thì có thể “thua keo này, bày keo khác”. Thế nhưng, những người mua nhà đất để “an cư lạc nghiệp”, dùng số tiền dành dụm, tích cóp hàng bao năm trời làm lụng vất vả nên khi mua phải đất ở dự án ma, mua nhà không có giấy chủ quyền, mua của kẻ lừa đảo làm giả giấy tờ…, các nạn nhân chỉ biết tự trách mình thì đã muộn...

Khu đất trồng cây ăn quả lâu năm có diện tích hơn 5.000m² tọa lạc ở ấp 6, xã Vĩnh Lộc A thuộc quyền sử dụng của bà Vũ Đức Vầy. Năm 2010, bà Vầy “cắt” 1.000m² rồi bán giấy tay cho ông Phạm Hữu Dư. Ông Dư phân ra thành 14 nền đất rồi tiếp tục bán giấy tay (nhưng ký trực tiếp từ bà Vầy cho người mua sau) cho nhiều người khác. Các nền đất được mua đi bán lại nhiều lần, đến nay có 7 căn nhà xây dựng trái phép trên khu đất này.

"Bẫy lừa” trong mua bán nhà đất: Cẩn trọng kẻo tiền mất, tật mang! - Ảnh 1.

Khu vực có 7 căn nhà xây dựng trái phép ở xã Vĩnh Lộc A.

Ngày 26-9-2019, UBND xã Vĩnh Lộc A lập biên bản vi phạm về lĩnh vực đất đai và ban hành quyết định khắc phục hậu quả, buộc bà Vầy phải tháo dỡ công trình, trả lại nguyên trạng ban đầu. Tất nhiên nếu bà Vầy không thực hiện thì sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ. Rõ ràng, qua trường hợp này cho thấy, những người thật tâm mua nhà để ở trước mắt đã bị mất trắng căn nhà, còn thiệt hại này có được người bán đền bù hay không lại là một chuyện khác.

Tình trạng như trên đang rất phổ biến ở các quận, huyện vùng ven ngoại thành như các quận, huyện 9, 12, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh và gây đau đầu cho chính quyền địa phương. Nhiều lãnh đạo, cán bộ buông lỏng quản lý, không ngăn chặn xây dựng trái phép đã bị kỷ luật, cách chức nhưng hậu quả mà họ để lại đang là gánh nặng cho người thay thế.

Một cán bộ của Phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức cho biết, khi xử lý những trường hợp như vậy gặp rất nhiều khó khăn. Bởi những người mua nhà xây dựng trái phép (bằng giấy tay hoặc qua Thừa phát lại) họ nói mình không xây trái phép sao bị tháo dỡ? Nhưng luật đã quy định rõ nên phải vận động, giải thích rất nhiều nhưng phần lớn không ai tự nguyện chấp hành tháo dỡ mà bỏ mặc đến đâu hay đến đó. Trong đó không ít người rao bán lại với giá bèo để tháo chạy và nhiều nạn nhân mới vì ham nhà giá rẻ tiếp tục mua bán giấy tay và… “sập bẫy”.

“Bên cạnh công tác vận động người dân chấp hành pháp luật không xây dựng nhà trái phép, UBND phường còn tuyên truyền để mọi người nói không với chuyển nhượng nhà đất khi chưa đủ điều kiện vì như thế khó có thể tránh được rủi ro”, ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch UBND phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 cho biết.

Anh em Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực (Công ty Cổ phần địa ốc Aliababa) lập “dự án ma” lừa đảo hơn 1.600 tỷ đồng bị bắt chưa được bao lâu thì Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Angel Lina Phạm Thị Tuyết Nhung cũng bị tra tay vào còng với hành vi tương tự, số tiền chiếm đoạt cũng rất “khủng” là gần 400 tỷ đồng.

"Bẫy lừa” trong mua bán nhà đất: Cẩn trọng kẻo tiền mất, tật mang! - Ảnh 2.

Người dân cần cẩn trọng trước lời mời mua đất nền giá rẻ. Ảnh CTV

Điều mà dư luận ngạc nhiên nhất qua hai vụ án này là tại sao nhiều người lại dễ dàng bị lừa đến như vậy? Không ai phủ nhận tài “chém gió” của Thái Luyện và Tuyết Nhung nhưng thật ra các nạn nhân không phải ai cũng tin vào những cam kết chắc như đinh đóng cột, những lời nói “có cánh” của hai đối tượng này. Cái chính ở đây là những người này rất giỏi đánh vào lòng tham của các “nhà đầu tư”. Bởi hầu hết những người trót là nạn nhân đều là đầu cơ chứ không phải thật sự “mua” đất để xây cất nhà ở.

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, để dụ nạn nhân vào tròng, hai đối tượng này (và nhiều đối tượng khác chưa lộ diện – PV) chỉ đạo thuộc cấp quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, lôi kéo nạn nhân đi xem đất tại “dự án ma”. Để dàn cảnh như thật, tùy theo quy mô “dự án”, công ty sẽ thuê hàng chục, hàng trăm người (với giá trung bình khoảng 200 ngàn đồng/lần/người) đi kèm với số ít người đi xem thật để tăng thêm phần kích thích.

Bên cạnh đó còn có khá đông người (cũng được thuê) làm nhiệm vụ “chim mồi”. Họ được “tập huấn” khá bài bản để ru ngủ nạn nhân bằng cách tăng bốc công ty làm ăn uy tín, tự nhận đã từng “trúng đậm” nhờ góp vốn với công ty… Khi đến “dự án ma”, nếu khách hàng thật đang ngắm nghía vị trí lô đất nào thì lập tức nhóm “chim mồi” giả đò tranh giành mua khiến khách hàng thật sợ mất cơ hội, nhanh chóng đặt cọc giữ vị trí và sau đó tiến hành làm hợp đồng góp vốn.

Sau khi bán hết các lô đất “dự án ma”, các đối tượng tiếp tục lừa đảo lần hai bằng cách nâng giá nền đất và tìm người mua mới cũng với thủ đoạn tương tự.

Khi khách hàng mới đồng ý mua, nhân viên “sale” công ty sẽ liên hệ với người mua trước để gạ bán lại với giá cao hơn (tầm 50% khoản tiền chênh lệch giá giữa hai lần bán). Nếu đồng ý bán, các nhân viên sale sẽ nhận cọc người mua mới và thanh lý với người mua cũ. Các nhân viên sale sẽ nhận tiền môi giới từ người bán lại, còn phần giá chênh lệch thuộc về công ty.

Kiểu lừa này cứ lặp đi lặp lại cho đến khi không còn người mua mới vì lúc đó giá đã đẩy lên quá cao. Đây cũng chính là lý do vì sao giá đất nền cứ “sốt”, tăng chóng mặt dù người mua thật sự chiếm tỷ lệ không nhiều. Đến lúc người mua với mục đích cất nhà ở hoặc không còn bán lại được thì lập tức bị “vỡ trận” và giải pháp cuối cùng là tố cáo đến cơ quan Công an.

Theo báo cáo mới đây của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, trong 10 tháng của năm 2019, toàn thành phố chỉ có 32 dự án hình thành trong tương lai đủ điều kiện để góp vốn. Do vậy, để tránh bị lừa, người mua cần tìm hiểu cặn kẽ các giấy tờ pháp lý chứng minh chủ dự án được phép huy động vốn trước khi đặt bút ký hợp đồng.

Bên cạnh việc “mất cả chì lẫn chài” vì mua nhà xây dựng trái phép, mua đất ở “dự án ma”, nhiều người còn “mất trắng” khi bị kẻ lừa đảo làm giấy tờ giả để bán nhà. Trước đây, kẻ lừa làm giả cả giấy chứng nhận và giấy tờ tùy thân. Khi ra công chứng, công chứng viên kiểm tra “sổ hồng” thì rất dễ phát hiện vì có mẫu để đối chiếu. Từ đó, kẻ lừa tìm cách đánh tráo lấy “sổ hồng” thật rồi làm giấy tờ tùy thân giả và công chứng trót lọt.

Mới đây, ngày 8-11-2019, TAND quận 6 xét xử một vụ án có liên quan đến việc một đối tượng đóng giả ông Lai Phú Cường (ngụ quận 6) để bán lô đất số 107 Chợ Lớn, quận 6.

Đại diện cho Phòng công chứng số 1 cho biết, khi đến công chứng, đối tượng này cung cấp giấy CMND phù hợp với tên họ, số CMND người trong giấy chứng nhận (được kiểm tra là thật), ảnh chân dung cũng đúng với người đến công chứng nên các Công chứng viên không nghi ngờ gì. Do hiện tại cơ quan Công an chưa bắt được đối tượng giả này nên chưa rõ vì sao người này có giấy chứng nhận bản chính của ông Lai Phú Cường.

Tuy nhiên, qua nhiều vụ án mà PV được tìm hiểu, để đánh tráo “sổ hồng”, các đối tượng đều có thủ đoạn tương tự nhau. Đó là chúng tìm đến nhà người rao bán để xin bản photocopy “sổ hồng” và hẹn sẽ trả lời sau. Sau đó, đồng bọn của kẻ này cũng đóng giả người mua nhà đến yêu cầu xem bản chính “sổ hồng” và chúng đánh tráo sổ giả đã làm đúng theo bản photocopy lấy trước đó.

“Sau khi chiếm đoạt giấy chứng nhận, các đối tượng liền rao bán nhà với giá rất rẻ, nhiều người hám lợi ký hợp đồng mua mà bỏ qua bước xác minh ai là chủ thật sự của căn nhà. Trong khi đó chỉ cần họ đến căn nhà mình mua để tìm hiểu là rõ ngay. Đó chính là lý do vì sao kẻ lừa đảo dạng này vẫn còn đất sống”, một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM cho biết thêm.

Mã Hải